Phong trào TDĐKXDĐSVH

Hoà Bình: Đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật phục vụ nhân dân

12 Tháng Chín 2023

Hòa Bình là một tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc có diện tích tự nhiên gần 4.600 km2, dân số trên 86 vạn người với 10 đơn vị hành chính (09 huyện và 01 thành phố); 151 xã, phường, thị trấn (129 xã, 12 phường, 10 thị trấn); 1.482 thôn, xóm, tổ dân phố. Hòa Bình có 6 dân tộc anh em là: Mường, Kinh, Dao, Thái, Tày, Mông... trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 63%. Là một tỉnh có truyền thống lịch sử văn hóa, cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình” với nét văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc của các dân tộc cùng với cảnh quan thiên nhiên có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch và dịch vụ.

Trong những năm qua thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, đề án, chương trinh, kế hoạch nhằm mục tiêu phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần trong xã hội tham gia xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, lao động và quâng chúng nhân dân tham gia. Hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Hiện nay, 1.482 thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có đội văn nghệ thường xuyên hoạt động. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được đầu tư, nâng cấp đến nay đã có 1.430 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi, giải trí cho người dân. Vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm hay những sự kiện của địa phương các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở đều tổ chức hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ, cũng như thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần trong cộng đồng. Tổ chức các sự kiện văn văn hoá nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc tỉnh Hoà Bình đến nhân dân và bạn bè quốc tế như: Ngày văn hóa các dân tộc, Tuần văn hóa - du lịch của tỉnh, các Lễ hội văn hóa - thể thao - du lịch, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, di sản văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, các môn thể thao dân tộc…

Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau nhiều năm xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và bảo tồn, phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa đa dạng của mọi người dân. Thông qua phong trào văn hóa, văn nghệ đã có nhiều cách làm hay, xuất hiện nhiều mô hình hoạt động văn hóa có hiệu quả. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian ở cơ sở được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hiện nay đời sống vật chất ngày càng nâng cao, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ càng diễn ra sôi nổi và trở thành “món ăn tinh thần” bổ ích, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ Nhân dân và truyền thụ những nét văn hóa truyền thống, giáo dục cho thế hệ trẻ thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, tại điểm du lịch cộng đồng các đội văn nghệ quần chúng xóm, bản đã xây dựng các chương trình văn nghệ với nét đặc trưng riêng, hấp dẫn du khách trải nghiệm, tham quan góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Hòa Bình tới khách du lịch. Tiêu biểu trong đó có những xóm, bản có đến 2 - 3 đội văn nghệ hoạt động phục vụ khách du lịch như: Bản Lác, Bản Văn, Bản Poom Coọng,... Đồng thời, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, giúp người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.

Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa văn nghệ ngày càng đi vào chiều sâu. Tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa theo hướng tinh gọn bộ máy nâng cao hiệu quả hoạt động. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp với số lượng phù hợp, cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa văn nghệ quần chúng, phù hợp với tình hình thực tế. Chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng những cán bộ vừa có năng lực trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm và sáng tạo, luôn tâm huyết, yêu nghề. Đến nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí hoạt động các đội văn nghệ thôn, xóm, tổ dân phố với mức 4 triệu đồng/đội/năm. Kết quả hàng năm 1.482 đội văn nghệ thôn, xóm, tổ dân phố đã tổ chức được 4.888 buổi diễn ước phục vụ 1.011 nghìn lượt người xem. Thông qua các buổi biểu diễn của các đội văn nghệ cơ sở đã góp phần bảo tồn và phát huy băn sắc văn hóa của các dân tộc, góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, bài trừ các hủ tục lạc hậu và thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn việc đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đi vào đời sống; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu thông tin, giải trí và hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của các tầng lớp Nhân dân. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm huy động các nguồn lực cho hoạt động văn hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng và tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu, tài năng nghệ thuật; thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật. Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của đội văn nghệ xóm, bản; phát huy vai trò sáng tạo và ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp văn hóa, văn nghệ. Tăng cường sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa dân tộc. Nghiên cứu, đầu tư, bảo tồn một số làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đề xuất tổ chức, đăng cai một số hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch với quy mô vùng, quốc gia nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh vùng đất, con người quê hương Hòa Bình. Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở  như: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh; 10 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện, thành phố; 95 Nhà Văn hóa và Trung tâm Học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn; 1.430 Nhà văn hóa thôn, xóm…làm nơi tổ chức các hoạt động phục vụ các buổi sinh hoạt, hội họp, hoạt động chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, là động lực thúc đẩy học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hoà Bình bền vững, hội nhập và phát triển triển./.

Duy Chiến

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch