Thanh Sơn là vùng đất cổ với nhiều nền văn hóa đan xen, trong đó có văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường như cồng chiêng, đâm đuống, mùa mỡi, hát ví, hát giang vẫn được lớp lớp các thế hệ người con đất Mường bảo tồn và lưu giữ cho đến ngày nay. Để tiếp tục gìn giữ và khai thác hiệu các mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, đặc biệt là mô hình xây dựng các câu lạc bộ dân ca, dân vũ tại các thôn bản.
Năm 2024, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) và Ủy ban nhân dân xã Thạch Khoán tổ chức Lớp tập huấn triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình các Câu lạc bộ dân ca, dân vũ; hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho 100 học viên là cán bộ làm công tác văn hóa, đại diện các ban, ngành, đoàn thể và người dân xãThạch Khoán, huyện Thanh Sơn.
Thông qua Lớp tập huấn, các học viên được các giảng viên truyền đạt, phổ biến nội dung các chuyên đề về quan điểm, định hướng và pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay; Hướng dẫn kỹ năng triển khai xây dựng mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn, bản và tổ chức truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của dân tộc Mường như: hát sắc bùa, rằng thường, bộ mẹng, ví đúm, hát ru, đồng dao...; Lồng nghép công tác giảng dạy với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương… Kết thúc lớp tập huấn, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp với Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Thanh Sơn tổ chức Chương trình Tổng kết đánh giá kết quả triển khai mô hình và ra mắt Câu lạc bộ dân ca, dân vũ của dân tộc Mường, xã Thạch Khoán; bàn giao hỗ trợ trang phục, đạo cụ, nhạc cụ cho câu lạc bộ duy trì sinh hoạt, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ trình diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mường huyện Thanh Sơn như: Màn trình tấu Chiêng Mường, Múa dân gian Mường “Hương sắc bản em”, bài múa Mường “Mời rượu”, Hát ru, hát đối đáp của các diễn viên, nghệ nhân xã Thạch Khoán… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong đối với người dân địa phương.
Tuy nhiên, qua việc triển khai mô hình Ban tổ chức cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác tổ chức, duy trì các mô mình câu lạc bộ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương hiện nay như: nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường đang có xu hướng mai một, thất truyền; số lượng nghệ nhân giỏi, am hiểu các giá trị văn hóa truyền thống còn rất ít, phần lớn đã cao tuổi, cùng với đó là không gian trình diễn dân gian ngày càng bị thu hẹp. Giới trẻ hiện nay không say mê, kế tục nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc mình như trước; việc phân bổ kinh phí các chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa còn thấp, chưa được kịp thời theo kế hoạch đề ra.
Do vậy, duy trì và phát huy hiệu quả mô hình, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, duy trì, chỉ đạo và tạo điều kiện để Câu lạc bộ được tham nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương; phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể xã, các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng và thế hệ trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thống của cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các làn điệu dân ca, dân vũ dân nhạc của các dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh./.
Duy Chiến