Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) vừa tiến hành khảo sát, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường tại 2 tỉnh Hoà Bình và Sơn La, nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; kịp thời nắm bắt những khó khăn, bất cập, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh dịch vụ đặc biệt nhạy cảm này.
Hiệu quả từ việc triển khai Nghị định
Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Sơn La, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 100 cơ sở kinh doanh karaoke, không có vũ trường. Từ 2019 đến nay, tỉnh đã cấp 188 giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke. Hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn cơ bản đúng quy định, các văn bản quy phạm pháp luật về karaoke, vũ trường được phổ biến kịp thời đến địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nhằm nâng cao nhận thức; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh của nhân dân và du khách; đảm bảo thực hiện đúng quy định và an ninh trật tự trên địa bàn.
Hằng năm, Sở VHTTDL tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nhằm rà soát, kiểm tra việc thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP, có giải pháp tuyên truyền, chấn chỉnh kịp thời những bất cập. Từ năm 2019-2022, đã kiểm tra trên 100 cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke trên địa bàn; thu hồi 2 giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke của 2 cơ sở, xử phạt trên 50 triệu đồng.
Bà Đặng Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình cho biết: Nhằm triển khai có hiệu quả nội dung Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, Sở VHTTDL tỉnh Hoà Bình đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng VHTT các huyện, thành phố quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định đến cán bộ công chức làm công tác quản lý cấp huyện, cấp xã; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định này đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Sở VHTTDL cũng đã hướng dẫn các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường để được cấp phép; tiếp nhận và cấp phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định. Trên địa bàn tỉnh có 195 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; không có cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường. Tuy nhiên, hiện nay 100% cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh đều phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo PCCC.
Về công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, Sở đã chỉ đạo Thanh tra, Phòng Quản lý Văn hóa, Phòng VHTT các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 54/2019/NĐ-CP; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn. “Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc gắn với tuyên truyền, hướng dẫn các quy định đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke. Thanh tra Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, đa số các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở vi phạm quy định…”. Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình cho biết thêm.
Còn đó những khó khăn
Bà Nguyễn Hoàng Tú, Phó Chánh Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Sơn La chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại một số cơ sở kinh doanh xuống cấp sau vài năm hoạt động không tự giác sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Công tác hậu kiểm ở các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù địa hình rộng, khoảng cách giữa các huyện, thành phố xa nhau, dẫn đến các cơ sở chưa đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh hoạt động karaoke theo đúng pháp luật. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke sử dụng các bài hát trực tiếp trên một số website thông qua hệ thống mạng và máy tính bảng, việc kiểm tra, xử lý sử dụng ca khúc chưa được phép lưu hành gặp khó khăn. Việc thu phí bản quyền đối với các cơ sở kinh doanh karaoke chưa có sự đồng nhất, chưa có cơ sở xác định mức phí đối với từng bài hát.
Tuy nhiên theo Sở VHTTDL, có một số quán bar có sàn nhảy như vũ trường nhưng không đăng ký kinh doanh dịch vụ vũ trường, chỉ mang hình thức nghe nhạc, hát cho nhau nghe. Vì vậy, ngành văn hóa địa phương không thể chủ động kiểm tra hoạt động tại các cơ sở này. Mặt khác, do loại hình này không được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật, khó quản lý nên đã xảy ra nhiều vi phạm về an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Nhằm khắc phục những bất cập, Sở VHTTDL tỉnh Sơn La kiến nghị bổ sung quy định về mặt thời hạn (từ 3-5 năm) đối với giấy phép kinh doanh hoạt động karaoke, vũ trường. Đồng thời, ban hành quy định cụ thể đối với việc thu phí bản quyền sử dụng bài hát trong các cơ sở kinh doanh karaoke để đảm bảo việc chấp hành pháp luật nghiêm minh. Cơ quan chuyên môn của Bộ sớm nghiên cứu ban hành hướng dẫn quản lý nhà nước đối với loại hình karaoke di động, quán Bar có sàn nhảy như vũ trường để có cơ sở quản lý.
Từ thực tiễn hoat động, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Cục, Sở VHTTDL Hoà Bình đã đề nghị Bộ VHTTDL tham mưu Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hoạt động đối với dịch vụ kinh doanh karaoke tại các khu, điểm, du lịch và các địa bàn thí điểm phát triển kinh tế ban đêm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Bổ sung, sửa đổi Nghị định số 54/2019/NĐ-CP với các quy định điều kiện về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường (về độ ồn, cách âm, ánh sáng…). Xem xét quy định về thời hạn cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ Karaoke, dịch vụ vũ trường từ 3- 5 năm nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước.
Đánh giá những kết quả từ việc triển khai công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, Bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đã ghi nhận nỗ lực của 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình trong việc tham mưu, hướng dẫn thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh liên quan đến nội dung này. Bà Hoài cho biết, kiến nghị của địa phương về thời hạn cấp giấy phép đối với hoạt động kinh doanh karaoke và thu phí bản quyền đối với các bài hát… sẽ được Cục Văn hoá cơ sở tổng hợp, báo cáo lãnh đao Bộ xem xét, quyết định./.
Mai Tuyết