Sau 4 ngày thi diễn sôi nổi, tối 9/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Trà Vinh, hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” lần thứ XIX do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh tổ chức đã chính thức bế mạc.
Đông đảo nhân dân đã chứng kiến 14 chương trình nghệ thuật của đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các tỉnh, thành phố: An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Trường Đại học Cần Thơ, với gần 700 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công; 75 tiết mục tham gia trình diễn (41 tiết mục song ca, tam ca, tốp ca; 15 đơn ca; 14 tiết mục múa; 05 tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ) được các nhạc sĩ, biên đạo dàn dựng tâm huyết, sáng tạo.
Phát biểu tổng kết Hội diễn, Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết: Thành công của Hội diễn là trình diễn của các tiết mục tốp ca múa được dàn dựng công phu, hoành tráng trên sân khấu, cách hát khỏe, điêu luyện, tinh tế, uyển chuyển hát đúng với tính chất tác phẩm tạo ấn tượng tốt và cuốn hút người xem. như: Đất mẹ đồng bằng (đoàn An Giang); Liên khúc trầm tích Cửu Long - Bình Minh Cửu Long (đoàn Bến Tre); Mở cõi Phương Nam (đoàn Long An). Tình đất - tình người phương Nam (đoàn Trà Vinh)… Đây là những cố gắng của các đơn vị đầu tư công sức tập luyện, đạo cụ, trang phục, âm thanh, ánh sáng.
Hội diễn lần này còn phải kể đến đội ngũ diễn viên múa không chuyên hùng hậu. Các chương trình tham gia Hội diễn đều có tác phẩm múa độc lập phù hợp với đề tài, biên đạo dàn dựng tốt, diễn viên sáng tạo, tạo hình xúc động; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu giữa con người với thiên nhiên, ca ngợi thành phố quê hương với cuộc sống bình yên của người con đất phương Nam như: Tình người tỏa ngát Hương Sen (đoàn Đồng Tháp); Tình mẹ Phù Sa (đoàn Long An); Hồn quê (đoàn Kiên Giang); Trăm năm vị ngọt phù sa (đoàn Bạc Liêu); Nhịp sống thời đại (đoàn TP. Cần Thơ)…
Thành công của Hội diễn có sự xuất hiện nhiều giọng hát hay, khán giả được thưởng thức giọng hát rất nội lực, kỹ thuật thanh nhạc tốt, biểu diễn tự tin, nhiệt huyết, nồng cháy, sôi động, cuốn hút, như tiết mục: Trở về dòng sông tuổi thơ (biểu diễn Thương Nga tỉnh Long An); Huyền thoại cổ chiên (biểu diễn Xuân Yên tỉnh Vĩnh Long); Khát vọng một Trà Vinh (biểu diễn Quốc Vinh tỉnh Trà Vinh); Miền Tây tình đất tình người (biểu diễn Xuân Chúc tỉnh Bến Tre)…
Thành công của Hội diễn còn có sự góp mặt các Band nhạc của các Đoàn nghệ thuật quần chúng các tỉnh, thành phố. Đây là điều đáng mừng và đáng khích lệ đối với các đơn vị đã nỗ lực trong việc khôi phục các ban nhạc trong thời gian dài ít xuất hiện trong các Hội thi, Hội diễn văn nghệ quần chúng khu vực.
Một số mặt hạn chế trong xây dựng chương trình của các đoàn nghệ thuật quần chúng đó là, một số đội xử lý nhạc với chất lượng âm thanh chưa tốt; hòa âm cho ca khúc rất cần có điểm nhấn; nhiều tiết mục ca phần phát âm, nhả chữ không rõ…
Qua hội diễn, là dịp để các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công… giao lưu, học hỏi, phát triển chuyên môn trong dàn dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật, góp phần định hướng cho hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, định kỳ 02 năm/lần.
Bế mạc hội diễn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Bằng khen cho Sở VHTTDL và Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh tặng 14 bằng khen cho 14 đơn vị tham gia hội diễn. Ban Tổ chức trao 57 huy chương; trong đó, 05 Huy chương Vàng chương trình cho 05 đơn vị (An Giang, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh); 09 Huy chương Bạc chương trình cho 09 đơn vị (Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trường Đại học Cần Thơ); 28 Huy chương Bạc cho 28 tiết mục và 15 Huy chương Vàng cho 15 tiết mục./.