Phong trào TDĐKXDĐSVH

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Mặt trận tổ quốc Việt Nam với các cơ quan Nhà nước

05 Tháng Mười Một 2021

Ngày 05/11, tại Hà Nội, UBTWMTTQVN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Mặt trận tổ quốc Việt Nam với các cơ quan Nhà nước”. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, Ths. Phùng Khánh Tài Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, TS. Tạ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam chủ trì hội thảo. Cùng dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương.

Hội thảo đã thảo luận, phân tích và đóng góp nhiều ý kiến đánh giá thực trạng công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động phối hợp này.

Theo PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên UBTWMTTQVN, công cuộc đổi mới ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, yêu cầu về dân chủ của các tầng lớp nhân dân ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều yêu cầu đổi mới, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước. PGS.TS Trần Hậu cho rằng, sự phối hợp này cần bám sát yêu cầu đổi mới của cả hệ thống chính trị đặt ra cho mỗi thời kỳ khác nhau, cập nhật những yêu cầu đó một cách nhịp nhàng, bảo đảm tính đồng bộ, không tụt hậu, không thoát ly thực tế đổi mới của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, mọi nội dung và hình thức phối hợp đều nhằm mục đích tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân, được nhân dân đồng tình và ủng hộ, không vì mục đích nào khác. Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN cho rằng, sự đổi mới ở đây không phải là việc thay hoàn toàn cái cũ bằng cái mới một cách máy móc, cơ học mà phải có tính kế thừa, chọn lọc những “hạt nhân hợp lý” của cái cũ để làm nên cái mới đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn. “Hạt nhân hợp lý” theo PGS.TS Lê Bá Trình chính là những thành tựu của hoạt động phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan Nhà nước trong thời gian qua, với mục đích phục vụ lợi ích nhân dân, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội, chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng tốt hơn.

Để công tác phối hợp này được đổi mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay, PGS.TS Lê Bá Trình đề xuất, cần chú trọng đổi mới về phương thức, hình thức và phạm vi phối hợp, xác định việc phân cấp, phân quyền phối hợp giữa Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp với các cơ quan Nhà nước một cách rõ ràng, hợp lý, khắc phục tình trạng chồng chéo lẫn nhau. Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy định cụ thể chủ thể chủ trì phối hợp, phân rõ vai trò trong thực hiện phối hợp; kết hợp giải quyết việc pháp luật chưa có quy định cụ thể về phân cấp trong cơ chế phối hợp giữa UBTWMTTQVN và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương.

Ở góc độ khác, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTWMTTQVN cho rằng, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Vì vậy, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả phối hợp giữa Trung ương MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước trong thực hiện phản biện xã hội là việc làm cần thiết. 

Trên thực tế, do nhận thức của hai bên phối hợp chưa thật đầy đủ, dẫn đến việc thực hiện các quy định của Luật MTTQ Việt Nam về quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được đưa ra phản biện chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật. Ngược lại, về phía Mặt trận cũng chưa thật “mạnh mẽ”, nhắc nhở “quyết liệt” nên vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn phối hợp.

Để khắc phục thực trạng này, GS.TS Trần Ngọc Đường kiến nghị, MTTQ Việt Nam là tổ chức có quyền và trách nhiệm thực hiện chức năng phản biện xã hội, do đó phải tạo điều kiện để cơ quan Nhà nước chủ trì soạn thảo văn bảo được đưa ra phản biện thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Đồng thời, cần chủ động phối hợp với cơ quan Nhà nước chủ trì soạn thảo văn bản bằng việc xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện xã hội ngay từ đầu năm hoặc trong 6 tháng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác phối hợp trong phản biện xã hội.

Về vấn đề này, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bên cạnh hoạt động phản biện xã hội, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước. Cùng với xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác phối hợp, MTTQ Việt Nam cần chú trọng đến vấn đề con người, cụ thể cần lựa chọn ra những cá nhân ưu tú để giám sát, lựa chọn đúng người để phối hợp, hội tụ đầy đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tham gia giám sát với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, qua đó mang lại hiệu quả cao trong việc phối hợp giám sát giữa MTTQ Việt Nam và cơ quan Nhà nước, tránh lãng phí thời gian cũng như tiết kiệm nguồn lực cho Nhà nước. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nội dung chương trình phối hợp.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, các ý kiến đã khẳng định việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước là yêu cầu tất yếu khách quan để phù hợp với quá trình đổi mới hệ thống chính trị và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước trong thời gian tới, các ý kiến tham luận của đại biểu đều cho rằng, sự phối hợp hoạt động giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, bám sát yêu cầu đổi mới của cả hệ thống chính trị, trong quá trình phối hợp phải giữ vững tính độc lập của từng cơ quan, tổ chức, bảo đảm tính bình đẳng, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau theo quy định của pháp luật; coi trọng việc cung cấp thông tin, tăng cường đối thoại, luôn đổi mới nhưng bảo đảm sự kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình phối hợp. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam và các cơ quan nhà nước cần quan tâm lựa chọn các nội dung, vấn đề phối hợp sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên trong giai đoạn mới. Tiếp tục quan tâm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nội dung phối hợp để phát huy vai trò, quyền và trách nhiệm của mỗi bên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân của Nhà nước và của MTTQ Việt Nam. Cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước ở cấp Trung ương và giữa Trung ương với địa phương một cách rõ ràng, hợp lý, chú trọng phân vai giữa nhiệm vụ quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam để khắc phục tình trạng không rõ trách nhiệm hoặc còn chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời cụ thể hóa các nội dung phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước được quy định trong các văn bản của Đảng, pháp luật của nhà nước, trong Quy chế phối hợp, trong các Đề án đã ban hành thành các Chương trình, Kế hoạch phối hợp công tác hàng năm hoặc từng giai đoạn cụ thể để triển khai thực hiện. Phát huy hơn nữa vai trò chủ trì, sự chủ động của MTTQ Việt Nam đối với những hoạt động liên quan đến nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp./.

Thu Trang

 

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch