Hướng dẫn nghiệp vụ

Quảng Nam: Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài Chòi gắn với với phát triển du lịch ở thành phố Hội An

11 Tháng Tám 2023

Bài chòi là loại hình nghệ thuật đặc sắc của Quảng Nam và các tỉnh miền Trung có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, người dân tại thành phố Hội An đã được tiếp cận và phát triển nghệ thuật Bài chòi từ rất sớm. Đến khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX, tại vùng giải phóng, một số hạt nhân văn nghệ của thành phố Hội An được tham gia học các lớp dân ca, trong đó có dân ca Bài chòi, sau khóa học về xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Sau năm 1975, hòa bình lập lại, Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời, thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ Nhân dân tại các địa phương trong tỉnh. Ngành văn hóa phát động phong trào sáng tác lời mới cho các làn điệu dân ca Bài chòi và phong trào này đã thực sự tạo nên thị hiếu sâu rộng trong công chúng về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Từ giữa thập niên 1990 đến nay, Bài chòi là thế mạnh của phong trào văn nghệ, sinh hoạt văn hóa của người dân Hội An, được các tầng lớp nhân dân yêu mến, được lớp trẻ kế thừa. Đặc biệt từ năm 1999 khi Đô thị cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, du lịch Hội An ngày càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố Hội An. Với giá trị đặc trưng của loại hình nghệ thuật này, năm 2017 nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ngành văn hóa Hội An đã đưa nghệ thuật Bài chòi thành một nội dung diễn xướng vào đêm 14 hằng tháng trong chương trình “Đêm phố cổ”. Bài chòi được ngành văn hóa Hội An đưa vào ô vé tham quan, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn với du khách xa gần, đặc biệt là khách ngoại quốc. Hô, hát Dân ca Bài chòi là bộ môn không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra thường xuyên ở thành phố, các xã phường, các trường học và doanh nghiệp.

Công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi ở Hội An:

Xác định được vai trò, giá trị của nghệ thuật Bài chòi là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần, vừa là sản phẩn du lịch độc đáo, là nét văn hóa nghệ thuật đặc trưng của phố cổ Hội An. Ngành văn hoá Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục – Đào tạo mở các lớp truyền dạy dân ca Bài chòi, các lớp nhạc cụ dân tộc cho cơ sở để đào tạo diễn viên, nhạc công cho phong trào. Từ sau năm 2000 đến nay, lực lượng hô, hát Bài chòi ở cơ sở phần lớn là học sinh các trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố. Từ năm 2004, Trung tâm Văn hóa đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố đưa dân ca, Bài chòi vào trường học; mỗi năm học sẽ tổ chức dạy hát dân ca theo dạng cuốn chiếu cho 2 trường THCS vào thứ hai hàng tuần giáo viên là các nghệ nhân, diễn viên của Trung tâm Văn hóa – Thể thao truyền dạy. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm tiếp tục mở lớp học hát dân ca, Bài chòi hàng đêm trong khuôn khổ hoạt động “Phố đêm” trong khu phố cổ cho 2 trường THCS nội thị là Trường Nguyễn Duy Hiệu và Trường Kim Đồng. Vào mỗi đêm, có khoảng 20-30 em học sinh của 2 lớp đến học hát, mỗi em sẽ tham gia lớp học 1 đêm/ tuần. Đến nay, hai hoạt động này đã thu hút gần 5 ngàn lượt học sinh được học hát để tiếp cận và dần yêu thích bộ môn Bài chòi, các em chính là sứ giả làm cho nghệ thuật Bài chòi thẩm thấu vào từng gia đình, trường học, xóm thôn, khối phố. Nhiều em trở thành các hạt nhân của phong trào hô, hát Bài chòi ở cơ sở, đã tham gia và đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn; có em đã trở thành diễn viên hô hát dân ca, Bài chòi chuyên nghiệp tại Trung tâm VH-TT như: Thu Sang, Thu Ly…

Phối hợp với các đoàn thể, các doanh nghiệp, các xã, phường tổ chức các hội thi, liên hoan dân ca, Bài chòi; tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng thu hút đông đảo lực lượng diễn viên chuyên và không chuyên của toàn thành phố tham gia; Trung tâm VH-TT đã đưa ra tiêu chí bắt buộc phải có ít nhất 1/3 chương trình là các tiết mục dân ca, Bài chòi (hát đơn, song, tốp, ca cảnh…). Nhờ cách làm này mà phong trào hô hát Bài chòi được phát huy mạnh mẽ. Hiện nay, toàn thành phố Hội An có khoảng 10 Đội/ Nhóm hô - hát Bài chòi, thường xuyên tham gia các chương trình lễ hội hàng năm, tạo nên tính khác biệt của lễ hội ở Hội An, ở Quảng Nam. Nghệ thuật Bài chòi còn được đưa đi tham dự các liên hoan, giao lưu cấp khu vực, quốc gia. Tại các cuộc liên hoan, hội thi của các cơ quan, ban ngành của thành phố cũng như các sự kiện văn hóa - du lịch do thành phố và tỉnh Quảng Nam tổ chức luôn có sự hiện diện của nghệ thuật Bài chòi, tạo môi trường cho loại hình nghệ thuật này gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển. Hiện nay, Bài chòi là bộ môn nghệ thuật không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn ở thành phố, các xã, phường, các trường học, doanh nghiệp. Và chính “Đêm phố cổ” đã làm cho trò chơi Bài chòi sống dậy ở nội thị. Bên cạnh đó, các lớp học hát dân ca, hô - hát Bài chòi được mở trong Khu phố cổ (hàng đêm) dạy cho các em thiếu nhi và du khách.

 Phát triển nghệ thuật Bài chòi thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc:

Tại Hội An, nghệ thuật Bài chòi trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, là điểm nhấn của “Đêm phố cổ”, kể từ khi nghệ thuật Bài chòi trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch thì Bài chòi được đầu tư viết kịch bản và dàn dựng bài bản hơn trước. Từ các Hội Bài chòi dân gian, Trung tâm Văn hóa đã dàn dựng thành những tiết mục nghệ thuật hoàn chỉnh đúng phong cách “diễn xướng dân gian Bài chòi”. Nhờ vậy, nghệ thuật Bài chòi của Hội An được mời tham gia các chương trình liên hoan nghệ thuật dân ca, Bài chòi cấp khu vực và toàn quốc… Nghệ thuật Bài chòi trở thành sản phẩm “văn hóa ngoại giao”; phục vụ các hội nghị cấp cao quốc gia cũng như quốc tế, từ châu Âu (CHLB Đức, Hunggary), sang châu Á (Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản) và châu Úc… Năm 2007, Trung tâm Văn hóa đã tổ chức chương trình nghệ thuật cho Đội nghệ thuật dân gian Hội An đưa nghệ thuật Bài chòi tham dự Lễ hội Thả đèn Loi krathong tại tỉnh Roiet (Thái Lan); các năm 2012, 2014, 2017, 2018 tham gia Ngày Hội Nhân dân thành phố Osan (Hàn Quốc). Năm 2012, Đội nghệ thuật dân gian Hội An được mời tham gia 14 ngày Lễ hội hành tinh do “Hiệp hội Mặt trời” Ý tổ chức. Năm 2013, tham gia biểu diễn tại Lễ ký kết biên bản thỏa thuận kết nghĩa giữa TP. Szentendre và TP.Hội An tại Hunggary. Năm 2014, tham dự sự kiện giao lưu văn hóa giữa TP. Hội An và TP. Sakai, Nhật Bản. Năm 2019, tham gia Lễ hội mặt nạ tại TP An - Đông, Hàn Quốc...

Để phục  khách du lịch, nghệ thuật và trò chơi Bài chòi được thường xuyên biểu diễn 2 suất/ ngày (lúc 10h, 15h) tại Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền và phục vụ hàng đêm dưới hình thức “nghệ thuật đường phố” tại “Phố đêm” trong Khu phố cổ, hoạt động này thu hút đông đảo khách du lịch tham gia, họ vô cùng thích thú với loại hình nghệ thuật dân gian này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch cũng tổ chức các hội Bài chòi dân gian để phục vụ du khách tham quan. Bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân phố Hội và cả du khách tham quan.

Điểm sáng trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi gắn với phát triển du lịch ở Hội An:

- Về lực lượng sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm:

Lực lượng sáng tác, nghệ nhân sưu tầm Bài chòi luôn được thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam nỗ lực gìn giữ, phát huy bởi đây là lực lượng nòng cốt “sống” với bộ môn nghệ thuật Bài chòi, đưa bộ môn nghệ thuật này trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Từ sau ngày giải phóng đến nay, một số người tâm huyết với nghệ thuật Bài chòi đã gắn bó nhiều năm với phong trào hô hát Bài chòi ở Hội An; lực lượng này đã đầu tư viết nhiều tiểu phẩm, kịch ngắn, ca cảnh, hoạt cảnh, tổ khúc, dân ca Bài chòi, lời hô - hát mới làm cho nghệ thuật Bài chòi sống lâu bền trong lòng công chúng nổi bật như: Phạm Phú Sương, Ngọc Kỳ, Xuân Giá (đã mất), Phùng Tấn Đông, Trần Văn Nhân, Phùng Sơn... Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm tâm huyết đã có công rất lớn trong việc cung cấp kiến thức, những bài bản rất đáng được ghi nhận như: Trương Đình Quang, Phạm Phú Sương (đã mất), Phùng Tấn Đông, Trần Văn Nhân, Phùng Sơn, Lương Đáng… Công tác nghiên cứu - sáng tạo các phương thức hoạt động phù hợp, hiệu quả thúc đẩy ngành kinh tế du lịch của thành phố Hội An phát triển, có sự đóng góp rất lớn của các nhà nghiên cứu như: Võ Phùng, Trần Đình Châu, Phùng Tấn Đông, Lương Đáng.

- Về lượng diễn viên, nghệ nhân hô hát Bài chòi:

Trong gần 40 năm qua, ở các xã, phường trên địa bàn thành phố đã phát triển hùng hậu với hàng trăm nghệ nhân, diễn viên không chuyên thường xuyên tham gia biểu diễn như: NNƯT Lương Đáng, diễn viên Ngọc Khôi, Thanh Nhàn, Văn Dũng, Nguyễn Thị Hoa (Cẩm Hà, Thanh Hà); NNƯT Phùng Ngọc Huệ, diễn viên Thu Hương, Lệ Nga (Cẩm Châu); Kim Anh, Từ Hạnh, Mỹ Linh, Vũ Thanh (Sơn Phong), Lê Yên, Đinh Nhiều, Tố Nga (Cẩm Thanh),Văn Kháng, (Cẩm An); Thủy Trúc (Cẩm Phô); Dương Quý, Phương Thủy (Quế Sơn); Phương Huyên (Điện Bàn)... Lớp diễn viên kế cận như: Minh Nhanh, Kim Anh, Thu Sang, Thu Ly, Minh Hương, Quốc Huy…, và lớp trẻ đầy hứa hẹn: Thảo Phi, Vĩnh Phúc, Gia Hân, Gia Phong, Huỳnh Giao, cùng với lực lượng diễn viên, anh/chị Hiệu Bài chòi khá đông đảo ở các thôn, khối phố, các trường học mà số đông bây giờ vẫn thường xuyên gắn bó với phong trào. Các nghệ nhân, diễn viên hô hát Bài chòi đã đem hết khả năng, sở trường của mình với tần suất hoạt động rất cao để phục vụ công chúng địa phương, du khách trong và ngoài nước. Có thể nói, lực lượng diễn viên, nghệ nhân hô hát Bài chòi tại thành phố Hội An đã “sống” được với bộ môn nghệ thuật Bài chòi, đưa bộ môn nghệ thuật này trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo.

- Công tác tuyển dụng, chế độ đãi ngộ:

Thời gian qua, thành phố Hội An đã ưu tiên tuyển dụng, đào tạo các diễn viên giỏi, đa tài, thu hút lực lượng cộng tác viên như: Lương Đáng (nghệ nhân, vừa sưu tầm - vừa ứng tác), NNƯT Ngọc Huệ (hô, hát, thực hành truyền dạy), Lệ Nga, Thu Hương, Thu Sang (hô, hát Bài chòi, thực hành truyền dạt); Dương Quý (hô, hát, đàn, sáng tác, dàn dựng, thực hành truyền dạy); Thu Ly (hô, hát, quản trò - dẫn chương trình Việt - Anh…), Văn Tiến, Tấn Sanh (sử dụng nhiều loại nhạc cụ)… Đồng thời, Trung tâm cũng đã tiếp nhận anh chị em nhạc công đàn dân tộc, diễn viên giỏi ngoài thành phố có nhu cầu công tác gắn bó lâu dài; đầu tư từ xa như tìm kiếm trong phong trào các hạt nhân tiêu biểu để đưa đi đào tạo về lại Trung VH-TT phục vụ lâu dài. UBND thành phố Hội An luôn chú trọng chế độ đãi ngộ, đảm bảo có hoạt động trình diễn thường xuyên nhằm nâng cao tay nghề và ổn định thu nhập; đảm bảo ổn định lao động thời kỳ hậu diễn viên như công tác đào tạo quản lý, đào tạo thanh nhạc, truyền dạy, tham gia các show nghệ thuật đường phố, học ngoại ngữ… để các anh chị em nghệ nhân, diễn viên có niềm tin, yên tâm, hết lòng cống hiến phát triển nghề nghiệp.

Nhiều diễn viên tại thành phố Hội An gắn bó bền lâu với sự kiện “Đêm phố cổ”  như: NNƯT Lương Đáng, diễn viên Ngọc Khôi (Cẩm Hà), Văn Dũng (Thanh Hà), Vũ Thanh (Sơn Phong), Văn Khán (Cẩm An), Trần Đình Châu, Lê Yên, Đinh Nhiều và các chị Thanh Nhàn, Kim Anh, Từ Hạnh, Mỹ Linh, Tố Nga (Cẩm Thanh), Nguyễn Thị Hoa (Cẩm Hà)… Nổi bật và thường xuyên trong vai trò trụ cột của hoạt động nghệ thuật Bài chòi phải kể đến là các anh, chị như NNƯT Phùng Ngọc Huệ, diễn viên Thu Hương, Thủy Trúc, Lệ Nga, Dương Quý, Minh Nhanh, Kim Anh, Thu Sang, Thu Ly, Văn Nhanh… họ là viên chức  cong tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An.

- Công tác quảng bá, giới thiệu nghệ thuật Bài chòi:

Để nghệ thuật Bài chòi tồn tại và phát triển, thu hút được công chúng, thành phố Hội An chú trọng công tác tôn vinh, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến khách du lịch trong và ngoài nước. Thành phố Hội An đã phát hành 01 CD và 01 DVD  dân ca, Bài chòi “Khúc tự tình Hội An” với gần 30 ngàn bản; đã có hàng trăm bản tin, bài báo, phóng sự, tài liệu báo chí - truyền hình giới thiệu dân ca và trò chơi Bài chòi của Hội An quảng bá, tôn vinh rất sâu rộng và hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, các chương trình giao lưu văn hoá trong nước và quốc tế… đã đưa thuật Bài chòi đến bạn bè quốc tế. Đến nay, tỉnh đã tổ chức 12 lần giao lưu biểu diễn Bài chòi tại 7 quốc gia châu Á, châu Âu. Đặc biệt, sau khi nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017. Nghệ thuật Bài chòi được ngành Văn hóa - du lịch Quảng Nam và thành phố Hội An quan tâm nhiều hơn, như xây dựng các kế hoạch, đề án về bảo tồn và phát huy giá trị của Nghệ thuật Bài chòi, cử diễn viên tham gia biểu diễn - giao lưu, quảng bá Bài chòi với nhiều địa phương trong khu vực và toàn quốc, đem nghệ thuật Bài chòi ra thế giới; cử nghệ nhân của Trung tâm Văn hóa tham gia các lớp truyền dạy thực hành Di sản nghệ thuật Bài chòi cho lực lượng nghệ nhân, nhạc công ở các CLB/ Đội Bài chòi các xã, phường, thị trấn, lực lượng giáo viên thanh nhạc, học sinh đang học tập, công tác tại các trường THCS, Tiểu học, Mẫu giáo tại 12 huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng…

Có thể khẳng định, nghệ thuật Bài chòi ở thành phố Hội An là sản phẩm du lịch - văn hóa độc đáo góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá truyền thống. Với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền thành phố Hội An, nghệ thuật Bài chòi sẽ tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong hoạt động kinh tế mũi nhọn của thành phố và tỉnh Quảng Nam./.

Duy Chiến

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch