Phong trào TDĐKXDĐSVH

Phát huy hiệu quả mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” trong xây dựng đời sống văn hoá tỉnh Thái Bình

05 Tháng Chín 2023

Xây dựng xã hội học tập được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân thông qua việc triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. Xã hội học tập là một xã hội trong đó mọi cá nhân phải học tập thường xuyên, liên tục, học suốt đời và biết tận dụng triệt để các cơ hội học tập do xã hội mang lại. Do đó, học tập phải trở thành nhu cầu tự thân, là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, của các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội.

Để phát huy hiệu quả mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát huy, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa theo hướng chú trọng các hoạt động học tập, nhiều nhà văn hóa của các xã, thôn đã trở thành trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu của mọi người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể tự học suốt đời; chủ động lồng ghép nội dung xây dựng “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” trong phát động thi đua xây dựng các danh hiệu văn hóa, đưa nội dung khuyến học, khuyến tài, thi đua lao động, học tập sáng tạo trở thành một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 92,6% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 94% thôn, tổ dân phố, khu phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Thông qua việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cán bộ và nhân dân thuận lợi hơn, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xây dựng các mô hình học tập, công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập; tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh nhằm giúp cho mỗi người dân có điều kiện phát triển kinh tế; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Từ mô hình “Gia đình học tập”, “dòng họ học tập” đã lan toả rộng khắp đến các thôn bản, gia đình, dòng họ trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư. Tại các xã, dòng họ trên địa bàn tỉnh đều thành lập Ban khuyến học dòng họ, có từ 4 đến 5 thành viên là những người trong họ tộc, có uy tín, trình độ hiểu biết xã hội, có con cháu thành đạt, gia đình hạnh phúc, nhiệt tình tâm, tâm huyết đứng ra vận động, khuyến kích con em phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, gia đình, dòng họ… Các Ban khuyên khọc của dòng họ đều đứng ra vận động, khuyên góp sự ủng hộ của các gia đình, cá nhân thành lập quỹ khuyến học của dòng họ để giúp đỡ con em gia đình nghèo khó, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt trong dòng họ được đến lớp, đến trường tránh việc thất học như: Dòng họ Tạ, làng Đa Phú, huyện Hưng Hà ngoài việc mỗi hộ gia đình hàng năm đóng góp từ 10.000đ đến 20.000đ cho quỹ khuyến học chung; ngoài nguồn tài trợ của các con cháu thành đạt, thành danh thì trưởng tộc còn quyết định trích 20% đến 30% quỹ từ hòm công đức của nhà thờ tổ bổ sung thêm cho quỹ khuyến học, khuyến tài của dòng họ mình. Một số dòng họ có nguồn quỹ khuyến học khá lớn như dòng họ Nhâm xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, quỹ khuyến học dòng họ có trên 150 triệu đồng, Dòng họ Đỗ Quý xã Đông Cường, huyện Đông Hưng hiện quỹ khuyến học dòng họ có trên 300 triệu đồng... và còn nhiều dòng họ khác cũng có nguồn quỹ khuyền học dư lại trên 100 triệu đồng, số tiền này được gửi tiết kiệm, hàng năm rút lãi khen thưởng cho con cháu trong dòng tộc. Đây là cách gây quỹ, dựng quỹ, nuôi quỹ khuyến học khá hiệu quả mà những năm qua các dòng họ ở Thái Bình đã thực hiện và đạt được kết quả đáng phấn khởi.

Hàng năm, các Ban khuyến học dòng học đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ, khen thưởng, vinh danh con em trong dòng họ có thành tích học tập suất sắc, đỗ đạt cao trong các kỳ thi của nhà trường, huyện, tỉnh, quốc gia… phù hợp với hoạt động của dòng họ mình. Mỗi dòng họ tùy theo năng lực tài chính của mình có các mức khen thưởng khác nhau: Ví dụ: Dòng  họ Nguyễn Trọng xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà thì thưởng cho các cháu đạt danh hiệu học sinh tiến tiến là 50 nghìn đồng /cháu; học sinh giỏi cấp trường là 100 nghìn/cháu; các cháu đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì từ 200 đến 300 nghìn đồng/ cháu. Cháu nào đạt giải quốc gia, quốc tế thì được dòng họ thưởng từ 500 đến 1 triệu đồng, được ghi tên vào sổ vàng của dòng họ và được nhắc lại thành tích đó nhiều năm sau để con em dòng tộc thấy được mà tự hào phấn đấu học tốt.

Gia tộc họ Vũ Khắc thôn Tô Đàm, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ thành lập Quỹ tài năng trẻ, hiện nay quỹ có 189 triệu đồng, dùng để cấp học bổng, để khen thưởng cho các cháu đỗ vào đại học, các cháu học thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư... Thành viên trong họ đỗ Đại học được tặng Giấy khen và 500.000đ/cháu; sinh viên đại học có lực học khá được thưởng 1.000.000đ/cháu; có lực học giỏi được thưởng 2.000.000đ/cháu; các cháu đỗ thạc sĩ được thưởng 3.000.000đ/ cháu; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ được thưởng 6.000.000đ và được gia tộc tổ chức lễ vinh quy bái tổ và đề nghị dòng họ Vũ Việt Nam tặng bằng “Vũ tộc tinh hoa” vào ngày giỗ họ.  Dòng họ Trần thị trấn Diêm Diền, họ Phạm Đức xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, họ Nguyễn Đăng xã Đông Cơ huyện Tiền Hải... ngoài việc khen thưởng con em trong họ có thành tích học tập xuất sắc còn chú trọng giúp đỡ con cháu trong dòng tộc mà gia đình có hoàn cảnh khó khăn như mua sách vở, bút mực, quần áo, trợ giúp tiền đóng góp học phí để các cháu có điều kiện đến lớp đến trường... cháu nào trong dòng họ đang tuổi đi học phổ thông mà có nguy cơ bỏ học, Ban khuyến học dòng họ đã đến tận nhà tuyên truyền, vận động cha mẹ, ông bà và cả các cháu để mọi người hiểu giá trị của việc học tập, từ đó vận động con em mình đến trường, đến lớp. Một số dòng họ còn xây dựng ra tủ sách học tập đặt tại từ đường để con cháu đến đọc và tra cứu kiến thức. Lập sổ vàng ghi tên những gia đình, con cháu có tấm lòng hảo tâm đóng góp cho sự lớn mạnh của quỹ khuyến học;  ghi tên các thế hệ con cháu đỗ đạt thành danh đem lại vinh quang cho dòng họ. Hàng năm, các dòng họ đều tổ chức lễ vinh danh, khen thưởng các cháu có thành tích học tập xuất sắc của dòng họ tại Từ đường dòng họ, có sự tham gia của các bậc cao liên, đại diện các hội gia đình, con cháu cùng đến chúc mừng. Cháu có thành tích cao nhất trong năm được trưởng tộc mời vào dâng hương tiên tổ, được đọc bản báo cáo thành tích trước từ đường, các cháu khác ngồi lắng nghe và chắc hẳn đó luôn là những ký ức rất đẹp trong tâm hồn con trẻ về sự gắn bó với gia đình, làng xóm, họ hàng, về khát vọng học tập tốt, lập công danh.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, các cơ quan chuyên môn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, dòng họ, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”; tổ chức hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong việc lồng ghép triển khai xây dựng các danh hiệu văn hóa với phong trào xây dựng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”; khuyến khích xây dựng và nhân rộng các tủ sách dòng họ, tủ sách thôn, tổ văn hóa, hình thành thói quen tự học, đọc sách báo, tài liệu của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Ban khuyến học các cấp tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các hoạt động vinh danh, động viên, sáng tạo khơi gợi được lòng ham học của con cháu trong dòng họ. Phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội khuyến học địa phương để Mô hình dòng họ học tập phát triển hiệu quả, đúng định hướng. Hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân được sử dụng các thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc sách... để người dân khi có thời gian rỗi sau giờ làm việc đến nghiên cứu học tập tạo ra phong trào thi đua học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập rộng khắp trên toàn tỉnh./.

Duy Chiến 

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch