Tin tức

Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019

18 Tháng Giêng 2019

Chiều 18-01-2019, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đại diện: Vụ Văn hóa – Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hoá - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Công an, lãnh đạo một số Cục, Vụ, Cơ quan trực thuộc Bộ, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao của 22 tỉnh/ thành phố có số lượng lễ hội lớn; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ban quản lý di tích lớn một số địa phương thuộc khu vực Bắc - Trung – Nam; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương tới dự và tuyên truyền cho Hội nghị.

Năm 2018, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự đã được đảm bảo; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội đã dần được khắc phục; các tập tục nghi thức không còn phù hợp đã dần được thay thế; các hiện tượng đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ cũng đã giảm hơn so với các mùa lễ hội trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2017, công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là:Vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội. Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn.Khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích.Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Sóc, Chùa Hương (thành phố Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) ...Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa được xử lý kịp thời...

Để tiếp tục duy trì công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ và phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn đảm bảo được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Thực hiện kiểm kê, phân loại lễ hội, lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội; xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.Rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các di tích, cơ sở thờ tự đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hành tín ngưỡng và tham gia lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.Thực hiện yêu cầu về việc tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 8 tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Thu Trang

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch