Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của đảng, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn cũng như sự phối hợp trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã đạt nhiều thành tựu. Song, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong lễ hội vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục có những chính sách phù hợp để từng bước tháo gỡ, khắc phục và để lễ hội thực sự là một nhu cầu thiết thực, chính đáng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của nhân dân.
Hiện nay, cả nước có trên 700 lễ hội truyền thống, vì vậy việc xây dựng môi trường văn hoá cho lễ hội truyền thống có tầm quan trọng rất lớn, không chỉ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống mà còn góp phần tích cực vào phát triển xã hội, tạo cơ hội giao lưu văn hoá và thúc đẩy tinh thần đoàn kết cộng đồng. Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn mang đậm bản sắc văn hoá của cộng đồng, với nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian được tổ chức như: lễ tế, lễ rước, trò diễn, trò chơi…luôn thu hút đông đảo người dân và du khác khắp mọi miền đất nước về tham gia, tạo ra cơ hội để họ gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và chia sẻ những trải nghiệm các giá trị văn hoá truyền thống. Môi trường văn hoá thích hợp sẽ giúp tạo nên một không gian thân thiện, khuyến khích sự tương tác và giao tiếp giữa các cá nhân và cộng đồng. Việc xây dựng môi trường văn hoá cho lễ hội truyền thống tạo môi trường cho các giá trị văn hoá truyền thống được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển. Môi trường văn hoá tốt sẽ góp phần duy trì và phát huy hiệu quả các giá trị văn hoá văn hoá truyền thống của cộng đồng để phục vụ nhân dân và du khách. Môi trường văn hoá được trong lễ hội càng được quan tâm, chú trọng thì lễ hội đó sẽ luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến trải nghiệm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xét tổng thể như vậy, việc xây dựng môi trường văn hoá cho lễ hội truyền thống không chỉ đảm bảo sự sống còn của những giá trị văn hoá truyền thống mà còn tạo ra một loạt các lợi ích xã hội, kinh tế và tinh thần quan trọng cho mỗi cộng đồng và cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay môi trường văn hoá trong lễ hội truyền thống đang chịu sự thay đổi theo hướng báo động do những thay đổi mạnh mẽ từ môi trường văn hoá của nó:
- Thay đổi từ mục tiêu của lễ hội, từ mục tiêu duy trì những phong tục, tập quán, truyền bá và giáo dục truyền thống văn hoá tốt đẹp cho các thế hệ mai sau, thể hiện niềm tin, tín ngưỡng và lòng tự hào, lễ hội đang dần chuyển sang những mục tiêu khác mang tính thực dụng hơn, đó là mục tiêu về kinh tế, thậm chí là sự “ganh đua” kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”.
- Thay đổi chủ thể quyết định việc tổ chức lễ hội: Nhiều lễ hội có sự thay đổi từ những đại diện tiêu biểu của cộng đồng sang các cơ quan quản lý tại địa phương. Dẫn đến việc hành chính hoá, nguyên tắc hoá lễ hội. Đáng lo ngại nhất là tình trạng xây dựng các kịch bản tương tự như nhau, làm mất đi giá trị đặc thù, mang tính bản sắc của từng lễ hội gắn với không gian riêng của từng cộng đồng.
- Thay đổi về không gian lễ hội: Mặc dù như đã phân tích ở trên, lễ hội truyền thống có đặc điểm là gắn với một không gian có tính ổn định, đi đôi với đó là những lễ nghi, trật tự triển khai trong phần lễ. Tuy nhiên hiện nay, không gian lễ hội truyền thống có xu hướng mở rộng, thậm chí hình thành các lễ hội liên vùng. Bên cạnh đó, xu thế đô thị hoá hoặc thay đổi quy hoạch theo địa giới hành chính cũng tác động đến không gian tổ chức lễ hội.
- Thay đổi về quy mô lễ hội: Có hai khuynh hướng thay đổi về quy mô lễ hội. Đối với những lễ hội truyền thống ít thay đổi trong phần hội, khó thu hút sự quan tâm của các nhà tài trợ hoặc sự quan tâm của người dân, không gian lễ hội hẹp, quy mô lễ hội có xu hướng nhỏ dần. Trái lại, đối với những lễ hội truyền thống có sự liên kết, phần hội phong phú, đa dạng, có sự tài trợ và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài địa phương, quy mô lễ hội sẽ lớn, vượt quá cả dự kiến của ban tổ chức lễ hội. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải và nhiều hệ luỵ từ chính quy mô có tính “đột phá” này.
- Thay đổi về thiết chế văn hoá gắn với lễ hội: Sự tác động của điều kiện địa lý, tự nhiên và xã hội cũng như nền tảng chính trị của mỗi giai đoạn lịch sử cùng với một số yếu tố ngoại cảnh khác sẽ có thể làm thay đối các thiết chế văn hoá liên quan đến lễ hội. Ví như trước kia, nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức tại các sân đình, một thiết chế văn hoá gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hình thành nhiều không gian sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phù hợp với mục đích tổ chức với quy mô lớn hơn. Do đó sẽ xuất hiện khuynh hướng “dịch chuyển” từ thiết chế truyền thống sang những thiết chế khác như sân thể thao, trung tâm văn hoá…Cá biệt, có những lễ hội truyền thống được thực hiện trong một không gian mở, xuất hiện chuỗi thiết chế mới gắn với từng nghi thức, từng thao tác trong thực hiện phần lễ của lễ hội. Việc thay đổi thiết chế văn hoá của lễ hội truyền thống đôi khi sẽ khiến những nét văn hoá mang tính bản sắc của nhiều lễ hội cũng sẽ bị thay đổi, gây khó khăn trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị vốn có.
- Thay đổi về mục đích của người tham gia lễ hội: Trước kia, việc tham gia lễ hội đối với người dân thường gắn với truyền thống đã được hình thành từ trong lịch sử và tiếp tục được trao truyền đến nhiều thế hệ. Do đó, người tham gia lễ hội vẫn thể hiện sự thành kính và quan tâm đến sự thiêng liêng trong phần lễ. Tuy nhiên hiện nay, người tham gia lễ hội, nhất là tầng lớp người trẻ coi trọng và quan tâm đến phần hội nhiều hơn. Ban Tổ chức ít chú ý đến những nghi thức cũng như sự trang trọng của phần lễ. Nhiều lễ hội truyền thống do đó nhuốm màu sắc thế tục, xô bồ, thậm chí chen chúc, giảnh giật gây không ít hậu quả tiêu cực.
- Thay đổi tính chất của lễ hội: Như đã nói ở trên, lễ hội truyền thống vốn gắn với sự trang nghiêm, thiêng liêng, do đó linh hồn của lễ hội chính là ở phần lễ. Đây cũng sẽ là yếu tố quyết định và chi phối toàn bộ chương trình của lễ hội. Ở một số lễ hội đang có xu hướng biến tướng sang tính thương mại hoá xuất hiện khiến phần hội át cả phần lễ, tính hiện đại át cả tính truyền thống. Nhiều lễ hội thậm chí chỉ thu hút ở phần thư giãn, giải trí đơn thuần, kéo theo sự tham gia của những người đến dự lễ hội không phải vì chính lễ hội mà là những thú vui đơn thuần.
Nguyên nhân của một số thay đổi nêu trên xuất phát từ những tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. Trong đó cũng phải kể đến cả những tác động từ hoạt động quản lý của nhà nước thông qua hệ thống chính sách, pháp luật. Điều đó cho thấy, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tích cực, đồng thời loại bỏ những yếu tố trong lễ hội không phù hợp với xu thế chung của nhân loại cũng như của từng quốc gia, Nhà nước với hoạt động quản lý của mình đóng vai trò quan trọng định hướng, quản lý các hoạt động trong lễ hội truyền thống đảm bảo văn minh, lành mạnh.
Để phát huy hiệu quả công công tác xây dựng môi trường văn hoá trong lễ hội truyền thống, ngày 3/8/2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL về xây dựng môi trường văn hoá trong lễ hội truyền thống. Đây được xem là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống trên cả nước.
Mục tiêu của Bộ tiêu chí nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, đảm bảo sự thống nhất để các địa phương áp dụng triển khai thực hiện, đồng thời là thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan toả trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.
Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống có 9 tiêu chí chung, với 44 tiêu chí cụ thể đã bao quát được các nội dung trọng tâm trong công tác quản lý và xây dựng môi trường văn hoá trong lễ hội truyền thống ở nước ta hiện nay. Nhóm tiêu chí chung là những quy định khung mang tính định hướng các nội dung cơ bản về xây dựng môi trường văn hoá trong lễ hội theo nhóm các nội dung về công tác quản lý nhà nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí; bố trí các khu dịch vụ đảm bảo mỹ quan di tích, lễ hội đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân, du khách khi tham gia hoạt động lễ hội; hoạt động kinh doanh dịch vụ tại di tích, lễ hội; quy định của Ban Tổ chức lễ hội về thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa; công tác tuyên truyền về di tích, lễ hội.., để các địa phương nghiên cứu, triển khai thực hiện. Bên cạnh tiêu chí chung, Bộ tiêu chí còn đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan, đơn vị, ban tổ chức lễ hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, người dân và du khách khi tham gia lễ hội. Việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn trong lễ hội.
Để Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hoá trong lễ hội được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả cho mùa lễ hội năm 2024, ngày 15 tháng 8 năm 2023, Cục Văn hoá cơ sở đã ban hành văn bản số 741/VHCS-QLHĐNSVH đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai Bộ tiêu chí đảm bảo phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương; thí điểm, nhân rộng mô hình tổ chức lễ hội đảm bảo thực hiện Bộ tiêu chí được triển khai hiệu quả; rà soát, đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí để có phương án, giải pháp chỉ đạo kịp thời đảm bảo Bộ tiêu chí được triển khai thực hiện hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội, người dân và du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Cục Văn hoá cơ sở, các địa phương đều ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nghiên cứu, áp dụng triển khai tổ chức các lễ hội trên địa bàn và hàng năm đều có báo cáo, đánh giá để có điều chỉnh kịp thời.
Với việc áp dụng Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hoá trong lễ hội truyền thống sẽ tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lễ hội và tạo ra môi trường lễ hội lành mạnh hơn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của của dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
Duy Chiến