Tin tức

Bế mạc Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018

10 Tháng Bảy 2018

Như tin đã đưa, Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp Sở VH&TT tỉnh Bình Định và Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Bình Định từ ngày 06/7 đã bế mạc vào ngày 10/7.

Hội diễn có sự tham gia của hơn 400 nghệ nhân đến từ 15 câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên của 7 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định. Con số này vẫn rất ít so với thực tế khoảng 100 đoàn (câu lạc bộ) Tuồng không chuyên đang hoạt động tại nhiều địa phương trên cả nước. Rất nhiều đoàn đã vắng mặt mà nguyên nhân chủ yếu là vì điều kiện tài chính khó khăn.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn, đã nói lên quan điểm của mình về tên gọi, cách gọi “tuồng không chuyên”. Theo ông, gọi như thế là do tính chất về tổ chức, tự túc tự lập, không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, còn về tài năng, trình độ, chất lượng nghệ thuật biểu diễn thì không thua kém các đơn vị, nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp.

Những tiến bộ chuyên môn biểu hiện toàn diện trên các mặt. Đó là các đoàn đã chọn mang đến Hội diễn hầu hết trích đoạn hay, cấu trúc chặt chẽ trên cơ sở vừa kịch tính vừa trữ tình, tạo được nhiều đất diễn, trò diễn để diễn viên thể hiện tài năng. Về nghệ thuật biểu diễn, đa số diễn viên đều hát hay (nhất là các vai đào võ, đào thương), múa đẹp (nhất là các vai kép văn pha võ, kép võ, kép xéo), diễn xuất tốt, một số đã vươn tới tính điêu luyện, hội tụ đầy đủ 6 yếu tố của nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống: thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần.

NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh: “Qua các trích đoạn, đề tài từ truyền thống đến lịch sử, hiện đại, một số nghệ sĩ, nghệ nhân đã có những tìm tòi, sáng tạo, đưa nghệ thuật sân khấu biểu diễn tuồng không chuyên lên một bước tiến mới và dài. Nhiều trích đoạn, nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đã đạt đến tính chuyên nghiệp. Điểm nổi bật này là thành công lớn nhất của Hội diễn”.

Phát biểu tại buổi bế mạc, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung cho hay, Bộ VHTTDL đã đồng ý đề nghị của Cục về việc tổ chức định kỳ Hội diễn TKC toàn quốc 3 năm/ lần, luân phiên tại những địa phương có đoàn Tuồng không chuyên đang hoạt động, có truyền thống về nghệ thuật tuồng. Từ đây, “ngày hội” của giới Tuồng không chuyên cả nước cũng sẽ diễn ra thường xuyên, ổn định như các loại hình sân khấu chuyên nghiệp khác, chấm dứt tình trạng hẫng hụt khi hội diễn sau cách hội diễn trước cả 12 năm…

Kết thúc Hội diễn, Ban tổ chức đã trao 21 Huy chương Vàng cho 21 cá nhân và 16 Huy chương Bạc cho 16 cá nhân xuất sắc; đồng thời trao 10 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc cho các đoàn nghệ thuật có trích đoạn xuất sắc. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở tặng Giấy khen cho 10 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hội diễn. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng tặng Bằng khen cho 15 câu lạc bộ, đoàn tuồng không chuyên tham dự hội diễn./.

Châu Minh

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch