Tin tức

Thành phố Hồ Chí Minh: Lễ Kỳ Yên trên địa bàn huyện Bình Chánh

01 Tháng Tám 2023

Theo tín ngưỡng của người dân Việt Nam nói chung, người dân Nam Bộ nói riêng, thường có tục thờ thần. Hầu như mỗi vùng đất đều có một vị thần Thành Hoàng - người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất đó. Thần Thành Hoàng là vị thần được tôn thờ chính trong đình làng Việt Nam.Vào dịp đầu năm mới, tùy theo phong tục từng địa phương mà người dân trong vùng sẽ tổ chức lễ cúng (cúng đình) hay còn gọi là Lễ Kỳ Yên (tức Lễ Cầu an).

Theo lời các cụ cao niên, trên địa bàn huyện Bình Chánh, hằng năm, từ giữa tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, hầu hết các đình, miếu đều diễn ra Lễ Kỳ Yên (Lễ Cầu an). Đây không chỉ là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân giàu nước mạnh, mà còn là một ngày hội tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân từ bao đời nay. Lễ Kỳ Yên được tổ chức rất trang trọng, thu hút đông đảo Nhân dân quanh vùng về tham dự. Lễ Kỳ Yên là nghi lễ cầu cho “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”.

Phần lễ: Tùy theo phong tục mỗi nơi mà lễ này sẽ được ấn định về thời gian, thứ tự và chi tiết. Tuy nhiên, thường thì các Lễ Kỳ Yên phải được tiến hành trang trọng tại một ngôi đình, đền, miếu… gồm các nghi thức rước sắc thần về đình; dâng hương, dâng rượu, dâng trà, đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần Thành Hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, thần Nông, thần Hổ, ông Nam Hải, bà Ngũ Hành… đã phù hộ cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ở Lễ Kỳ Yên, phần lễ rất quan trọng và được tổ chức trang nghiêm. Những người đứng ra tế lễ hoặc tham gia vào nghi thức tế lễ thường là những bậc cao niên, người có chức sắc, hoặc có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Phần hội là sinh hoạt văn hoá tạo nên nét đặc sắc của các Lễ Cầu an cũng phải kể đến phần hội. Trước đây, Lễ Kỳ Yên cũng là dịp để mọi người thi thố tài nghệ, sự khéo léo thông qua các vật phẩm cúng tế, trưng bày được kết bằng hoa quả, cây lá, sản vật địa phương; trưng bày giới thiệu loại trái cây đầu mùa; tổ chức đua ghe, đua xuồng, triển lãm gia súc, gia cầm, hát bội, hát tuồng, múa lân, các trò chơi dân gian… Hiện nay, phần hội trong ngày Lễ Kỳ Yên chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, có chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân đến xem và cổ vũ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Chánh có một số đình được Công nhận di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố, như: Đình Phú Lạc, Đình Bình Trường, Di tích lịch sử Đình Tân Túc. Hằng năm, các nơi này hầu hết đều tổ chức Lễ Kỳ Yên rất trang trọng, thu hút đông đảo Nhân dân quanh vùng về tham dự./.

Phòng Văn hoá, Thông tin huyện Bình Chánh

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch