Phong trào TDĐKXDĐSVH

Hà Giang: Bảo tồn và phát huy lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn phục vụ, thu hút khách du lịch trên địa bàn huyện Quang Bình

11 Tháng Bảy 2023

Quang Bình là huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang, được thành lập từ tháng 12 năm 2003 trên cơ sở hợp nhất 12 xã của huyện Bắc Quang, 01 xã của huyện Hoàng Su Phì và 01 xã của huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang). Huyện có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc Pà Thẻn là một trong 12 dân tộc sống trên địa bàn huyện Quang Bình. Theo thống kê năm 2019, dân tộc Pà Thẻn có 5.168 người, nhưng sống tập trung đông nhất là tại xã Tân Bắc với 2.165 người.

Lễ hội nhảy lửa là sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Pà Thẻn được tổ chức vào ngày 16/10 âm lịch hàng năm, là lễ để tạ ơn đất trời và thần linh đã ban cho dân tộc Pà Thẻn những vụ mùa tươi tốt, cầu chúc cho mọi sự may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời xua tan những gì không tốt đẹp. Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn đã trở thành một nét văn hóa độc đáo và lôi cuốn hàng ngàn lượt khách đến với đồng bào.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn từ năm 2012 Lễ hội nhảy lửa đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đây là một dấu ấn quan trọng để dân tộc Pà Thẻn nói riêng, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Quang Bình nói chung ra sức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trước sự giao thoa mạnh mẽ của nền văn hóa phương tây và sự tác động của nền kinh tế thị trường, sự hội nhập kinh tế quốc tế nên đã có tác động không nhỏ đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Mặt khác, lớp trẻ chưa ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, thích chạy theo cái mới, chưa có sự tiếp thu chọn lọc văn hoá cho phù hợp với truyền thống dân tộc. Năm 2014 UBND huyện Quang Bình đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn huyện (giai đoạn 2014-2020) nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn trước nguy cơ đang bị mai một.

Tiếp tục giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ dân tộc Pà Thẻn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Huyện đã chỉ đạo duy trì thường xuyên “Lễ hội nhảy lửa” truyền thống vào ngày 16 tháng 10 âm lịch hằng năm; xây dựng thành không gian văn hóa Lễ hội nhảy lửa gắn với tín ngưỡng thờ cúng thần lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Hoàn thành việc đào tạo lớp nghệ nhân cúng nhảy lửa kế cận dân tộc Pà Thẻn tại các thôn trên địa bàn huyện để kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay; tỷ lệ người biết cúng đạt 7% trên tổng số dân; bảo đảm 100% người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy Lễ hội nhảy lửa được tôn vinh theo quy định. Đào tạo lớp nghệ nhân hát dân ca, hát giao duyên kế cận cho lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay và phổ biến các làn điệu dân ca, múa truyền thống cho đội văn nghệ thôn, bản. Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Pà Thẻn; khuyến khích các nghệ nhân cao tuổi sáng tạo các giá trị văn hóa mới, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Bảo tồn và phổ biến rộng rãi các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của dân tộc như: Kiến trúc nhà ở truyền thống; nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống, nghề đan lát. Phong tục tập quán tín ngưỡng tốt đẹp trong đám cưới, đám tang được bảo tồn và phát huy giá trị theo nếp sống mới.

Để công tác bảo tồn và phát huy Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn huyện Quang Bình đã lựa chọn thôn My Bắc, xã Tân Bắc để tập trung làm điểm trong việc bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống Lễ hội nhảy lửa. Huyện cũng đang chỉ đạo xây dựng biển quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể  "Lễ hội nhảy lửa" dân tộc Pà Thẻn trên trục đường quốc lộ 2 và quốc lộ 279. Thu thập tài liệu, biên soạn, xuất bản và phát hành cuốn sách "Sắc màu văn hoá dân tộc Pà Thẻn". Sưu tầm, tổ chức dàn dựng các tiết mục hát dân ca, giao duyên, múa truyền thống, nhạc cụ dân tộc, lễ hội; toàn bộ lễ cưới, hỏi; phong tục tập quán tốt đẹp và các hoạt động canh tác sản xuất; kiến trúc nhà ở truyền thống; trang phục truyền thống để ghi hình thu âm và phát hành đĩa VCD "Nét đặc sắc trong di sản văn hoá vật thể và phi vật thể dân tộc Pà Thẻn". Duy trì mở rộng hoạt động nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của dân tộc Pà Thẻn và tổ chức truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Quy hoạch, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Thực hiện tốt công tác tôn vinh, biểu dương những người có công trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn, đặc biệt là các nghệ nhân cúng nhảy lửa và nghệ nhân nhảy lửa, nghệ nhân hát dân ca dân tộc Pà Thẻn (05 năm/lần).

Có thể nói, lễ hội nhảy lửa đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của bản làng người Pà Thẻn,  không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác đòn hỏi các thế hệ phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Lễ hội./.

Mai Yến

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch