Hướng dẫn nghiệp vụ

Phát huy hiệu quả mô hình “Ánh sáng an ninh trong cộng đồng dân cư” góp phần xây dựng môi trường văn hoá cơ sở tại Bình Thuận

17 Tháng Tám 2023

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Trung bộ Việt Nam, với đường bờ biển dài 192km từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná (Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Phía Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 7.828 km2, có 35 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự đa dạng về văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các giá trị văn hóa của các dân tộc đã cư trú lâu dài trên địa bàn tỉnh cùng với công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống được quan tâm và có kết quả tốt là một trong những nguồn lực lớn có thể phát huy và phát triển những hoạt động kinh tế - xã hội mang lại sự phát triển chung của toàn tỉnh. Kể từ sau khi tái lập tỉnh đến nay (tháng 4/1992), Bình Thuận đã vượt khó, vươn lên và từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ; tiềm lực kinh tế và kết cấu hạ tầng kinh tế bước đầu được củng cố, tạo tiền đề cho Bình Thuận phát triển mạnh trong những năm tới. Những bước phát triển vừa qua với các nhân tố mới như du lịch, khai thác dầu khí ngoài khơi, thủy sản, năng lượng… đã và đang từng bước đưa Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới của khu vực duyên hải Trung bộ.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh ở cơ sở. Trong nhiều năm qua, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát động xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, từ các phong trào thi đua ở địa phương, cơ sở đã tạo nên làn sóng lan truyền cảm hứng mạnh mẽ đến từng cá nhân, gia đình, thôn, xóm.

Với định hướng hội nhập kinh tế toàn cầu, nền kinh tế phát triển cũng đồng thời mặt trái tiêu cực xã hội theo đó mà phát sinh làm cho tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở diễn biến phức tạp hơn; nạn trộm cắp, tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm tại địa bàn thôn, xóm. Trước tình hình bất ổn trên, lực lượng Công an cùng với mạnh thường quân phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể địa phương đã tổ chức triển khai phát động xây dựng phong trào đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông với mô hình “Ánh sáng an ninh”, “Thắp sáng đường quê” trong cộng đồng dân cư, đây là mô hình vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, xóm nên được người dân đồng tình ủng hộ; mô hình đã mang lại ý nghĩa, hiệu quả tích cực, phục vụ ánh sáng điện ban đêm trên các tuyến đường, tạo sự thuận tiện, giúp người dân yên tâm hơn khi ra đường vào buổi tối, hạn chế tai nạn giao thông, giảm nạn trộm cắp, bớt tụ tập gây mấy an ninh trật tự… mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân. Từ đó, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả thiết thực hơn trong thời gian tới.

Mô hình “Ánh sáng an ninh” đã được triển khai từ nhiều năm qua ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, điển hình là huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh. Mô hình đã phát huy hiệu quả rất tốt, đóng góp tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Từ khi mô hình được phát động xây dựng, tình hình tệ nạn xã hội như trộm, cáp, tụ tập đông người làm mất an ninh trật tự, tai nạn giao thông giảm đáng kể so với trước đây. Công tác phối hợp giữa Công an, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể được chú trọng; cùng với mô hình ánh sáng an ninh các mô hình khác được phát động như: mô hình khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông, mô hình camera an ninh…., nổi bật như năm 2022, các cấp đoàn trong ngành Công an tỉnh đã lắp đặt mới 5 điểm gồm 57 bóng đèn với tổng kinh phí 89,2 triệu đồng; sửa chữa 2 điểm gồm 15 bóng đèn với kinh phí 11,5 triệu đồng; trong 6 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện lắp 5 điểm gồm 50 bóng đèn với kinh phí 74 triệu đồng; Các cấp bộ Đoàn duy trì và xây dựng hơn 100 tuyến đường văn minh “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hơn 650 nghìn km công trình “Thắp sáng đường quê”; 120 nghìn km đường giao thông nông thôn với tổng giá trị hơn 24,5 tỷ đồng; phát quang hơn 600 nghìn km đường giao thông nông thôn; dặm vá sửa chữa 532 nghìn km đường, làm mới 400 nghìn km đường, trị giá 642 tỷ đồng; xây mới 86 cây cầu giao thông nông thôn, trị giá 168 tỷ đồng. Xây dựng mô hình "Ánh sáng an ninh" là chủ trương hợp lòng dân, góp phần làm sáng thêm bộ mặt nông thôn, bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông.

 Để các mô hình tiếp tục duy trì phát huy hiệu quả ở cơ sở, trong thời gian tới các địa phương tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh tổ quốc, đặc biệt là công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường đến mọi tầng lớp Nhân dân; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và các hộ dân trên các tuyến đường tham gia vào quá trình vận hành, bảo quản để duy trì tuyến đường lâu dài, đồng thời nhân rộng việc xây dựng mô hình đều khắp tại các địa bàn cơ sở.

Triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, Nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến, tự giác chấp hành quy ước, quy định của địa phương; tiến hành xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, duy trì mô hình “Ánh sáng an ninh” kết hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng hoa các tuyến đường, mô hình thôn, khu phố đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn” tại địa bàn dân cư.

Tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, nhất là phát huy vai trò của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban công tác mặt trận ở khu dân cư trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân đồng tình hưởng ứng xây dựng phong trào, sao cho 100% các tuyến đường được lắp đèn chiếu sáng, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mọi chủ trương, biện pháp, kế hoạch vận động toàn dân tham gia phong trào phải hợp lòng dân, vừa sức dân, vì lợi ích và yêu cầu của đời sống Nhân dân; hoạt động của phong trào phải được lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua và kế hoạch, chương trình công tác, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tiếp tục triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động xã hội khác; xây dựng đô thị văn minh; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng; không có các tệ nạn xã hôi; đặc biệt phải bảo vệ tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tích cực phòng chống tội phạm.

Duy trì công tác tuyên truyền vận động đến từng người dân, cán bộ, công chức, viên chức, hộ gia đình, khu dân cư và toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới; khơi dậy tiềm năng, phát huy các nguồn lực và vận động toàn dân tích cực tham gia thực hiện, xây dựng các mô hình theo hướng tự phòng, tự quản tại cơ sở./.

Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch