Hướng dẫn nghiệp vụ

Lễ hội Đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

02 Tháng Mười Một 2018

Đền Lảnh Giang tọa lạc trên một khu đất rộng, nằm bên bờ hữu ngạn sông Hồng thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam[1]. Đền Lảnh Giang có tên chữ là Lãnh Giang linh từ. Đền thờ ba vị tướng thời Hùng Vương  và phối thờ vợ chồng công chúa Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Theo truyền thuyết, sau khi sinh ra bọc trứng nàng Quý mang bỏ ở cửa sông, khi thoát được ra ngoài, vị thần rắn thứ ba đã về trang Hoa Giám ở với nàng Quý. Ở đây, vị thánh này hiển linh nên được nhân dân phụng thờ. Điều này có nghĩa là vị tướng thứ 3 khi được sinh ra đã về vùng đất Yên Lạc sinh sống và được nhân dân tôn thờ - Quan Lớn Đệ Tam. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, năm 1996, đền Lảnh Giang được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp Quốc gia.

Lễ hội đền Lảnh Giang được tổ chức 2 kỳ trong một năm, tháng Sáu và Tháng Tám âm lịch. Lễ hội đền Lảnh Giang nhằm tôn vinh công lao của ba vị thủy thần phò tá Vua Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục, giữ yên bờ cõi Văn Lang và vợ chồng công chúa Tiên Dung, Chử Đồng Tử - một trong tứ bất tử của người Việt được nhân dân tôn vinh trong lễ hội chính là biểu tượng cho sức mạnh khai phá đầm lầy, bảo trợ cho ngư nghiệp và nông nghiệp của vùng hạ châu thổ sông Hồng. Các kỳ diễn ra lễ hội là thời kỳ cao điểm của con nước sông Hồng, đe dọa ngập lụt, mất mùa nên nhân dân tổ chức lễ hội để cúng tế, cầu mong thủy thần giúp dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Vì thế, lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân trồng lúa nước vùng châu thổ sông Hồng với những nghi lễ như lễ cáo yết, lễ rước nước, lễ rước kiệu, lễ tế, bơi chải... Mặt khác, với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, các vị thủy thần được thờ tại đền Lảnh Giang đã được hội nhập vào hệ thống thần điện của tín ngưỡng này với tư cách là các vị Quan lớn, mà cụ thể ở đây là Quan Lớn Đệ Tam. Chính điều này đã làm nên nét đặc sắc riêng của lễ hội đền Lảnh Giang.

Các nghi lễ trong lễ hội đền Lảnh Giang là sự tái hiện các lớp trầm tích văn hóa, là sự kế thừa và phát huy giá trị của tín ngưỡng cư dân vùng hạ châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.

Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia lễ hội tháng Sáu dành cho khách thập phương, lễ hội tháng Tám là lễ hội chính. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phục vụ khách thập phương, từ năm 1996 chính quyền và nhân dân nơi đây đã quyết định chuyển các nghi thức cổ truyền của lễ hội tháng Tám sang lễ hội tháng Sáu, lễ hội tháng Tám nhân dân chỉ làm lễ dâng hương, tế tạ.

Lễ hội tháng Sáu được tổ chức với quy mô lớn, nghi lễ trang trọng. Trải theo thời gian, sau những lần biến đổi về thời gian tổ chức, những giá trị về lịch sử, văn hóa của lễ hội vẫn được nhân dân lưu giữ, bảo tồn và phát huy tốt trong đời sống đương đại.

Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 6 tháng Sáu âm lịch hàng năm với các nghi lễ: lễ cáo yết, lễ rước nước, lễ rước kiệu, lễ tế và lễ tạ. Không gian lễ hội mở rộng từ đền Lảnh, đền Vua và đền Cô Tam Giang. Mở đầu cho chuỗi các hoạt động là nghi Lễ cáo yết được thực hiện vào ngày  30/5 âm lịch, mục đích mời và xin thần linh cho mở hội, đồng thời phù trợ cho dân làng tổ chức lễ hội được yên vui, thuận lợi, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Lễ hội chính được diễn ra vào ngày mùng 1 tháng Sáu âm lịch bắt đầu với nghi Lễ rước nước. Đội hình đoàn rước như sau: Đi đầu là đội múa rồng và kỳ lân, tiếp đến đội bát âm, múa sênh tiền, đội bát bửu, tàn, lọng, kiệu rước nước do 8 cô gái khiêng, kiệu Quan Lớn do nam giới đảm nhiệm, trống, đội tế nam, cuối cùng là dân làng Yên Lạc và du khách thập phương. Đoàn rước xuất phát từ đền Lảnh Giang, ra bờ sông đoàn làm lễ tế Long Vương xin Long Vương cấp nước về thờ tại đền. Lễ xong, đoàn rước xuống thuyền ra giữa dòng lấy nước. Thuyền đến giữa dòng thì dừng lại, một vòng tròn được trang trí 3 màu tượng trưng cho ba vị thần được đưa xuống mặt nước, thủ nhang lấy gáo dừa thếp vàng múc nước vào 2 chóe, tay múc nước miệng khấn xin cấp nước. Khi đầy 2 chóe nước, đoàn thuyền đi vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh nơi múc nước một vòng rồi mới trở về bến sông, đoàn rước đưa nước về đền Lảnh Giang để thờ.

Ngày mùng 2, từ sáng sớm, nhân dân tổ chức rước kiệu từ đền Lảnh vào đền Mẫu để rước chân nhang Mẫu thân của Tiên Dung là Nhân Từ Hoàng Hậu về đền dự hội. Đội hình đoàn rước: đi đầu là đội múa rồng, đội cờ hội, đội trống sấm, đội chiêng, đội nhạc, kiệu cỗ, đội mang lễ vật, kiệu song hành, đội múa sênh tiền, đội kèn rước, đội trống rước nữ, đội khiêng kiệu Mẫu, đội đồng chầu Cô, đội dâng hương, đội trống nam, kiệu long đình, đội rước cờ hội, đội rước lọng, tán, tàn..., đội đồng Quan Lớn, đội kiệu bát cống, đội rước bát bửu, đội tế và cuối cùng là nhân dân và du khách thập phương...

Sau khi nghi thức rước nước và rước Mẫu về đền, nghi thức tế lễ được bắt đầu[2].  Lễ tế diễn ra vào mùng 3 tháng Sáu, gồm: sơ hiến lễ, á hiến lễ, chung hiến lễ và lễ tất. Ngày mùng 4 tháng 6 âm lịch được coi là ngày kết thúc lễ hội, nhưng đối với người dân thôn Yên Lạc và khách thập phương, thì đây là thời điểm mở đầu cho các nghi lễ hầu thánh. Trong số ngôi đền, điện thờ Mẫu ở Hà Nam thì đền Lảnh được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ thu hút đông đảo các thanh đồng đến từ khắp nơi trên cả nước như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...điều này tạo nên diện mạo văn hóa tín ngưỡng đặc sắc cho lễ hội đền lảnh Giang.

Ngoài các nghi thức tế lễ, người dân còn tổ chức các trò chơi dân gian để cộng đồng cùng tham gia như: đi cầu khỉ, trò bắt vịt dưới ao, trò đẩy gậy…

Lễ hội đền Lảnh Giang là lễ hội tiêu biểu mang bản sắc văn hóa của người Việt vùng hạ châu thổ sông Hồng. Lễ hội đền Lảnh Giang là sự tích hợp các lớp văn hóa sớm muộn trong diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Trước tiên là tục thờ thủy thần của cư dân ven sông Hồng, sau đó là tín ngưỡng thờ Tiên Dung - Chử Đồng Tử và sự cung đình hóa, lịch sử hóa, mẫu thân của công chúa Tiên Dung dưới thời Lê Thánh Tông. Vào khoảng thế kỷ 17, 18 tín ngưỡng thờ thủy thần lại được hội nhập vào thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu để xây dựng nên hình tượng Quan lớn đệ Tam (Quan lớn đền Lảnh).

Ngày nay, rất đông khách thập phương đến lễ và tham quan đền Lảnh. Ngoài 2 kỳ hội chính, du khách gần xa vẫn tìm về đây cầu tài, cầu lộc. Phương ngôn có câu Trăm cảnh, nghìn cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây là để nói đến sức hấp dẫn của một di tích mà vị trí, cảnh quan, sự tích và lễ hội đều đáp ứng nhu cầu tâm linh của người về hành lễ./.

Nguồn: Sở VHTTDL Hà Nam

 


[1] Xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có 5 thôn: Yên Lạc, Đô Quan, Lảnh Trì, Nha Xá và Yên Ninh. Xã nằm về phía đông bắc của huyện Duy Tiên, phía Bắc giáp xã Mộc Bắc, phía Nam giáp xã Chuyên Ngoại, phía Đông là sông Hồng, phía Tây giáp xã Châu Giang. Mộc Nam nằm trên trục đường đê Đại Hà và sông Hồng dài gần 3 ki-lô-mét nối liền tỉnh Nam Định và thủ đô Hà Nội. Về đường bộ, Mộc Nam nằm gần đường quốc lộ 38A thông thương với quốc lộ 1A là con đường huyết mạch của cả nước. Suốt các thời Lý - Trần, Lê - Mạc, Lê - Trịnh, trấn ty của Sơn Nam được đặt tại Hà Nam (lúc đó thuộc phủ Lý Nhân). Đây là một lỵ sở quan trọng của vùng Sơn Nam, nó trấn giữ con đường huyết mạch của Đại Việt xuống phía nam, đặc biệt khi Phố Hiến bắt đầu hưng thịnh (thế kỉ XVII). Địa danh Yên Lạc với cầu Yên Lệnh bắc qua sông Hồng sang Kim Động (Hưng Yên) đã nhắc nhở về sự tồn tại của tuyến đường thủy thông thương buôn bán trên vùng sông Xích Đằng - Đằng Châu (đoạn sông Hồng ở Hưng Yên). Với vị thế địa văn hóa như vậy, vùng đất này có một vị trí chiến lược về mặt kinh tế, chính trị, quân sự trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

[2] Theo lệ cũ, chỉ có các cụ bô lão của thôn Yên Lạc mới được phép tế thánh. Đây là tục lệ được duy trì từ khi có hội.

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch