Hướng dẫn nghiệp vụ

Nét mới của Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk

13 Tháng Ba 2018

 Trong năm 2017, Trung tâm Văn hóa tỉnh Đăk Lăk đã có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; tổ chức các hoạt động văn hóa tại chỗ và phục vụ lưu động ở xã biên giới, xã vùng đồng bào dân tộc, xã đặc biệt khó khăn bằng nhiều hình thức sinh động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm nên đơn vị đã chủ động, chuẩn bị chu đáo theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ, đảm bảo việc tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả, phục vụ tốt các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị ở địa phương, 1.017m2 pano, 20 băng rôn; tổ chức 08 cuộc triển lãm cuộc (trong đó 02 triển lãm tại cơ sở, 01 triển lãm ngoài tỉnh. Mỗi triển lãm trưng bày từ 70 đến 120 bức ảnh, thu hút 500 - 700 lượt khách đến tham quan), gồm nhiều chủ đề: Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Quê hương - con người khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên”, triển lãm ảnh thời sự kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12; Triển lãm Ảnh nghệ thuật Đắk Lắk năm 2017; sáng tác 14 mẫu tranh cổ động... Trung tâm còn tham gia trưng bày, chế tác, trình diễn nhạc cụ tre nứa, triển lãm Ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột, Văn hóa công chiêng và Quê hương – con người khu vực Duyên hải miền Trung Tây Nguyên”, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội; trưng bày, triển lãm “Gặp gỡ Cao Nguyên”, tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng.

Trong năm, đội Tuyên truyền Lưu động của Trung tâm đã xây dựng được 12 chương trình và biểu diễn 72 suất, phục vụ hơn 28.000 lượt người xem.  Trang Thông tin điện tử  cũng đăng tải 15 bài, 30 tin, trên 200 ảnh phản ánh kịp thời các hoạt động của đơn vị và hệ thống Nhà Văn hóa ở các huyện, thị xã, thành phố.

Tiết mục văn nghệ của TTVH chào mừng khai mạc Hội nghị tổng kết Hệ thống nhà văn hóa toàn tỉnh năm 2007

Hoạt động Nghệ thuật Quần chúng của Trung tâm có nhiều khởi sắc. Năm 2017, Trung tâm đã mở được 13 lớp năng khiếu với gần 1.000 học viên (Hội họa thiếu nhi, Hát nhạc thiếu nhi, Aerobic thiếu nhi, luyện thi Mỹ thuật, luyện thi Thanh nhạc, Nhảy hiện đại, Guitar, Organ, Violon, Piano, Người mẫu và thời trang, Karatedo, Vovinam, Thiếu lâm tự, Teakwondo).

Hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ ở Trung tâm cũng phong phú, đa dạng. Các CLB tổ chức sinh hoạt theo định kỳ gồm 50 buổi với gần 1.000 hội viên tham gia. Nhiều Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như các Câu lạc bộ Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Thơ Đam San, Vũ đoàn Ban Mê Xanh, Sinh vật cảnh, Người mẫu thời trang Hoa Pơ Lang… Trong năm 2017, Trung tâm thành lập thêm Câu lạc bộ Hưu trí Ngành VHTTDL. Các Câu lạc bộ rèn luyện thể chất như: Earobic, thể hình nam, nữ ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Có thể nói, hoạt động văn hóa, văn nghệ của Trung tâm đã có một mùa bội thu. Trung tâm xây dựng và tổ chức biểu diễn tới 18 chương trình ca múa nhạc phục vụ nhân dân trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện chính trị trong tỉnh. Riêng Đội Nghệ thuật Múa rối xây dựng được 02 chương trình tổng hợp, dàn dựng 01 tiểu phẩm rối mới, 06 tiết mục mới và nâng cấp 02 tiết mục, biểu diễn 71 suất (trong đó xã hội hóa 20 suất) nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu và phục vụ cơ sở, với hơn 20.000 lượt người xem.

Nghệ thuật múa rối đã góp phần thiết thực trong giáo dục, tuyên truyền đối với các tầng lớp nhân dân không chỉ lứa tuổi thanh thiếu niên. Việc kết hợp nghệ thuật múa rối vào các chương trình tuyên truyền lưu động đã tạo nên sự phong phú, đa dạng và thu hút được nhiều đối tượng người xem. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng các chương trình, tiết mục rối mang tính nghệ thuật cao đòi hỏi phải được đầu tư về kinh phí nên hiện tại anh chị em diễn viên chỉ có thể sáng tạo tiết mục mới dựa trên các con rối cũ có sẵn và chỉ đổi mới được một phần về nội dung và hình thức.

Học sinh xem triển lãm chuyên đề Tranh, ký họa kháng chiến tại Trung tâm VH

Trong năm 2017, Trung tâm đã tổ chức thành công Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 15 với gần 500 cán bộ, diễn viên đến từ Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa các huyện, thị xã, thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Câu lạc bộ Tiếng hát mãi xanh (thành phố Buôn Ma Thuột), Câu lạc bộ Dân ca Quan họ huyện Krông Năng. Trung tâm cũng tích cực tham gia Liên hoan Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 tại tỉnh Quảng Trị; chủ động tổ chức 01 Lớp Truyền dạy đánh chiêng và nhạc cụ dân tộc cho công chức, viên chức Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Nhà Văn hóa huyện, thị xã, thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Lữ đoàn Đặc công 198...

 Bước sang năm 2018, Trung tâm Văn hóa tỉnh Đăk Lăk tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa tại chỗ, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phục vụ cơ sở, đặc biệt là vùng đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu thông tin; tuyên truyền kịp thời các ngày lễ lớn, các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; duy trì, củng cố thường xuyên hoạt động của các câu lạc bộ, tiếp tục đổi mới hình thức quản lý lớp học, phấn đấu có 16 câu lạc bộ hoạt động thường xuyên với trên 1.000 lượt hội viên sinh hoạt; duy trì, đa dạng hóa mô hình Buôn vui chơi, buôn ca hát (Mỗi huyện tổ chức ít nhất 01 lần); xây dựng và nâng cao 05 tiểu phẩm múa rối mới, phục vụ xã hội hóa 20 suất; đảm bảo thực hiện tốt chương trình nâng cao chất lượng biểu diễn và đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành cho công chức, viên chức văn hóa ở cơ sở, góp phần tích cực vào việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

BÙI MINH VŨ - TTVH Đăk Lăk (Nguồn: Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa)

 

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch