Ngày 28/6/2024, tại tỉnh Khánh Hoà, Cục Văn hoá cơ sở đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hoà tổ chức bế mạc Tập huấn nghiệp vụ đạo diễn sân khấu truyền thống.
Theo đó, chương trình tập huấn diễn ra từ ngày 25 đến ngày 28/6/2024, với sự tham gia của hơn 100 học viên là cán bộ làm công tác nghiệp vụ, cộng tác viên trong hệ thống Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thuộc các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã; hội viên Hội Văn học nghệ thuật và các diễn viên, đạo diễn của Đoàn nghệ thuật trên toàn quốc.
Tập huấn được tổ chức nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của những cán bộ làm công tác văn hoá tại các địa phương. Chương trình tập huấn được tổ chức với nhiều điểm nhấn, theo hướng mở, các chuyên đề được chuẩn bị công phu, phù hợp tập trung vào những nội dung như: Phương pháp sáng tạo kịch bản văn học cho các loại hình nghệ thuật sân khấu; phương pháp truyền tải kỹ năng biểu diễn cho diễn viên; kỹ năng đạo diễn tác phẩm cho các loại hình nghệ thuật sân khấu; sáng tạo trong làm việc nhóm. Qua đó, nâng cao chất lượng sáng tạo, đạo diễn và biểu diễn dàn dựng thực tế trên sân khấu.
Phát biểu tại Lễ Bế mạc Tập huấn, Bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng Ban Tổ chức nhận định: Tại chương trình tập huấn, thông qua các bài giảng, giảng viên đã sẻ chia, trao truyền những kinh nghiệm quý nhất được đúc kết để truyền thêm ngọn lửa yêu nghề cho học viên; nhiều tiểu phẩm, kịch bản do học viên xây dựng đã được giảng viên trực tiếp hướng dẫn, góp ý, xây dựng tình huống độc đáo, tạo sự ước lệ hay kịch tính của kịch bản sân khấu truyền thống. Thông qua các tập huấn, từ những kiến thức, kỹ năng đã được lĩnh hội, khi trở về cơ quan, đơn vị, các học viên sẽ đưa vào tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở, làm phong phú thêm hoạt động nghệ thuật sân khấu không chuyên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, phục vụ đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.
Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, giảng viên tập huấn cho biết: Sân khấu là một nghệ thuật tổng hợp, đạo diễn sân khấu là nhà tổ chức sân khấu khi đạo diễn bắt tay vào vị trí sáng tạo tác phẩm, đạo diễn phải làm việc với tác giả, hoạ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, âm thanh, ánh sáng… Vì vậy, khi xây dựng giáo án giảng viên phải đặt ra rất nhiều vấn đề mà người đạo diễn cần phải có kiến thức chuyên sâu để xây dựng tác phẩm có những giá trị tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao phục vụ khán giả. Sau 4 ngày với 8 chuyên đề được trình bày trong lớp dù thời gian ngắn, nhưng bằng phương pháp trao đổi lý luận cơ bản và trực tiếp qua từng kịch bản ngắn của một số học viên mang tới, các thầy đã yêu cầu học viên có nhận xét, đưa ra ý đồ đạo diễn, tổ chức hành động, phát hiện sự kiện, làm việc với diễn viên. Những công việc “bếp núc” của người đạo diễn được sâu chuỗi và làm sáng rõ chức năng của người đạo diễn với tác phẩm sân khấu.
Tại Lễ bế mạc Tập huấn, Cục Văn hóa cơ sở đã trao giấy chứng nhận cho 111 học viên hoàn thành chương trình tập huấn./.
Mai Tuyết