Tối 26.12 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền năm 2021 đã khép lại với chương trình bế mạc và công diễn các tiết mục xuất sắc. Hội diễn do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo; Cục Văn hóa cơ sở và Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện. Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện các đoàn nghệ thuật quần chúng.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và hoa cho Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng
Với sự tham gia hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 23 đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước; hội diễn là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, bảo tồn những giá trị tinh hoa của các loại hình văn hóa nghệ thuật qua những làn điệu dân ca, ca dao, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống của các vùng miền gắn với đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng trao Huy chương Vàng Chương trình cho các đơn vị xuất sắc
Đồng thời, đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, cán bộ làm công tác văn hóa văn nghệ trên cả nước được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở; góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị âm nhạc dân tộc truyền thống trên khắp mọi miền đất nước.
Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở và ông Trần Thanh Hoài, PGĐ Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng trao Huy chương Vàng cho các tiết mục xuất sắc
Nhìn lại chặng đường đã qua của Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền, tại buổi lễ, 10 tiết mục xuất sắc đã được lựa chọn công diễn: Mẹ và lời ru (Trung tâm Văn hóa Thành phố Cần Thơ); 11 cô gái sông Hương (Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế); Hát chèo: Nhớ về Hải Dương (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương); Múa Lúa trời (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang),Tình quê (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi), Pơ Toi Erih nao- Lễ bỏ mả (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum); Múa Hồn quê (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh); Diễn xướng dân gian Sắc bùa Phú Lễ “Đẩy lùi Covid người ơi” (Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bến Tre);Chuyện tình Dung Lang (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng); Dro’h P’nu- Những chàng trai cô gái (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng).
Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở và ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng trao Huy chương Bạc Chương trình cho các đơn vị
Những làn điệu dân ca đặc sắc đại diện cho các vùng miền, với những giai điệu, lời ca tiếng đàn thấm đượm bản sắc tâm hồn Việt, cốt cách Việt đã mang đến nhiều cảm xúc và niềm tự hào cho người xem.
Phát biểu tổng kết Hội diễn, ông Nguyễn Công Trung (Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, Trưởng BGK) chia sẻ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn lại mở ra cơ hội để chúng ta tìm cách thích ứng. Việc tổ chức Hội diễn qua hình thức băng đĩa hình trong thời điểm giãn cách xã hội là một minh chứng cho những nỗ lực và quyết tâm nhằm lưu giữ hồn cốt dân tộc.
Tiết mục của Đoàn Cần Thơ
“Với gần 130 tác phẩm dự thi, qua tài năng trình diễn của 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 23 đơn vị tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực sự là những đóa hoa nhiều hương sắc, được kiến tạo trước hết bắt nguồn từ sự xúc động sâu sắc, những suy cảm tinh tế không chỉ cùa người trình diễn mà trong sâu thẳm tâm hồn chứa đựng lòng tri ân không giới hạn với người nông dân cần cù chịu khó, một nắng hai sương, bám sát ruộng đồng, ngày đêm làm ra hạt lúa củ khoai nuôi dưỡng gần 100 triệu con dân đất Việt…”, ông Nguyễn Công Trung phát biểu.
Hương sắc của Huế
Chúc mừng công sức, nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đã tham gia biểu diễn, cống hiến hết mình để có những chương trình hay, những tiết mục đặc sắc, ông Trung khẳng định, thành công của hội diễn chính là sự thích ứng với mọi hoàn cảnh. Thánh đường nghệ thuật giờ đây không còn bó hẹp bởi mấy chục mét vuông sân khấu mà còn được trợ giúp bằng một phương tiện khác là ghi âm, ghi hình, một thành tựu công nghệ 4.0. Đây chưa phải là cách làm hay nhất nhưng chắc chắn là cách làm phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại.
Tiết mục của đoàn Quảng Ngãi
“Mỗi một tiết mục được trình diễn dù bằng hình thức nào, sự thành công đến đâu, sức lay động trái tim người nghe ra sao…, thì dường như cả người biểu diễn người thưởng thức đều có chung cảm nhận: Chúng ta đang chìm đắm trong một không gian đầy ắp vẻ đẹp của nghệ thuật hát, múa, phong phú và đa dạng, chan hòa tính nồng ấm của người nông dân Việt Nam thủy chung son sắt, đằm thắm tình người, thấu đậm triết lý: ăn quả nhớ kẻ trồng cây…”, trưởng BGK nhận định.
Âm hưởng của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ qua tiết mục của đoàn Kon Tum
BTC đã trao 9 Huy chương Vàng cho chương trình tham dự hội diễn của 9 đơn vị tỉnh, thành gồm: An Giang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định; 14 Huy chương Bạc cho chương trình tham dự liên hoan đến từ các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Bến Tre, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.
Ngoài ra, BTC cũng trao các Huy chương Vàng, Bạc cho 69 tiết mục xuất sắc; trong đó gồm 23 Huy chương Vàng, 46 Huy chương Bạc.
HƯƠNG ANH