Phong trào TDĐKXDĐSVH

Kết quả thực hiện phong trào "TDĐKXDĐSVH" trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2015

13 Tháng Ba 2018

Trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào 12/12 huyện, thành phố; 204 xã, phường, thị trấn và trên 3.000 Ban vận động của các tổ, bản, tiểu khu đã thường xuyên được kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Hàng năm, Ban Chỉ đạo các cấp đều xây dựng kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai phong trào. Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức thành công Liên hoan, Hội thi, Hội diễn, Hội nghị biểu dương, Hội nghị sơ, tổng kết hàng năm và các giai đoạn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Biên tập và phát hành các tài liệu tuyên truyền về phong trào… Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về phong trào cho gần 1.000 lượt cán bộ thực hiện công tác phong trào ở cơ sở. Các cơ quan, ban ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh hàng năm đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào của mình, tích cực triển khai tới cán bộ, công nhân viên chức theo ngành dọc. Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố bám sát nội dung, chương trình chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương về kế hoạch, chương trình hoạt động; gắn nội dung phong trào với Nghị quyết của cấp ủy; tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu danh hiệu văn hóa hàng năm.

Đ/c Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh Sơn La giai đoạn (2011-2015)

Ban chỉ đạo phong trào các cấp đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền phong phú tiêu biểu như: phát hành Bản tin chuyên đề; áp phích tiêu chuẩn công nhận Bản, Tổ dân phố văn hoá, Gia đình văn hóa, Sổ ghi danh hiệu văn hóa; tài liệu nghiệp vụ phong trào thông qua các buổi tuyên truyền của Đội thông tin lưu động, các đội văn nghệ quần chúng, các Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng các tiếng dân tộc như: Tiếng Mông, tiếng Thái và tiếng phổ thông…Trong 5 năm, đã có trên 1.000 lượt tin, bài, ảnh được đăng trên 3 ấn phẩm của báo Sơn La; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cũng phát sóng gần 1.000 tin, bài, gương người tốt việc tốt và trên 100 phóng sự chuyên đề về phong trào TDĐKXDĐSVH; biên dịch 630 tin, bài tiếng Thái và 500 tin, bài tiếng Mông về nội dung và những hoạt động triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH…

5 nội dung của phong trào thường xuyên được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng, góp phần phát huy được dân chủ ở cơ sở, đồng thời nâng cao vai trò tự quản ở cộng đồng dân cư. Hoạt động của tổ chức Đảng, Chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. xây dựng được 3.170 tổ an ninh nhân dân; 17.700 nhóm liên gia tự quản; 3.297 tổ hoà giải; 204 Ban thanh tra nhân dân; 204 Ban giám sát đầu tư cộng đồng cấp xã, phường. Nhân dân huy động được vốn tạo lập quỹ để các hộ gia đình vay phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 36.150 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. BCĐ phong trào các cấp tích cực vận động nhân dân nhường đất, góp công, góp của xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao như: Nhà văn hóa, sân bóng, nhà trẻ (mẫu giáo), đường làng ngõ xóm được bê tông hóa. Tính đến nay, tổng số Nhà văn hóa cấp xã trong toàn tỉnh là 180/204 xã; cấp tổ, bản là 1.961/3.296.

Cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa, bản tổ dân phố văn hóa, đơn vị văn hóa được tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Việc chỉ đạo bình xét các danh hiệu văn hóa thường xuyên được đổi mới. Quy trình bình xét đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ và bình đẳng. Các danh hiệu văn hóa ngày một tăng, chất lượng phong trào ngày càng được chú trọng và nâng cao. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 163.003 hộ Gia đình văn hóa, 1.085 bản, tổ dân phố văn hóa; 1.913 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng cũng có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ 25%, Số hộ gia đình thể thao 20%; 470 câu lạc bộ thể thao đã và đang hoạt động có hiệu quả; 85% trường học thực hiện giáo dục thể chất nề nếp; Phong trào chiến sỹ khoẻ đạt tỷ lệ 95%.

Hàng năm có 100% Khu dân cư tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc". Toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 2.150 gia đình chính sách nghèo cải thiện nhà ở với số tiền gần 86 tỷ đồng; trao tặng 455 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách trị giá 233,6 triệu đồng...

Các tiêu chí xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” được tuyên truyền sâu rộng tới cơ sở. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” theo đó thu được nhiều kết quả. Đám cưới, đám tang đã bỏ thuốc lá; bỏ các thủ tục rườm rà; các đám chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Hoạt động tổ chức lễ hội được quản lý khá chặt chẽ, vấn đề vệ sinh môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong lễ hội, ANTT được quan tâm đúng mức.

Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào các cấp đã kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, góp phần cổ vũ, động viên và nhân rộng các điểm hình về phong trào trên địa bàn tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được, Ban chỉ đạo phong trào các cấp của tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2020 đạt các mục tiêu:

Gia đình văn hóa tăng từ 1-1,5%/năm; Bản, tổ dân phố văn hóa tăng 2%/năm; đơn vị văn hóa tăng 1-2%/năm; số người tập luyện TDTT thường xuyên 31%;  số câu lạc bộ thể thao 1.000; hộ Gia đình thể thao 24%; 100% trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất có nề nếp; 100% bản,  tiểu khu, tổ dân phố xây dựng được quy ước, hương ước; 100% các bản văn hóa có nhà văn hóa, tủ sách và các thiết chế văn hóa thể dục thể thao khác; 100% khu dân cư được cấp kinh phí hoạt động với mức từ 5 - 10 triệu đồng/khu dân cư; mỗi huyện, thành phố xây dựng hoàn chỉnh 2 mô hình “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; biên tập và xuất bản 20 số thông tin chuyên đề về phong trào, xây dựng 5 phim truyền hình về gương người tốt việc tốt, tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến. đồng thời phát hành tới các bản, khu phố trong toàn tỉnh để tuyên truyền; xuất bản các đầu sách, những văn bản pháp quy về phong trào; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, chuyên viên theo dõi phong trào, cán bộ chuyên trách văn hoá xã hội các xã, phường. Phấn đấu 100% Ban vận động các bản, tổ dân phố được tập huấn nghiệp vụ; tổ chức Liên hoan bản, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu; Liên hoan Cơ quan, đơn vị văn hóa tiêu biểu, Hội nghị biểu dương Gia đình văn hóa tiêu biểu các cấp 3 năm một lần; 90% Nhà văn hóa có trang thiết bị bên trong đáp ứng được các yêu cầu hoạt động; 100% huyện, thành phố, ngành, đơn vị, xã, phường, thị trấn, bản, khu phố quy hoạch đất cho các điểm hoạt động văn hóa - thể thao, từng bước khai thác có hiệu quả; duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của 3.250 đội văn nghệ quần chúng.

                           Quàng Liên (Nguồn: Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa) 

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch