Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch

12 Tháng Ba 2020

Hiện nay dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng tại 211 quốc gia, vùng lãnh thổ; tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó đã tác động mạnh mẽ đến việc triển khai các hoạt động ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong những tháng đầu năm 2020. Các địa phương đều dừng hẳn khai mạc lễ hội và giảm hẳn các hoạt động lễ hội, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia; dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, các chương trình vui chơi, giải trí tập trung đông người để tập trung cho công tác phòng, chống dịch như: Lễ hội Tịch Điền (Hà Nam), Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định), Đền Trần (Thái Bình), Đền Trần Thương (Hà Nam), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh); Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc; Hội diễn nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, không gian Đờn ca tài tử trong khuôn khổ liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III- Cần Thơ năm 2020; Lễ hội bánh dân gian trong khuôn khổ Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2020; Tỉnh Thái Nguyên tạm dừng tổ chức Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ IV, năm 2020; thành phố Hà Nội dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại phố đi bộ Hồ Gươm, Chương trình nghệ thuật “Một trái tim hồng” chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố không tường thuật trực tiếp mà chuyển sang ghi hình không khán giả để phát sóng trên truyền hình; tỉnh Đắk Lắk tạm dừng tổ chức chương trình biểu diễn Cồng chiêng (Âm vang đại ngàn), chương trình Đêm thơ Nguyên tiêu...Việc dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, kết quả hoạt động của ngành và nhu cầu tham gia lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí của nhân dân trong dịp đầu xuân Canh Tý 2020.

Tại các dích lịch sử- văn hóa, danh lam, thắng cảnh, lượng khách đều sụt giảm. Trong tháng 2/2020, số lượng khách giảm khoảng 50-60%; những ngày đầu tháng 3/2020, số lượng khách giảm đến 70-80% so với cùng kỳ năm trước, một số di tích không có khách tham quan, như: Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), đón khoảng 2000 khách mỗi ngày; Đền Ngọc Sơn (Hà Nội) đón khoảng 700 – 900 khách một ngày; Khu di tích lịch sử - văn hóa Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) còn đón khoảng 500 khách một ngày; Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), mỗi ngày có khoảng 7.000 – 9.000 khách đến tham quan các điểm di tích, chủ yếu là khách Âu Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan; Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), hiện nay chỉ còn đón khoảng 6000 khách mỗi ngày; Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đón khoảng 4.500 khách một ngày; Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), đón khoảng 1000 khách một ngày; Phố cổ Hội An (Quảng Nam), hiện nay mỗi ngày đón khoảng 6.000 khách. Sự suy giảm về lượng khách kéo theo các hoạt động dịch vụ tại các di tích như: Vận chuyển, ăn uống, lưu trú, bán hàng lưu niệm... cũng sụt giảm, ảnh hưởng lớn các hoạt động của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Tại hệ thống các rạp chiếu phim, lượng khách đến xem cũng giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: Số lượt khách xem phim tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 40% so với 2 tháng đầu năm 2019. Doanh thu phim chiếu rạp của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 37% so với 2 tháng đầu năm 2019. Số lượng vé bán ra toàn thị trường 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 23% so với 2 tháng đầu năm 2019; doanh thu phim chiếu rạp toàn thị trường 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 40% so với 2 tháng đầu năm 2019.

Trong lĩnh vực thể thao, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã phát triển lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các quốc gia châu Á có nền thể thao phát triển mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện vận động viên, chuyên gia, trao đổi các đoàn thể thao tham dự các cuộc thi đấu, hợp tác về khoa học, y học, phòng chống doping trong lĩnh vực thể dục thể thao với các nước, cụ thể: Hủy bỏ các hoạt động tập huấn tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 và SEA Games 2021; giải Boxing-vòng loại Olympic từ ngày 03-14/2/2020 tại Vũ Hán, Vòng loại Olympic Vật khu vực châu Á tại Tây An, Trung Quốc từ ngày 25-29/3/2020; các giải vòng loại Olympic Tokyo... đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tập huấn của các đội tuyển.

Các hoạt động thể thao trong nước cũng dừng tất cả các hoạt động TDTT trong tháng 2 năm 2020 và tạm dừng hoặc thay đổi thời gian tổ chức 10 giải thể thao tổ chức trong tháng 3, lùi thời gian tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2020 vào thời gian thích hợp. Các địa phương đăng cai tổ chức đã phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động chuyên môn trong quý I năm 2020. Trong tháng 3 năm 2020, căn cứ tình hình thực tiễn tại các địa phương, một số sự kiện thể thao vẫn được tổ chức nhưng rất ít khán giả tham dự; các ban tổ chức giải cũng đã áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch như: Tăng cường các biện pháp sát khuẩn, đo thân nhiệt đối với thành phần tham dự, hạn chế tối đa khán giả tham dự, khuyến cáo khán giả đeo khẩu trang...

Hoạt động tập huấn của các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển thể thao của các tỉnh, thành, ngành cũng gặp nhiều khó khăn. Các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia đã phải điều chỉnh kế hoạch huấn luyện, áp dụng những biện pháp hạn chế vận động viên đi tập huấn dã ngoại trong nước. Việc không được tham gia thi đấu tại các giải và thiếu đối tượng cọ xát đã ảnh hưởng nhiều tới tâm lý, thành tích chuyên môn của vận động viên.

Lĩnh vực du lịch, để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, một số nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch năm 2020 phải tạm dừng, thay đổi cho phù hợp với tình hình như: Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia 2020 và Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch 2020; hoạt động hợp tác quốc tế trong năm 2020; tạm hoãn tổ chức các sự kiện trong cơ chế hợp tác ASEAN, GMS gồm Diễn đàn Du lịch Mê Công (MTF) và Phiên họp Nhóm công tác Du lịch GMS tại Myanmar từ tháng 4 đến tháng 8/2020, Hội thảo về Nghề Du lịch tại Myanmar, Hội thảo về Quy hoạch Du lịch sinh thái tại Thái Lan, Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại Thái Lan; Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2020 tại Berlin, dự kiến có 45 doanh nghiệp tham gian hàng và các hoạt động khác tại hội chợ. Một số chương trình trong nước cũng bị hoãn như các sự kiện trong Năm du lịch quốc gia tại Ninh Bình, Liên hoan ẩm thực trong khuôn khổ của Festival Huế (dự kiến hoãn đến tháng 8/2020). Việc hoãn, hủy các sự kiện này ảnh hưởng lớn đến hoạt động xúc tiến quảng bá, kế hoạch làm việc của các địa phương, doanh nghiệp.

Dịch Covid-19 đã có tác động mạnh mẽ về mặt kinh tế, xã hội trong lĩnh vực hoạt động của ngành du lịch cả nước. Năm 2019 là một năm thành công của ngành Du lịch với 18 triệu lượt khách quốc tế đến, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu đạt 720.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 32 tỷ USD). Kế hoạch năm 2020, ngành Du lịch phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 36 tỷ USD). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tháng 1/2020, Việt Nam đã đón được gần 2 triệu lượt khách quốc tế, như vậy việc đạt được mục tiêu kế hoạch của ngành Du lịch năm 2020 là rất khả quan nếu không xảy ra dịch Covid - 19.

Việc xuất hiện dịch bệnh hiện nay đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực thị trường lớn nhất của Du lịch Việt Nam (Đông Bắc Á). Qua theo dõi, tổng hợp, tháng 2/2020 khách Trung Quốc giảm 90% và sẽ không còn khách du lịch vào những tháng tiếp diễn dịch; khách Hàn Quốc báo giảm 70% vào tháng 2 và 80% vào tháng 3/2020 do Chính phủ Hàn Quốc hạn chế khách đến ASEAN. Khách Nhật và Đài Loan cũng giảm mạnh khoảng 50-55% do ảnh hưởng của dịch. Thị trường Châu Âu, quy mô lớn nhất là thị trường Nga giảm khoảng 30%, các thị trường Châu Âu khác giảm 15%. Thị trường khách du lịch nội địa giảm nghiêm trọng do người dân lo sợ dịch bệnh, hủy tour hàng loạt. Lượng khách giảm mạnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành, các khách sạn cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khác.

Thiệt hại của ngành Du lịch so với thời kỳ dịch SARS (năm 2003), do dịch Covid - 19 xảy ra đúng vào mùa cao điểm khách quốc tế đến (tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Căn cứ vào mức doanh thu trung bình kế hoạch năm 2020 là khoảng 3 tỷ USD/tháng, dự kiến thất thu khoảng 60-65%/tháng, ước tính từ nay đến hết tháng 4/2020 (03 tháng), ngành Du lịch sẽ thiệt hại khoảng 6-6,5 tỷ USD. Trường hợp dịch bệnh kéo dài thêm thì thiệt hại 6 tháng khoảng 12 tỷ USD.

Trong tình hình dịch Covid-10 diễn biến phức tạp triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp:

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ rà soát, bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh để tham mưu lãnh đạo Bộ, Chính phủ kịp thời xử lý tình hình phát sinh của dịch bệnh; có biện pháp phòng ngừa, điều chỉnh các hoạt động của cơ quan, đơn vị.

 - Tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền việc phòng, chống dịch do vi rút Covid-19 gây ra.

- Chính phủ có chính sách giảm lãi vay, giãn nợ đối với các khoản nợ đến hạn, giảm thuế, giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội… trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp điện ảnh.

- Có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về thuế, triển khai các gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch như:

+ Miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp du lịch trong Quý I, Quý II và Quý III năm 2020, giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch trong Quý IV năm 2020 và Quý I năm 2021.

+ Cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021.

+ Giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.

+ Giảm giá điện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bằng với mức giá điện áp dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh khác.

+ Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí): Giảm lãi suất vay, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới...

+ Ngân hàng Nhà nước giảm các loại phí, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tái cấp vốn cho các Ngân hàng thương mại mà không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát; xem xét cho ngân thương mại tăng nợ xấu quá hạn, nợ xấu của nhóm các ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp để cơ cấu lại nợ tại các ngân hàng thương mại, đồng thời có những khoản vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp để có chi phí trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên.

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính bố trí nguồn kinh phí cấp cho công tác đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch.

+ Có các chính sách về thị thực tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều khách du lịch đến Việt Nam, nhất là với các thị trường mới tiềm năng.

- Tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch.

- Liên kết hàng không, du lịch, điểm đến tăng cường thu hút khách du lịch, xây dựng các gói kích cầu thu hút tăng trưởng khách du lịch, các chương trình khảo sát điểm đến cho báo chí, các hãng lữ hành nước ngoài đến Việt Nam ngay sau hết dịch.

- Liên kết với các địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện, phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng, phong phú, kịp thời phục vụ các thị trường du lịch trong và ngoài nước sau khi hết dịch./.

Quốc Huy

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch