Hướng dẫn nghiệp vụ

Việc thực hiện chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

08 Tháng Năm 2024

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và nhà nước luôn coi trọng vai trò của văn hóa. Từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 xác định “đầu tư cho thể dục thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước” và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế”.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế và khoa học công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa, thể thao, mang đến những cơ hội cũng như thách thức. Văn hóa, thể thao không chỉ là động lực gián tiếp mà còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế với những thành tựu nổi bật trong công nghiệp văn hóa, dịch vụ thể thao,... Các thiết chế văn hóa, thể thao nơi tổ chức các hoạt động, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng và của đất nước, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã hình thành nền tảng pháp lý tương đối toàn diện và hệ thống góp phần phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.  Nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030  Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020định hướng đến năm 2030, trong đó thể hiện khá đầy đủ, toàn diện về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói chung và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nói riêng theo trung hạn và dài hạn[1]. Đến nay, đã nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, công trình thi đấu, luyện tập thể thao[2]... có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại ở các tỉnh/thành phố và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị và cơ bản đáp ứng nhu cầu về văn hóa, thể thao của Nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã từng bước được hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu luyện tập, biểu diễn và tổ chức hoạt động; chính sách đối với nguồn nhân lực được quan tâm, kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, cụ thể:

- Các Nghị quyết của Đảng hiện nay về phát triển văn hóa, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (Luật Thư viện, Luật Thể dục thể thao, Luật Di sản văn hóa…) đều có quy định về việc dành quỹ đất để xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ người dân ở cơ sở. Tuy nhiên, đa số các lĩnh vực của văn hóa, thể thao và du lịch chưa phải là ngành được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Do đó việc triển khai các chính sách ưu đãi trong các Luật trên còn gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nên cần được nghiên cứu để có những quy định ưu đãi cụ thể hơn trong dự thảo Luật Đất đai, nhằm bảo đảm tính khả thi của các chính sách ưu đãi trong pháp luật chuyên ngành.

- Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều địa phương trong cả nước đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất các đơn vị tương đồng vào Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp huyện, tuy nhiên việc sáp nhập vẫn còn mang tính cào bằng, cơ học.

- Một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở không thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp công (cấp xã, thôn) nên không áp dụng được theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 69/2008/NĐCP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, việc thực hiện xã hội hóa đối với các thiết chế này được thực hiện theo hướng cho thuê, liên doanh, liên kết.

- Mặc dù có nhiều chính sách được ban hành, tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, đã bộc lộ một số hạn chế: đầu tư cho phát triển thiết chế văn hoá, thể thao bị trùng lặp, chồng chéo tại nhiều đề án, chương trình nhưng không tạo được tổng hợp lực từ các nguồn đầu tư để tạo động lực phát triển với những chuyển biến cơ bản, có tính đột phá; cơ chế quản lý tài chính của mỗi chương trình, đề án dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi; bên cạnh đó, các chính sách về quy hoạch, về đầu tư cơ sở vật chất-kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực lực, quản lý và sử dụng các thiết chế còn nhiều bất cập.

- Hiện nay Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ và Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, không có cơ sở xác định địa vị pháp lý của Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã, nên Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã không có căn cứ xây dựng tạo nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ văn hóa-thể thao, hội phí sinh hoạt các câu lạc bộ, nhóm sở thích và thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa-thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn xã theo quy định. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì thì số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã bị cắt giảm, giao tăng nhiệm vụ cho công chức văn hóa xã hội, việc này dẫn đến tình trạng quá tải cho công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, do đó, nhân sự quản lý và vận hành Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã đã thiếu ngày càng thiếu.

- Về số lượng người làm việc tại thiết chế văn hóa, thể thao Công đoàn, hiện nay, một nửa số lượng thiết chế văn hóa, thể thao Công đoàn cấp tỉnh, các thiết chế văn hóa, thể thao Công đoàn cấp quận huyện không đủ số lượng 15 người làm việc. Tuy nhiện hiện nay, rất nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố không xin được tỉnh ủy, thành ủy phê duyệt đề án vị trí việc làm của thiết chế văn hóa, thể thao Công đoàn vì lý do: Tỉnh, thành phố không ra quyết định thành lập thiết chế văn hóa, thể thao Công đoàn; hoặc được phê duyệt biên chế viên chức nhưng chỉ được rất ít (có nơi được 03 biên chế).

- Hiệu lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa cao do chỉ có các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật khác cao hơn (Nghị định, Luật về tài chính, nhân sự…) nên đôi lúc chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương .

- Một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính ổn định, chủ yếu mang tính hướng dẫn, chưa thể chế hóa đầy đủ các chính sách cơ bản để phát triển văn hóa ở cơ sở. Một số văn bản ban hành sau thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện. Một số nội dung chưa được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật như về quản lý, tổ chức hoạt động của câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

(Thiết chế văn hóa, thể thao tại Công ty TNHH MTV SEDO VINKO Quảng Nam)

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là, về tuyên truyền, nâng cao nhận thức:

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, các tổ chức về vai trò, vị trí của thiết chế văn hóa, thể dục thể thao trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như việc phát triển văn hóa, thể thao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

- Đảm bảo ngân sách nhà nước cho công tác tuyên truyền trong chương trình mục tiêu quốc gia, huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác tuyên truyền. Tiếp tục trang bị và đầu tư các phương tiện tuyên truyền cần thiết cho việc triển khai các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan ở cơ sở, nắm bắt chủ trương kịp thời và đúng những quy định.

Hai là, về quản lý nhà nước:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với thiết chế văn hóa, thể thao. Xây dựng và ban hành các chế độ chính sách về tiền lương, chế độ thù lao, đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí hoạt động, chính sách về xã hội hóa,... Ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.

- Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù giao thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai... để một số thiết chế văn hoá, thể thao ở trung ương (Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu Liên hợp thể thao quốc gia...)

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế vận hành của các cấp, các ngành. Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đối với các loại hình hoạt động văn hóa, lễ hội, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, giữ vững ổn định tình hình tư tưởng, giữ vững môi trường văn hóa và thể thao ổn định, lành mạnh.

Ba là, về quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật:

- Quy hoạch và dành quỹ đất tại các địa điểm thuận lợi, ưu tiên các nguồn lực để xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện chuyên dùng; thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ; cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao hiện có.

- Xây dựng kế hoạch, giải pháp cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng công trình văn hóa, thể thao hiện đại ở các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa.

Bốn là, về rà soát quy hoạch, nguồn lực:

Xây dựng kế hoạch tuyển chọn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện các tiêu chuẩn, chức danh cho đội ngũ cán bộ văn hoá, thể thao. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn từ Trung ương đến cơ sở và tổ chức hoạt động thiết thực, sát với nhu cầu của người dân nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng của hệ thống thiết chế văn hóa, mục tiêu để người dân coi thiết chế văn hóa là địa chỉ thân thuộc và gắn bó.

Năm là, về đổi mới phương thức tổ chức, quản lý:

- Tập trung đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống tinh thần và nhu cầu người dân. Xây dựng các chương trình, tiết mục hoạt động phong phú phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi như người cao tuổi, trẻ em; đặc biệt là thu hút những người có tài năng nghệ thuật và có nghề làm cộng tác viên trong các hoạt động của thiết chế văn hoá, thể thao.

- Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động phong phú, chú trọng loại hình hoạt động thể dục, thể thao có liên kết với các tổ chức ngoài công lập, trường học, câu lạc bộ thể thao cơ sở để phục vụ đa dạng các tổ chức, cá nhân đến tập luyện, thi đấu tại các công trình thể dục, thể thao. Đa dạng hóa loại hình tổ chức tập luyện, thi đấu các môn thể thao, mở rộng chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân, phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc truyền thống, thể thao cho người khuyết tật, thể thao cho người cao tuổi, thể thao cho thanh, thiếu niên và trẻ em. Tổ chức nhiều loại hình hoạt động cộng đồng, phát triển các câu lạc bộ TDTT cơ sở để thu hút người dân tham gia hoạt động tại hệ thống công trình thể thao, trong đó chú trọng tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi các môn thể thao, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, các vùng, miền tạo điều kiện để người người dân tham gia hoạt động./.

Lê Anh Tuấn

 

[1] Đây là định hướng và cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, có nhiều bộ Luật[1], hơn 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch đã được ban có liên quan trực tiếp đến đầu tư, xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao.

[2] Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao trung ương gồm: Thư viện quốc gia, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng, Thiết chế Điện ảnh, Thiết chế Nhà hát (lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và Thiết chế thể thao. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc Ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý (thiết chế văn hóa, thể thao các cấp), gồm: Trung tâm Văn hoá cấp tỉnh, Trung tâm Văn hoá-Thể thao cấp huyện, Trung tâm Văn hoá-Thể thao cấp xã và Nhà văn hoá-Khu thể thao thôn; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (thiết chế văn hóa, thể thao Đoàn Thanh niên), gồm: Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi cấp tỉnh và Nhà thiếu nhi cấp huyện; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ công nhân, viên chức và người lao động (thiết chế văn hóa, thể thao Công đoàn), gồm: Cung, Nhà văn hoá lao động cấp tỉnh và Nhà văn hoá lao động cấp huyện.

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch