Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam

Phát huy vai trò hương ước, quy ước cộng đồng trong việc hình thành các chuẩn mực, quy tắc đạo đức mới

22 Tháng Ba 2021

Hương ước, quy ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Từ những đặc điểm, cấu trúc, chức năng đã nêu trên, có thể nói, thực chất của xây dựng đạo đức, lối sống là giải quyết các mối quan hệ xã hội theo một chuẩn mực hay tiêu chí đặt ra, tùy thuộc từng xã hội, gắn với các điều kiện về kinh tế, tổ chức xã hội, nhà nước, hệ tư tưởng, văn hóa… của từng cộng đồng cư dân ở mỗi thời kỳ lịch sử. Cách đặt vấn đề trên là cơ sở để xem xét mối quan hệ giữa hương ước, quy ước với việc xây dựng lối sống, đạo đức trong giai đoạn hiện nay.

Đạo đức, lối sống thuộc những lĩnh vực tinh thần, phản ánh hiện thực của xã hội, tồn tại và phát triển cùng xã hội. Đạo đức, lối sống có nguồn gốc từ việc nhận thức về các quan hệ xã hội và thái độ ứng xử với các quan hệ đó. Đạo đức, lối sống có chức năng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong đời sống. Tuy nhiên, để đạo đức đảm đương được vai trò điều chỉnh đó, cần thiết phải có một công cụ trung gian để làm chuẩn đối sánh. Công cụ đó là hương ước, quy ước. Đạo đức, lối sống thể hiện trong hương ước, quy ước được cụ thể hóa ở các điều khoản về nhiều khía cạnh:

- Những quy tắc ứng xử giữa con người với con người, đó chính là việc giải quyết tốt mối quan hệ từ trong gia đình (quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, anh chị em), dòng tộc (quan hệ giữa vai trên vai dưới, chi trên chi dưới) ra ngoài làng (quan hệ láng giềng, nam nữ, lứa tuổi, các vị thế xã hội khác nhau)…

- Đề cao đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày; đề cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, gắn kết cá nhân với cộng đồng.

- Thực hành các phong tục tập quán; giữ gìn thuần phong mỹ tục.

Ngày nay, những giá trị tích cực đó vẫn tiếp tục được “gạn đục khơi trong”, phát huy trong mọi mặt của đời sống, thông qua việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở các cộng đồng dân cư.

Các quy tắc, chuẩn mực đạo đức luôn phụ thuộc vào môi trường, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ nhận thức để sàng lọc, lựa chọn, gìn giữ những giá trị tốt đẹp, loại bỏ những quy tắc không còn phù hợp và hình thành những quy tắc mới. Hương ước, quy ước là hệ thống các quy tắc về chuẩn mực đạo đức được cộng đồng thừa nhận, trở thành thiết chế xã hội điều chỉnh các hành vi, mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, lấy đó làm chuẩn mực đạo đức của cộng đồng. Các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của người Việt được thể hiện trong hương ước, quy ước thông qua các điều khoản.

Trong bối cảnh hiện nay, đặt ra yêu cầu mỗi người phải năng động, sáng tạo hơn để thích ứng với hoàn cảnh; phải trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống văn minh. Hương ước, quy ước cũng đã bắt nhịp với yêu cầu này và luôn có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Các quy tắc, chuẩn mực đạo đức truyền thống không còn phù hợp được sửa đổi; các quy tắc chuẩn mực đạo đức mới được hình thành và đưa vào hương ước, quy ước để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng.

Các quy tắc, chuẩn mực đạo đức mới trong hương ước, quy ước được thể hiện rõ nhất từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tiêu biểu là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được hưởng ứng và đồng thuận thực hiện ở các tầng lớp nhân dân. Vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống được phát huy. Nội dung xây dựng trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của các bản hương ước xưa, đồng thời bổ sung những quy tắc, chuẩn mực mới vào hương ước, quy ước cho phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều quy tắc, chuẩn mực đạo đức mới được hình thành, cụ thể:

- Một số quy tắc, chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã có sự thay đổi. Trước đây, mỗi gia đình đều có những gia quy để điều chỉnh các thành viên trong gia đình từ việc đi lại, ăn ở, nói năng sao cho phải phép, kính trên nhường dưới... Tư tưởng trọng nam, khinh nữ luôn chi phối các giá trị trong gia đình, người nam giới luôn là người chủ gia đình, vai trò của người phụ nữ bị đánh giá rất thấp, đặc biệt phụ nữ không được tham gia vào các việc lớn của gia đình. Đến nay, các quan niệm này đã có sự thay đổi, được đưa vào hương ước, quy ước mới của cộng đồng, vợ chồng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, cùng chung trách nhiệm xây dựng gia đình, chăm sóc con cháu. Ví dụ: Quy ước xây dựng đời sống văn hóa Ấp 3, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức quy định:“Trong gia đình thực hiện bình đẳng giới, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau nuôi dạy con cháu chăm ngoan học tốt, không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình; có trách nhiệm xây dựng gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa”. Bên cạnh đó, một số tập quán trong cuộc sống, việc cưới xin, ma chay cũng có thay đổi. Trước kia việc dựng vợ, gả chồng cho con cái hoàn toàn do bố mẹ quyết định, hay tục thách cưới, ở rể ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lễ cưới tổ chức kéo dài trong nhiều ngày… thì nay cũng đã thay đổi. Hay trong lễ tang trước kia con cái phải lăn đường để tỏ lòng hiếu thảo, lễ tang tổ chức kéo dài thì nay tổ chức tang lễ văn minh hơn, đảm bảo trang trọng, thành kính, chấp hành tốt các quy định về nếp sống văn hóa, loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

- Một số quy tắc, chuẩn mực trong quan hệ cộng đồng ở các làng quê đã thay đổi. Bên cạnh việc duy trì nền nếp, phong tục tập quán truyền thống, gia đình phải yên ấm, hạnh phúc, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước của làng... Nhiều chuẩn mực đạo đức mới được hình thành như: đạo đức trong kinh doanh, trong việc bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông... Các thành viên trong cộng đồng không chỉ đoàn kết mà còn phải giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hương ước xây dựng làng văn hóa Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2013 quy định  “Mọi người dân và gia đình phải tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để tiến tới không có hộ đói, không còn nhà tạm và giảm tỷ lệ hộ nghèo...”. Trong tổ chức cưới, tang không phô trương, hình thức, gây lãng phí; việc kết hôn đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không còn hiện tượng cưỡng hôn hay tảo hôn, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba. Đặc biệt, trẻ em trong độ tuổi đến trường được học tập đầy đủ; hăng hái trong việc khuyến khích con cháu chăm học, chăm làm, tôn trọng ông bà, cha mẹ.

Hương ước, quy ước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng kỷ cương phép nước, phát huy dân chủ ở cơ sở, hình thành các chuẩn mục đạo đức mới, phù hợp nhu cầu xã hội đương đại. Tuy nhiên để hương ước, quy ước phát huy dân chủ ở cơ sở, hình các chuẩn mực đạo đức mới các hương ước, quy ước cần xây dựng tinh thần tự giác trong thực thi pháp luật, không nên đưa hoặc trích dẫn các quy định của pháp luật vào nội dung hương ước, quy ước, không mang tính áp đặt. Vậy, để phát huy cao nhất vai trò hương ước, quy ước trong việc hình thành các chuẩn mục đạo đức mới, phù hợp nhu cầu xã hội đương đại khi, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cần lưu ý nguyên tắc sau: 1) Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư. 2) Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư. 3) Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư. 4) Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới. 5) Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất./.

Thảo Nguyên

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch