Phong trào TDĐKXDĐSVH

Phát huy tập quán bảo vệ rừng cấm, rừng thiêng của người Dao vùng Tây Bắc

23 Tháng Mười 2018

Người Dao có nhiều tên gọi khác nhau như: Mán, Đông, Trại, Kim Miền, Làn Tẻn...Ở Việt Nam, căn cứ vào đặc điểm ngôn ngữ nhà dân tộc học Nguyễn Khắc Tụng đã chia người Dao thành hai nhóm phương ngữ. Nhóm thứ nhất, danh từ chỉ “người”, tiếng Dao gọi là “miền” (“Kiềm Miền” hoặc “Dìu Miền”). Nhóm thứ hai danh từ chỉ “người” tiếng Dao gọi là “mùn” hay “mần” (“ Kiềm Mùn” hoặc “Dìu Mùn”). Nhóm phương ngữ thứ nhất gồm có 2 ngành Dao lớn là “Đại Bản” và “Tiểu Bản”. Nhóm phương ngữ thứ hai có 2 ngành khác là Dao quần Trắng và Dao Làn Tiẻn. Ở Tuyên Quang, năm 2006, dân tộc Dao có 82708 người cư trú ở hầu hết các huyện trong tỉnh như Hàm Yên (26.261 người), Yên Sơn (20.911 người), Chiêm Hoá (15.113 người), Nà Hang (14.677 người), Sơn Dương (5478 người), Thành phố Tuyên Quang (268 người).

Từ trước tới nay đã có nhiều tác phẩm, tác giả nghiên cứu về người Dao như Lê Quý  Đôn với tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” (1777), Hoàng Bình Chính có tác phẩm “Hưng hóa phong thổ lục” (năm 1778). Trong tác phẩm, tác giả cũng đề cập  sơ lược đến nhóm người Mán ở Việt Nam. Năm 1856, Phạm Thận Duật viết tác phẩm “Hưng Hóa  ký lược” đã đề cập nhiều đến các dân tộc ở vùng Tây Bắc Việt Nam, trong đó có người Dao.([1]) Gần đây có một số tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu về người Dao như cuốn “Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” của tác giả Mạc Đường; Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến với tác phẩm “Người Dao ở Việt Nam” năm 1971. Các tác phẩm đã giới thiệu khá chi tiết về dân số, tộc danh, nguồn gốc lịch sử, phân loại các ngành Dao, các loại hình kinh tế, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng của người Dao ở Việt Nam. Bên cạnh đó còn nhiều tác phẩm khác nghiên cứu về người Dao như: Trần Hữu Sơn với tác phẩm “Lễ cưới của người Dao Tuyển” năm 2010; “sách cổ người Dao” (2009); “Phong tục tập quán người Dao Thanh Hoá” của Đào Thị Vinh (2001), “Lễ cấp sắc người Dao Lạng Sơn” của Phan Ngọc Khuê (2002); “Các nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ đời người của nhóm Dao Tiền ở Ba Bể, Bắc Kạn” của Lý Hành Sơn (2003), “Nghi lễ người Dao quần chẹt ở Tuyên Quang” của Mai Đức Thông chủ biên (2008)…

Các công trình nghiên cứu về người Dao của các tác giả chủ yếu giới thiệu về nguồn gốc lịch sử, môi trường cư trú, đời sống kinh tế, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của người Dao ở Việt Nam, còn các tác phẩm nghiên cứu về rừng cấm, rừng thiêng gắn với bảo vệ rừng của người Dao còn rất khiêm tốn, trong khi đó rừng cấm, rừng thiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. Rừng cấm, rừng thiêng được hình thành như một thiết chế văn hóa có sức chi phối mạnh mẽ đến các hành vi ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và giữa con người với con người, đặc biệt trong việc bảo vệ rừng. Chính vì vậy, ở bài viết này tác giả xin giới những đặc trưng cơ bản về rừng cấm, rừng thiêng của người Dao ở vùng núi phía Bắc gắn với bảo vệ rừng.

1. Quan niệm về rừng cấm, rừng thiêng

Với người Dao rừng đã trở thành một phần máu thịt trên cơ thể. Rừng được người Dao ví như mái tóc trên đầu để che chở, bảo vệ, giúp đỡ cuộc sống bình yên của cộng đồng. Theo tiếng Dao, rừng là “kìm” (cây), nhiều vùng gọi là “kềm” hoặc là “san” theo tiếng Quan hỏa. Dựa trên những đặc trưng, vai trò của rừng người Dao phân làm nhiều loại khác nhau như: “kìm cổ” (kìm – rừng, cổ - già),  “kìm lủn” (kìm – rừng, lủn – non) rừng non, “kìm guồn nhuần” rừng đầu nguồn, “suồng khá kìm” rừng cuối nguồn, “kìm nhề”  rừng cá nhân, “tùm choản kìm” rừng cộng đồng.

Rừng cấm, rừng thiêng theo quan niệm của người Dao là những khu rừng có những kiêng kỵ, cấm kỵ nhất định như: không được chặt cây, khai thác lâm sản, trăn thả gia súc, gia cầm; kiêng không đi vệ sinh bừa bãi trong rừng... Trước hết, rừng cấm, rừng thiêng là những khu rừng chung của cộng đồng, do cộng đồng quản lý. Rừng cấm đôi khi còn được ngườ Dao sử dụng để chỉ những khu rừng thiêng, tuy nhiều khu rừng cấm không phải là rừng thiêng. Còn rừng thiêng là những khu rừng gắn liền với yếu tố tâm linh, là nơi thờ tự và tổ chức các hoạt động thờ cúng của cộng đồng. Các khu rừng thiêng có những đặc trưng riêng về vị trí địa lý, diện tích, các loại cây trong rừng và những kiêng kỵ, qui định của cộng đồng đối với các khu rừng. Các khu rừng thiêng của người Dao thường nằm ở những nơi  có địa hình thoáng đãng, gần nguồn nước, con suối, các khu trung tâm của làng với ý nghĩa để các vị thần linh, tổ tiên có thể bao quát, bảo vệ được tất cả các hộ gia đình trong làng. Các khu rừng thiêng được các thầy cúng, chủ làng, chủ các dòng họ lập lên từ khi lập làng làm nơi thờ cúng các vị thần linh, tổ tiên các dòng họ trong làng để cầu mong các vị thần linh giúp đỡ phát triển kinh tế, cuộc sống của các thành viên trong cộng đồng. Ngoài rừng thiêng, ở một số bản người Dao còn có những khu rừng thờ các loại ma như: rừng “Quế san” ở xã Thanh Kim, huyện Sa Pa, Lào Cai, đây là khu rừng thờ một loại ma có tên là “Quế san”. Vì rước đây do trong làng có nhiều người bị điên loạn, các thầy cúng xem bói thấy là do loại ma này làm hại, để bảo vệ mọi người các thầy cúng trong làng đã rước ma “Quế san” vào khu rừng đó để thờ và khóa lại không cho ra ngoài để làm hại dân làng. Nếu trong làng có người bị ốm mà các thầy bói xem thấy là do loại ma này làm hại thì gia đình sẽ mang lễ vật đến khu rừng đó làm lễ tạ. Ngày thường mọi người kiêng không đi qua, chặt cây, lấy măng trong khu rừng này.

2. Vai trò của rừng cấm, rừng thiêng với bảo vệ rừng

Giữa người Dao và rừng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi những giá trị to lớn của rừng mang lại cho cuộc sống của cộng đồng. Bởi vậy, từ bao đời nay người Dao luôn có ý thức cao trong việc bảo vệ rừng. Rừng được người Dao bảo vệ bằng nhiều hình thức khác nhau, từ việc khai thác, chăm sóc và sử dụng các nguồn tài nguyên rừng; thông qua những quy định, hương ước, qui ước của cộng đồng. Những qui định bảo vệ rừng được cộng đồng đưa lên trở thành quyền lực của các vị thần linh để điều chỉnh ý thức, hành vi, các ứng xử của con người với rừng.

Vai trò của rừng cấm, rừng thiêng trước hết là sự thống nhất về mặt tín ngưỡng của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng. Trước hết là sự thống nhất về mặt nhận thức của người Dao về thế giới tự nhiên, họ cho rằng vạn vật trên trái đất đều có linh hồn “vạn vật hữu linh”, do vậy từ cái cây, hòn đá, ngọn núi, con sông, con suối...đều có linh hồn. Ngoài ra, ngoài cuộc sống của con người, còn có các thế giới khác, đó là thế giới của người nùn (nằm tầng thấp nhất của quả đất), thế giới âm phủ dành cho những người sau khi chết và thế giới trên trơi là nơi sinh sống của các vị thần linh. Và cuộc sống của con người không chỉ chịu sự chi phối của thế giới tự nhiên mà còn chịu sự chi phối của các lực lượng siêu nhiên như: thần mặt trăng, thần sấm, thần sét, ma tổ tiên...Theo quan niệm của người Dao, ở trên trời có ma mặt trăng “Lả”, ma mặt trời “chửa quần” là những vị thần linh cai quản toàn bộ đất trời, cây cối, hoa màu và cuộc sống của con người; ma sấm sét “Chiều chiêu lùy phấu quyện” lam nhiệm vụ canh giữ cửa trời và kiểm tra giấy tờ của những linh hồn đi qua cửa. Ở hạn giới có các loại ma “Duần phiu miến” (ma rừng) thường sống ở hang đá “bèng ngàm”, gốc cây  “đèng con” trong rừng thiêng của làng, loại ma này làm nhiệm vụ cai quản rừng “cún kìm”, các loài vật sống trong rừng, bảo vệ mùa màng, nương rẫy, con người khỏi các dịch bệnh; ma “Puồn pung tẩy chiêu miến” (ma quản lý bốn phương), Mần quyên mầm tỏi (ma canh giữ cửa), Hèng diều (ma giúp đỡ gia đình xua đuổi bệnh tật”, Lủy miều sỉa chía (ma bảo vệ cây ngô, cây lúa); Vừa hoa chia mẩy, vừa siển siều lèng, vừa hoa chấy mùi, vừa sỉn piu lèng, siêu hảo tùng trang quan hỏa nhì lòng là loại hoa quản lý sâu bọ, bệnh tật. Khoi thin liệp tẩy (ma mở cửa trời, mở cửa rừng), Pần câu cải hùng (ma khai hoang mở  đất). Chiêu thiền lủi châu tải hùng (ma bảo vệ mùa màng), Nẩy cha sất sỉn pênh tênh lềnh vàng (ma bả vệ tranh thờ tổ tiên của các dòng họ). Vàng du thiên chẳng, vàng du tẩy rỉa (ma đưa đưa tin). Phủ hi chây mùi chiêm siển lèng lèng (ma quản lý tiền bạc). Dùng chòi tồ tẩy dùng dứa cồ bo (ma quản lý gia súc). Gầy sền ta lạp chỉ lỉnh tàn (ma giúp con người làm nương được thuận lợi). Tẩy chiêu chiền nhuần (ma bảo vệ đất đai, ruộng nương của gia đình không bị sạt lở), Đằng chinh mửa, chinh tua mửa chi chinh (ma bảo vệ các loại cây gỗ, cây tre trong rừng). Nhóm ma ác “miến quẩy” (Ma quỷ) gồm: Duần phiu miến là loại ma sống ở cây gỗ to trong rừng như cây đa “duần chẩu đẻng”, cây dổi “tùm lòng đẻng”. Đèng bó sung là loại ma ác trên rừng thường sống trong thân các cây gỗ mục. Dấm giang là loại ma quỷ thường sống ở các con hủm trong các khu rừng già. Quần hùng miến là loại ma mang dịch bệnh cho con người, trâu bò...; nhóm ma nhà gồm: Nhất Thanh (lềnh sị), Lềnh pu (Nhị Thanh), Tố tạ thiên duần (Tam thanh), Phằm chin, Giăng kim (ma ngựa trắng), Suy pấu (ma con rồng), Sài tỉa (ma sư phụ), Luồng miến (ma bảo vệ đằng sau nhà), Phìn miến (ma bảo vệ con mắt), On luồng (ma bảo vệ trên nhà), Chìa miến (ma bắc cầu), Phàm sả chiều (ma cầu gỗ), U hai quây ( ma chài), Chìa chụ miến (ma hôn nhân), Mìa lò (ma giúp gia đình làm giấy tiền), Nầy chiệp lùa (ma giúp gia đình đưa giấy mã cho tổ tiên), Ùm cú miến (ma bảo vệ cây lúa, gô sau khi trồng), Hùng phin miến (ma sống ở trên trời), Dềnh hao (ma giải hạn), Sinh miến (ma giúp con người giải hạn), Nhuần hùng miến (ma giúp gia đình giải hạn), Lình chuần miến (ma đón tiếp tổ tiên về trong lễ cấp sắc)...

Xuất phát từ qan niệm trên mà các khu rừng thiêng của người Dao thường có những kiêng kỵ như: rừng thiêng tại thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, họ kiêng không chặt cây, khai thác gỗ, khai thác măng và các  sản vật trong khu rừng thiêng; kiên không vào khu rừng thiêng nếu không phải ngày làng tổ chức lễ cúng đặc bệt là đàn bà, con gái; kiêng không trăn thả trâu bò, gia súc trong khu rừng này; kiêng không làm những điều uế tạp, không sạch sẽ trong khu rừng, ngay cả khi gia đình làm nhà vệ sinh hoặc khi đi vệ sinh cũng không được hướng về khu rừng vì sợ các vị thần linh trừng phạt. Bởi vậy, đối với những khu rừng thiêng của người Dao có sức ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ đến các hành vi, các ứng xử của con người đối với rừng.

Ngoài sự thống nhất về đời sống tín ngưỡng còn được thể hện trong các hoạt động thờ cúng liên quan đến rừng thiêng của cộng đồng. Trong cộng đồng người Dao còn có sự thống nhất trong các hoạt động thờ cúng. Với mong muốn luôn được các vị thần linh, tổ tiên phù hộ, hàng năm vào các ngày lễ tết, chủ cúng và ban quản lý rừng thiêng do làng bầu lên có trách nhiệm sắm sửa lễ vật dâng cúng các vị thần linh trong rừng thiêng để cảm tạ và cầu mong các vị thần linh bảo vệ, che chở, giúp đỡ cuộc sống cho các hộ gia đình trong làng. Còn khi làng xảy ra những biến cố như hạn hán, mất mùa, dịch bệnh, đời sống của các hộ gia đình gặp khó khăn, khi đó các thầy cúng, trưởng các dòng tộc trong làng sẽ xem bói, tổ chức lễ cúng chung của làng, được gọi là lễ cúng rừng “khoi kìm”. Ở một số vùng làng người Dao, lễ cúng rừng được làng tổ chức định kỳ hai năm hoặc ba năm một lần. Ngoài lễ cúng rừng “khoi kìm” người Dao còn có lễ cúng miếu, cúng giải hạ “pủng vân” nhưng diễn ra ở phạm vi, quy mô nhỏ hơn lễ cúng rừng. Các thức tổ chức các hoạt động thờ cúng của người Dao ở các khu vực tương đối giống nhau. Gần đến ngày tổ chức lễ cúng, các thầy cúng, trưởng làng sẽ bầu ra ban quản lý rừng theo hình thức luân phiên, những người này sẽ có trách nhệm quản lý khu rừng thiêng, thu phí đóng góp, xử lý những vi phạm và tổ chức các hoạt động thờ cúng liên quan đến rừng của cộng đồng. Lễ cúng rừng của người Dao diễn ra ở khu rừng thiêng của làng, ngày nay nhiều làng không còn khu rừng hiêng thì họ tổ chức lễ cúng ở dưới gốc cây thiêng của làng. Ngày làng tổ chức lễ cúng các gia đình trong làng đều cử một người đại diện tham gia, nhưng phải là nam giới, mặc trang phục truyền thống, lễ vật gôm: gà, xôi, giấy tiền, các loại giống đến dâng cúng các vị thần linh để cầu cho gia đình năm đó mọi việc được may mắn. Trong lễ cúng rừng các thầy cúng sẽ tâu sớ trình với các vị thần linh tựa như một một bài báo cáo về cuộc sống làm ăn kinh tế, những khó khăn thuận lợi, mong ước của người dân và những hộ gia đình vi phạm các qui ước của làng để các vị thần linh chứng giám, nếu ai vi phạm sẽ bị các vị thần linh trừng phat. Ngoài ra, họ còn chịu sự chi trừng phạt của cộng đồng. Do vậy, lễ cúng rừng không chỉ đáp ứng nhu cầu về mặt đời sống tâm linh của cộng đồng mà còn góp phần nâng cao ý thức của các cá nhân và cộng đồng trong việc bảo vệ rừng.

Vai trò của rừng cấm, rừng thiêng đối với việc bảo vệ rừng còn được thể hiện thông qua qui ước của cộng đồng. Để bảo vệ, quản lý và bảo vệ các khu rừng cấm, rừng thiêng, mỗi cộng bản người Dao đều có những qui định riêng như: tại bản qui ước bảo vệ rừng cấm thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng, huyện Bát Sát, Lào Cai được được qui định cụ thể như: mỗi năm làng phải tổ chức lễ cúng 6 lần, nhưng quan trọng nhất là vao ngày mồng một tết, lễ cúng rằm tháng giêng và ngày thìn đầu tháng hai; qui định về cách thức tổ chức lễ cúng từ việc chọn thầy cúng, lễ vật và những kiêng kỵ trong lễ cúng; ngoài chủ rừng, mỗi năm làng bầu ra 3 người theo hình thức luân phiên vào ban quản lý rừng, ba người này sẽ có trách nhiệm đứng ra tổ chức lễ cúng rừng của làng, ngoài ra họ là người đại diện cho dân làng đứng ra xử phạt những hộ gia đình vi phạm theo qui ước của làng. Trong hương ước cũng qui định, nếu hộ nào hái măng trong các khu rừng cấm, rừng thiêng sẽ bị phạt 50.000đ, chặt một cây gỗ tùy theo cây to, cây nhỏ sẽ phạt từ 100.000 – 200.000đ; còn những hộ gia đình trăn thả gia súc, trâu bò phá hoại măng, hoa màu của làng sẽ bị xử nhẹ là phạt rượu, thịt, nếu bị nhắc nhở nhiều lần vẫn vi phạm làng sẽ bắt con vật đó để khao làng; một năm làng chỉ mở cửa rừng hai lần vào dịp cúng rừng và cuối năm để mọi ngươi vào lấy củi, còn khai thác gỗ phải được sự đồng ý của làng...Các qui định trong các bản hương ước của người Dao đối với rừng cấm, rừng thiêng rất chặt chẽ. Hàng năm, vào dịp làng tổ chức lễ cúng rừng, chủ rừng sẽ công bố danh sách những hộ gia đình vi phạm, mức phạt để làng nhắc nhở, đồng thời thông qua qui định bảo vệ rừng của làng trước sự chứng kiến của các vị thần linh. Các bản qui ước của người Dao trước đây chỉ là những qui định bất hành văn nhưng có sức lan tỏa, chi phối và điều chỉnh mạnh mẽ các mối quan hệ ứng xử của con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên, đặc biệt trong việc bảo vệ rừng.

Kết luận

Rừng cúng, rừng thiêng là hoạt động văn hóa gắn liền với tín ngưỡng dân gian của người Dao đối với rừng. Mỗi bản làng của người Dao ở vùng cao đều có những khu rừng cấm, rừng thiêng làm nơi thờ tự và tổ chức các hoạt động thờ cúng các vị thần linh của cộng đồng, nhất là khi đời sống kinh tế của người Dao còn gặp nhiều khó khăn, rừng cấm, rừng thiêng trở thành chỗ dựa vững chắc cả về mặt kinh tế lần tinh thần giúp cho con người vượt qua những khó khăn...Các nghi lễ thờ cúng liên quan đến rừng là nơi quy tụ và điều chỉnh và có sức ảnh ưởng rất lớn đến các mối quan hệ xã hội, hành vi ứng xử của người Dao đối với rừng. Thông qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách  nhiệm của người Dao đối với rừng. Từ thực tiễn cho thấy, những khu vực có người Dao sinh sống thì ở đó rừng được bảo vệ rất tốt. Trong giai đoạn hiện nay, khi diện tích rừng đang dần bị con người tàn phá, thu hẹp thì việc phát huy vai trò của rừng cấm, rừng thiêng gắn với bảo vệ rừng của người Dao là hết sức quan trọng, trong đó cần duy trì, và phá huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của rừng cấm, rừng thiêng; duy trì các hương ước, qui ước, nghi lễ cúng rừng, tạo sự đoàn kết, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng ở vùng người người Dao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 (1)Nhiều tác giả (1999), Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam, Nxb, Văn hóa dân tộc, H.

(2)Phạm Công Hoan, Hùng Đình Quý chủ biên (1999), Văn hóa truyền thống của người Dao ở Hà Giang, Nxb. Văn hóa dân tộc, H.

(3)Trần Hữu Sơn (2009), Sách cổ của người Dao, Nxb,  Văn hóa dân tộc, H.

(5)Trần Hữu Sơn (1997), Văn hóa dân gian Lào Cai, Nxb, Văn hóa dân tộc, H.

Nguồn: Bùi Duy Chiến


[1] Trần Hữu Sơn – Nghiên cứu người Dao ở Việt Nam

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch