Phong trào TDĐKXDĐSVH

Nét độc đáo trong lễ cưới truyền thống của người Pà Thẻn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

15 Tháng Hai 2023

Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 45%; dân tộc Kinh chiếm 0,9%, dân tộc Dao chiếm 22%; dân tộc Pà Thẻn chiếm 0,8%; còn lại là các dân tộc khác, mỗi dân tộc đều có những sắc thái văn hóa độc đáo và riêng biệt. Theo thống kê năm 2021, dân tộc Pả Thẻn trên địa bàn huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có 5.628 người, chiếm 8,3% dân số toàn huyện; sinh sống tại 14 thôn thuộc 6 xã, thị trấn (Thôn My Bắc, Nặm O, Nặm Sú, Nặm Khẳm, Nà Tho, xã Tân Bắc; thôn Mác Thượng, Tả Ngảo xã Tân Trịnh; thôn Khâu Làng xã Tân Nam; thôn Pà Vầy Sủ, Thượng Bình, Đồng Tiến xã Yên Thành;  ở các; thôn Lùng Lý xã Xuân Min; thôn Thượng Sơn, Hạ Sơn thị trấn Yên Bình).

Người Pà Thẻn có một nền văn hóa giàu bản sắc, thể hiện qua trang phục truyền thống được trang trí bằng các mô tuýp hoa văn với hệ thống màu sắc phối khá đặc biệt. Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian, các nghi lễ vòng đời, lễ hội của người Pà Thẻn,..tạo nên sắc màu đa dạng trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Trong đó, lễ cưới truyền thống là thành tố văn hoá mang nét văn hoá đặc trưng riêng của dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Theo phong tục truyền thống, lễ cưới của dân tôc Pà Thẻn trải qua rất nhiều nghi thức khác nhau. Đầu tiên là lễ dạm hỏi, nghi lễ này phả trải qua ba lần. Lễ đầu tiên nhà trai sang nhà gái thưa chuyện về đôi trẻ, họ nhờ 02 người đàn ông trung tuổi đi hỏi, 2 người này phải có tiêu chuẩn đủ vợ, chồng và gia đình đề huề hạnh phúc, am hiểu phong tục, tập quán và các lễ nghi trong Lễ cưới... Lễ vật mang sang nhà gái là 01 chai rượu trắng. Lễ dạm hỏi lần hai cách lễ dạm hỏi lần một khoảng hai hoặc ba tháng, lễ vật cũng là chai rượu trắng. Nếu nhà gái nhất trí thì sẽ lấy đôi đồng tiền buộc sợi chỉ đỏ để đưa cho đại diện nhà trai sang hỏi ý kiến ông cậu của cô dâu. Nếu ông cậu đồng ý sẽ gửi cho đại diện nhà trai 01 đôi đồng tiền bạc khác. Lễ dạm hỏi lần ba, gia đình nhà trai cử 02 người đại diện sang nhà gái để xin hỏi cưới, đặt lễ là đôi vòng bạc trắng được quấn chỉ đỏ, cùng 02 đồng bạc, kèm với đó 01 đôi đồng tiền bạc trắng của ông cậu đưa cho nhà gái (khi ông cậu đồng ý Lễ cưới). Ngày nay nghi thức này không còn diễn ra ở các gia đình, mà đa số các gia đình chỉ thực hiện một lần lễ ăn hỏi và đặt lễ xin cưới luôn.

Lễ cưới chính được gia đình tổ chức vào dịp cuối năm hoặc đầu xuân. Sau khi lựa chọn được ngày, gia đình nhà trai sẽ chuẩn bị lễ vật mang sang nhà gái gồm 36 đồng bạc trắng, ngày nay lễ vật tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình sẽ có: Rượu; 01 lồng gà (gồm có 02 hoặc 04 đôi gà trống thiến), xung quanh lồng gà được trang trí bằng vải đỏ, chỉ đỏ, chỉ xanh, chỉ vàng, tiền xu và hạt cườm trang trí cho lồng gà thêm đẹp, 01 đùi lợn và một số vật dụng khác.

Đoàn đi đón dâu của nhà trai sẽ là ông quan làng, phó quan làng; trưởng đoàn đón dâu; chú rể, phù rể và 04 cô gái. Khi đến nhà gái ông quan làng làm thủ tục vào nhà trước: Khi quan làng đến nhà gái, nhà gái đã cửa đóng then cài, ông quan làng bước tới gần cửa, ông quan làng nói: “Quan làng tôi đến ngoài cửa nhà gái tôi thấy có 2 cánh cửa, tôi cũng đến để tìm hạnh phúc cho hai đứa” khi bên nhà gái  nghe có tiếng quan làng đến  thì bên nhà gái ra mở cửa đón, sau đó quan làng và phó quan làng vào nhà, bên nhà gái đón nhận lồng gà và lễ vật để vào dưới bàn thờ. Rồi nhà gái mới quan làng lên giường quan ngồi (bên cạnh bàn thờ). Sau đó đại diện bên nhà gái rót nước vào bát mời quan làng, quan làng đón nhận bát nước và làm lễ nói: “Hàng trăm ngả đường quan làng không đi, quan làng đi thẳng đường hướng vào nhà gái, hàng trăm làng hoa quan làng không đi, quan làng đi thắng hướng vào nhà gái, hàng trăm nhà hoa quan quan làng không đi, quan làng hướng thắng vào nhà gái để tìm hạnh phúc cho đôi lứa, hàng trăm bát nước chè thơm quan làng không nhận, quan làng tôi xin nhận bát nước chè thơm của nhà gái, quan làng tôi đến để tìm hạnh phúc cho đôi lứa, chúc hai đứa hạnh phúc trăm năm như suối nước chảy, như đường chảy dài, là dâu hiếu thảo, xin chúc cho hai họ là một...”. Khi Quan làng nói xong phó quan làng lấy chai rượu ra rót mời rượu nhà gái và nhà gái cũng mang rượu ra rót mời lại quan làng và phó quan làng, sau đó quan làng làm lễ trao vật cho nhà gái.

Sau khi nhận đủ lễ vật thì nhà gái cho phép đi đón trưởng đoàn đón dâu và con rể, khi đoàn đón dâu đến ngoài sân thì bên nhà gái sắp mâm lễ lạy các vị thần, thổ địa cầu mong các thần phù hộ cho Lễ cưới mọi điều tốt lành; sau khi làm lễ xong, thì thành phần nhà gái được vào trước còn trưởng đoàn và con rể xếp hàng trước cửa nhà gái làm lễ lạy bốn phương, bốn hướng, lạy nhận bố vợ, mẹ vợ, lạy anh em, cậu, mợ và nhận làm con rể của gia đình nhà gái. Sau đó nhà gái đón đoàn nhà trai vào vị trí ngồi và chuẩn bị cho bữa cơm. Đến bữa tối, quan làng làm lễ cúng tổ tiên tại nhà nhà gái. Sáng hôm sau, Quan làng xin phép về bên nhà trai và bên nhà gái mang khay đĩa ra rót rượu mời quan làng để đưa quan làng về, quan làng đón nhận chén rượu cảm ơn và mời nhà gái cùng đưa dâu về bên nhà trai. Sau đó, ông Trưởng đoàn nhà trai xin phép bên nhà gái cho cô dâu trang điểm và xin được đón dâu về bên nhà trai.

Đến ngày hôm sau, quan làng và đại diện bên nhà gái xin phép từ trẻ em đến các cụ cao tuổi để căn dặn cho cô dâu và chú rể theo 7 điều quy định trong hôn nhân của người Pà Thẻn.

Điều thứ nhất: Người xưa đã dạy rằng: Dù ông quan, ông thầy dù to đến mấy cũng phải bị chửi, bị nói, bị phê bình thì mới được làm quan, làm thầy, hai đứa hôm nay phải im lặng vểnh tai mà nghe đại diện hai bên nhà trai, nhà gái dặn dò cho hai đứa, hai đứa phải lắng nghe cho rõ.

Điều thứ hai: Người xưa dạy rằng: Dù ông quan, ông thầy dù to đến mấy cũng phải bị chửi, bị nói, bị phê bình thì mới được làm quan, làm thầy, hai đứa hôm nay phải im lặng vểnh tai mà nghe đại diện hai bên nhà trai, gái dặn dò cho hai đứa, hai đứa phải lắng nghe cho rõ:

 Bố mẹ sinh ra cho 2 đứa như đất với trời nên 2 đứa được thành vợ thành chồng, Bà mẫu sinh ra cho 2 đứa cùng chung số phận nên 2 đứa mới được cùng chung số phận; bà Âu Cơ sinh ra cho 2 đứa cùng một đôi thì 2 đứa mới được thành đôi, phố chợ có 36 ngõ trưng bày 36 gói muối, muối hạt to có, muối hạt nhỏ có, do số phận mình không chọn, chọn gói này dù muối hạt to cũng của mình, hạt nhỏ cũng của mình. Thiên hạ có nhiều trai đẹp, gái sắc không chọn, hai đứa tự tìm hiểu đến với nhau dù xinh hay xấu cũng là của mình, hai đứa tuyệt đối không được bỏ nhau. Nếu chồng bỏ vợ thì phải chịu phạt gấp 88 lần chi phí thiệt hại trong Lễ cưới; nếu vợ bỏ chồng phải chịu bồi thường cho bên chồng 99 lần thiệt hại trong Lễ cưới.

Điều thứ ba: (Lời căn dặn của bên nhà gái): Con rể cũng vậy, con dâu cũng vậy hai đứa không phải do bố mẹ nhà trai hay nhà gái bắt ép, không phải anh em họ hàng bắt ép; hai đứa tự tìm hiểu đến với nhau, tự nguyện lấy nhau; thiên hạ trai đẹp, gái sắc đầy, do duyên do số không hợp nên không lấy được nhau; hai đứa tự nguyện đến với nhau cũng là do duyên do số dù xấu hay xinh cũng là của mình, không được 2,3 ngày sau thích thì lấy không thì lấy lại bỏ nhau việc này tuyệt đối không được làm. Nếu bên nào xảy ra phải chịu phạt theo quy định.

Điều thứ tư: (trưởng đoàn đón dâu căn dặn rằng): Biết giữ lấy danh dự, thuận vợ, thuận chồng cuộc sống hạnh phúc cũng là niềm vinh dự của vợ chồng (ví như là muối mặn cùng hưởng, rau ngon cùng ăn, canh ngọt cùng hưởng)

Đi qua ruộng mạ người ta tốt, không được nhổ mạ người ta, qua vườn rau người ta tốt không được lấy rau người ta; qua vườn hoa người ta thấy hoa người ta đẹp không được bẻ hoa người ta; qua làng người ta thấy trai gái người ta xinh đẹp không được theo trai gái người ta, chồng cũng vậy, vợ cũng vậy không phải thấy trai gái người xinh đẹp là đi theo đuổi người ta việc này tuyệt đối không được làm. Nếu xảy ra bố mẹ anh em nhà trai, nhà gái 2 bên ra mặt 2 đứa chọn lấy lợn gà to nhất thịt đừng trách bố mẹ hai bên.

Điều thứ năm (Đại diện bên gái căn dặn rằng): Cái chén với chén chạm nhau không được chạm nhau với cái bát; cái bát với cái bát chạm nhau không được chạm đến cái nồi; cái nồi với cái nồi không được chạm đến cái chảo. Có nghĩa là con cái đánh chửi nhau không được liên quan đến cha mẹ, cha mẹ cãi chửi nhau không được liên quan đến ông bà; ông bà với ông bà cãi nhau không liên quan đến anh em họ hàng. Dù rằng chồng cũng vậy, vợ cũng vậy, ở đâu nghe được câu chuyện gì cũng phải nghe cho rõ, không phải ở đâu nghe được câu chuyện là báo cáo lên ông bà, quan làng, báo cáo lên bố mẹ, báo cáo anh em họ hàng, việc này tuyệt đối không nên làm, nếu xảy ra việc này anh em họ hàng bên nhà trai, nhà gái, quan làng và hàng xóm tứ phía tập trung đến nhà, thì gia đình vợ chồng mổ trâu không đủ ăn, giỡ nhà không đủ củi đốt.

Điều thứ sáu (Đại diện ông cậu “tức anh trai của mẹ vợ” căn rặn cho 2 đứa rằng): Quả bầu không phải giống của anh, đậu đỗ không phải giống của anh, hạt gạo không phải giống của anh, không phải cháu ngoại của anh; anh khác tự tìm đến cháu tôi; ở nhà bố mẹ đẻ là vàng là bạc của gia đình về đến nhà chồng không được coi như trâu, như ngựa, ở nhà bố mẹ đẻ là con ngoan về đến nhà chồng không phải muốn đánh thì đánh, muốn chửi thì chửi; dưới mâm có thịt, đầu mâm có rượu giữa mâm một gói tiền bạc trắng, biết giữ thì được không biết giữ là hết.

Điều thứ bảy: (Lời kết đại diện bên gái căn dặn cho cô dâu và chú rể): Cha mẹ nuôi con lớn lên và trưởng thành chỉ một lần gả con đi, không có 2 lần gả con, cha mẹ chỉ 1 lần tổ chức cho 2 con, không có 2 lần tổ chức cho 2 con. Con đã cưỡi lên lưng hổ thì con muốn xuống cũng không xuống được, ví như diều hâu bắt được gà muốn thả cũng không được thả. Vợ chồng lấy nhau mãi mãi chỉ 1 vợ 1 chồng đến đầu bạc, răng long. Và kết luận một câu rằng: lạt buộc 3 vòng có 1 vòng không chắc, lời nói 3 lần có 1 lần không có giá trị, ai biết nghe thì được, không biết là hết.

Có thể thấy, Lễ cưới của người Pà Thẻn có từ rất lâu đời, trải qua nhiều nghi lễ khác nhau, mỗi nghi lễ là một nét văn hóa độc đáo. Những nét đẹp truyền thống vẫn được gìn giữ trong cộng đồng dân tộc Pà Thẻn tại Quang Bình, Hà Giang. Tuy nhiên, một số nghi thức lạc hậu, tốn kém lãng phí đã dần được thay thế và bãi bỏ, điều đó góp phần tích cực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn./.

Yến Mai - Phòng Văn hóa và Thông tin Quang Bình

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch