Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của đảng, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn cũng như sự phối hợp trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã đạt nhiều thành tựu. Song, bên cạnh kết quả đạt được, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong lễ hội vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, vướng mắc đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục có những chính sách phù hợp để từng bước tháo gỡ, khắc phục và để lễ hội thực sự là một nhu cầu thiết thực, chính đáng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của nhân dân. Qua quá trình điều tra, nghiên cứu thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, chúng tôi thấy còn một số vấn đề sau:
1. Sự biến đổi trong tổ chức lễ hội
- Thời gian tổ chức lễ hội
Thời gian tổ chức các lễ hội truyền thống hiện nay cũng chịu sự tác động và có xu hướng biến đổi được thể hiện ở hai chiều:
Thứ nhất, biến đổi với xu hướng rút ngắn thời gian tổ chức đối với các lễ hội ở làng, xã, đặc biệt là khu vực nông thôn, khu vực các tỉnh miền núi là biểu hiện chung bắt gặp trong các lễ hội thời gian gần đây. Nếu như trước kia, việc tổ chức lễ hội diễn ra trong 3 đến 5 ngày thì ngày nay lễ hội rút xuống còn 1 đến 3 ngày. Do thời gian tổ chức lễ hội bị thu hẹp thời gian nên phần nghi thức, nghi lễ trong lễ hội cũng được đơn giản hóa cho phù hợp. Nguyên nhân là ngày xưa các cụ có quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vì là thời gian nông nhàn của người nông dân trong khi đó các lễ hội truyền thống thường được tổ chức vào mùa xuân nên thời gian lễ hội kéo dài để người dân được du xuân, tham gia các hội hè và thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nhu cầu hưởng thụ văn hóa sau thời gian làm việc vất vả; Hiện nay, với xu thế phát triển xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, thời gian dành cho công việc nhiều, thời gian vui chơi giải trí bị giảm thời gian tổ chức lễ hội phải thu hẹp, rút ngắn lại.
Việc rút ngắn thời gian diễn ra lễ hội còn là một yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, tổ chức. Việc tổ chức lễ hội quá dài gây ảnh hưởng đến thời gian lao động, kết quả sản phẩm, đến năng xuất lao động. Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội dài ngày, dẫn tới việc tốn kém, lãng phí về vật chất, nhân lực và nhất là tốn kém về tiền bạc do chính quyền địa phương phải đứng ra điều hành và bố trí nhân lực phục vụ lễ hội; kinh phí cho việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn; kinh phí cho việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh; kinh phí cho hoạt động an ninh trật tự xã hội… là rất tốn kém.
Thứ hai, xu hướng kéo dài thời gian tổ chức lễ hội lại xuất hiện ở những lễ hội có quy mô lớn, vùng, liên vùng, liên tỉnh. Ví dụ như lễ hội Xuân núi Bà Đen (Tây Ninh), Lễ hội Chùa hương (Hà Nội), Lễ hội Bà chúa Xứ Núi Sam (An Giang), Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), lễ hội Quốc Mẫu Tây Thiên (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Các lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu, các lễ hội gắn với du lịch… Thực tế cho thấy, xu hướng kéo dài này chủ yếu là phần hội, phần nghi thức, nghi lễ không có nhiều thay đổi. Qua thực tiễn cho thấy, trong xu thế hội nhập phát triển kinh tế, việc vận dụng khai thác giá trị truyền thống trong lễ hội để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch hiện nay. Đối với những lễ hội nằm trong quần thể không gian rộng, di tích lớn và nhất là có lợi thế về không gian, cảnh quan đẹp, việc vận dụng phát triển du lịch, thu hút người tham gia sẽ là điều kiện để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Hiện nay, xu hướng liên kết giữa các tỉnh, giữa các vùng là một xu hướng mở đang thu hút rất nhiều nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh này. Dựa trên các điều kiện thuận lợi về tự nhiên, xã hội, sự đa dạng văn hóa, di tích và lễ hội, nhiều tua du lịch, tuyến du lịch được hình thành với sự liên kết. Chính việc này đã thu hút các nhân công lao động, tạo việc làm và thu nhập người dân nhờ đó được tăng thêm, đời sống vật chất được cải thiện.
- Xu hướng mở rộng không gian lễ hội
Một đặc điểm chung hiện nay dễ nhận thấy đó là xu hướng mở rộng về không gian cho lễ hội. Trước đây, các hội làng chỉ được tổ chức ở một không gian nhất định trong làng, xã và phạm vi, quy mô tổ chức cũng chỉ của làng, xã. Nhưng hiện nay, do nhiều yếu tố (quảng bá du lịch, tâm lý muốn vượt trội của các nhà lãnh đạo địa phương...) nên quy mô của các hội làng cũng được mở rộng cả về không gian và thời gian. Nhiều lễ hội không còn là lễ hội làng mà đang có xu hướng biến thành lễ hội vùng, thậm chí là lễ hội chung của huyện. Ví dụ như lễ hội đền Thính (Đền Bắc Cung) xưa kia là lễ hội của làng, xã Tam Hồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc thì nay là lễ hội của cả vùng, thu hút rất động người tham gia ở nhiều huyện khác nhau trong tỉnh.
Đối tượng người đến dự hội không chỉ là dân làng mà còn có du khách trong và ngoài nước tham dự. Như vậy, quy mô của lễ hội ngày càng mở rộng cả về số lượng người tham gia. Trong nhiều trường hợp đã gây ra sự quá tải về không gian tổ chức lễ hội. Các cánh đồng tổ chức lễ hội xuống đồng cổ xưa, cũng như sân đình làng ở vùng đồng bằng đều trở nên quá tải khi đón hàng vạn du khách tham dự. Do vậy, mở rộng địa điểm lễ hội để đáp ứng nhu cầu của du khách là tất yếu. Có nơi, do nhu cầu tham gia lễ hội quá đông như Đền Trần (Nam Định), Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Hương (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ)… không gian lễ hội còn được mở rộng thành siêu không gian. Như vậy, sự mở rộng không gian lễ hội cũng đặt ra nhiều yêu cầu về quản lý, tổ chức lễ hội, nhất là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng một môi trường lễ hội lành mạnh.
- Tần suất tổ chức lễ hội
Hiện nay,trong lễ hội đã xuất hiện nhiều xu thế như: Xu hướng mở hội nhiều với tần suất cao do có sự ganh đua, phô trương thanh thế dòng họ, làng, xã trong tổ chức lễ hội; đưa thêm nhiều yếu tố mới lạ vào lễ hội làm biến dạng những nghi thức đã định hình của lễ hội truyền thống tạo thành vấn đề bức xúc; tự nâng cấp lễ hội, đề nghị nâng cấp lễ hội, tự xưng danh là lễ hội cấp quốc gia, quốc tế thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn đang xuất hiện ở một số địa phương. Chẳng hạn như sự ganh đua tộc họ, tính địa phương chủ nghĩa, thói cờ bạc, rượu chè hay những hiện tượng mê tín dị đoan trong lễ hội như cầu cúng, bói toán, xóc thẻ, xin số…đang có chiều hướng tăng lên…Vì vậy, chúng ta cần có một cơ chế chính sách hợp lý để quản lý lễ hội một cách có hiệu quả tránh để các hiện tượng tiêu cực xảy ra, việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo tính tâm linh tốt, bảo tồn được những giá trị văn hóa tốt đẹp.
- Biến đổi về mục đích của lễ hội
Trong quan niệm, tâm thức của người tham gia lễ hội xưa và nay có sự thay đổi. Nếu như xưa kia người ta đến với lễ hội với mục đích nhằm cầu mong “những điều tốt lành”, “quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt” và hơn hết, tâm thế đến với lễ hội bao giờ cũng tràn ngập niềm tin về “sự linh thiêng” đối với lễ hội. Nhưng hiện nay, tính thiêng của nhiều lễ hội không còn như trước. Người tham gia lễ hội, nhất là giới trẻngày nay không còn hào hứng, quan tâmđến các nghi lễ, nghi thức như trước kia. Quan niệm của giới trẻ và một bộ phận người tham gia lễ hội hiện nay chủ yếu đến để giao lưu, sinh hoạt văn hóa, du lịch nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
- Đối tượng tham gia lễ hội
Trong xã hội ngày nay, đời sống kinh tế được cải thiện, từ đó nhu cầu hưởng thụ văn hóa nói chung, nhu cầu tham gia lễ hội nói riêng đã tăng lên. Số lượng người tham gia lễ hội ngày một đông, đa dạng thành phần, lứa tuổi, mỗi người đến với lễ hội với những tâm thế khác nhau, mục đích khác nhau: người đi chơi, trải nghiệm, người đi cầu khấn mong điều tốt lành đến với gia đình người thâm, người đến cầu nguyện an lành, người đến làm công đức, người đến buôn bán kinh doanh,… rất nhiều tâm thế khác nhau. Trước đây thành phần tham dự chỉ là dân địa phương thì ngày nay đã có hàng nghìn, hàng vạn người ngoài vùng tham dự. Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô ngày càng lớn và có nhiều nét mới trong tổ chức cũng như trong các hoạt động đã tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là lớp trẻ tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách.
- Thực dụng hóa niềm tin tín ngưỡng
Mặt trái của cơ chế thị trường, cũng như sự nhận thực có hạn cùng với sự đơn giản hóa của một bộ phận người tham gia lễ hội đã xuất hiện sự lệch chuẩn trong ứng xử với lễ hội với cái gọi là “linh thiêng”. Một số người đến dự lễ hội mang theo yếu tố “thị trường” như cầu mong “trúng quả”, “mua rẻ bán đắt”, được lên chức, thêm quyền cầu xin danh lợi cho cá nhân, cho gia đình mìnhvà những người coi lễ hội là một dịp kinh doanh bằng mọi giá,... Vì thế nhiều người đã làm ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt chung của cộng đồng, làm giảm giá trị văn hóa của lễ hội.
- Ứng xử văn hóa, văn minh có phần giảm sút
Ứng xử tại di tích, lễ hội là rất đa dạng: ứng xử giữa ban tổ chức với người tham gia lễ hội; ứng xử giữa những người tham gia lễ hội với nhau; ứng xử giữ chủ cơ sở kinh doanh với du khách; ứng xử giữ người tham gia lễ hội với thần linh, với môi trường,… Trong các mối quan hệ ứng xử ấy, bên cạnh những hành vi ứng xử văn minh, thì cũng không ít có những biểu hiện tiêu cực.
Thực trạng xấu trong lễ hội bắt nguồn từ phía du khách khi họ tham dự các lễ hội truyền thống ở địa phươngvới tâm thế và thái độ trịch thượng của người lắm tiền nhiều của, muốn dùng đồng tiền để tha hóa hành vi và nhân cách người dân sở tại. Thái độ cư xử không đúng mực, tùy tiện, không tôn trọng cộng đồng qua lời ăn tiếng nói, giao tiếp thông thường cũng xảy ra khá thường xuyên. Trang phục thì lố lăng, kệch cỡm, không phù hợp với không khí trang nghiêm khi vào đình, đền, chùa như mặc quần cộc, váy ngắn, áo hai dây hở nách hoặc trang phục quá lộng lẫy, cầu kỳ diêm dúa,... Cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên đã bị hủy hoại do sự thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia lễ hội đã có những hành vi xả rác bừa bãi, vô hình đã tạo ra “núi rác” khổng lồ từ các vật liệu: túi ni lông, vỏ lon bia, vỏ chai đựng nước, các loại bao bì, giấy gói đủ loại,... cũng góp phần tạo ra bầu không khí bị ô nhiễm và gây mất vệ sinh cho địa điểm họ vừa tạm thời dừng chân. Một số nơi sau khi kết thúc lễ hội thì đã để lại một hiện trạng đó là cây cối, vườn tược, đồng ruộng, nương, rừng... có thể trở nên xác xơ vì bị du khách tham quan, người đi hành lễ, du xuân… vịn cây bẻ cành, ngắt hoa, hái lá, hái lộc. Sông suối, ao hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng vì các loại chất thải vứt vô tội vạ xuống dòng nước do hành động vô tư của khách tham quan (ví dụ thả mồi cho cá ăn; lội nước nghịch vui, hoặc tham gia trò chơi dưới nước, hoặc tham gia câu cá giải trí, v.v.). Di tích có thể bị chặt, cắt, cưa xẻ, vẽ bậy hoặc tráo đổi vị trí, hoặc can thiệp làm cho tươi mới theo quan điểm hiện đại... khiến diện mạo di tích cổ kính quý giá với khung cảnh cây cối, ao, hồ, sông suối, đường đi, bến bãi... bị biến dạng theo chiều hướng phá hoại di tích, danh thắng. Điều này không phải là hiếm gặp sau mỗi kỳ tổ chức lễ hội hoặc sau mỗi đợt du khách tham quan ghé qua trong các dịp cao điểm trong năm.
Tệ nạn ở các lễ hội, đặc biệt là trong các lễ hội truyền thống tập trung đông người đang gia tăng. Tệ nạ ăn cắp ăn trộm điện thoại, ví tiền, lừa đảo mua hàng hoặc ép giá, chèo kéo mồi chài tham gia các trò chơi mang tính chất cá cược, đánh bạc đánh bạc theo hình thức “tôm, cua, cá, bầu", thò lò, tung vòng trúng thưởng,…dẫn đến đánh chửi nhau gây mất trật tự an ninh và nét đẹp văn hóa ở các lễ hội, khu danh thắng, di tích. Nhiều vụ tai nạn, va chạm xích mích chỉ từ sự lộn xộn, chật chội của địa hình, địa thế (như trong hậu cung chật hẹp, nơi hóa vàng mã không rộng rãi, đường đi quanh co khúc khủy, bãi đỗ xe lắt léo hoặc trên môi trường sông nước, bến bãi...). Các dịch vụ đi kèm phát sinh trong lễ hội nở rộ và luôn song hành cùng tệ nạn o ép, chèo kéo, ép giá như: dịch vụ sắp lễ, đội lễ thuê, khấn thuê trọn gói, hóa tiền vàng mã, xin xăm, xóc thẻ, giải thẻ, cầu cúng giải tội giải hạn, bán bùa cầu an sát tà,... khá lộn xộn khiến cho một bộ phận người dân sợ hãi và buồn rầu, ngơ ngác, bán tín bán nghi sau các dịp đi lễ hội.
2. Lệch chuẩn ứng xử văn hóa trong lễ hội
- Xu hướng thổi phồng yếu tố tâm linh
Trong sự đa dạng lễ hội, lễ hội truyền thống thể hiện rõ nét nhất các yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Mỗi lễ hội đều có nét riêng tiêu biểu và chưa đựng trong đó những giấ trị cao đẹp. Lễ hội truyền thống gắn liền với những đối tượng được thờ phụng. Đối tượng thờ phụng là trung tâm của lễ hội, từ đối tượng thờ phụng quy định đến nghi thức cúng, lễ, tế, rước; vật phẩm để cúng tế; đối tượng thờ phụng cũng chi phối đến những điều kiêng kỵ, các trò diễn liên quan đến đối tượng. Bàn về đối tượng thờ phụng, trong Nghiên cứu lễ hội cổ truyền của người Việt cấu trúc và thành tố, Nguyễn Chí Bền có đề cập: “Cấu trúc lễ hội cổ truyền và hiện hữu trong thời gian và không gian, vừa tàng ẩn trong tâm thức con người nhưng lại hiện hữu trong thời gian thiêng. Cái thiêng và cái phàm luôn đan xen cùng với nhau trong lễ hội cổ truyền người Việt. Cái thiêng và cái phàm ấy tồn tại trong lễ hội cổ truyền như một bản sắc của văn hóa dân gian…”(tr.263). Lễ hội truyền thống được khẳng định là một di sản văn hóa quý báu của quốc gia, dân tộc; việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò quản lý nhà nước, vai trò tổ chức của cộng đồng đóng vai trò quan trọng để hướng đến giá trị chân thực, tính “chân - thiện - mỹ”.Song bên cạnh đó, cũng không ít người đến với lễ hội lại với những mục đích thực dụng, trục lợi trở thành mặt trái của cơ chế thị trường. Yếu tố thiêng đã bị những ham muốn thực dụng của con người chi phối thông qua những hành vi trần tục hóakhi đặt lợi ích vật chất, tiền bạc, công danh lợi lộc lên trên: tranh giành cướp lộc, cướp ấn với hy vọng được thăng quan tiến chức, buôn bán lợi lộc nhiều,…Một số người còn lợi dụng thần thánh để “buôn thần bán thánh” bằng các hình thức, thủ đoạn như vui chơi có thưởng,các loại dịch vụ như hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá, cho thuê đồ hành lễ, xem bói trong khuôn viên thờ tự gây ra cảnh mua bán lộn xộn, mất trật tự làm mất đi vẻ thanh tịnh, thuần khiết ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nơi thờ tự… Ý thức của người dân tham gia lễ hội có phần tự do, thái quá, thể hiện sự hỗn tạp, tùy tiện trong hành vi ứng xử như sử dụng bộ loa công suất lớn phát ra tiếng nhạc xập xình, đinh tai nhức óc hay cả tiếng rao hàng làm náo động cả không gian lễ hội, các loại ngôn ngữ tục tằn và sự ăn mặc hớ hênh được thể hiện một cách thản nhiên chốn không người.
- Lệch chuẩn về hành vi, thái độ ứng xử trong tham gia lễ hội
Quy mô của các lễ hội ngày nay được mở rộng lớn hơn trước rất nhiều (cả về không gian và cấp độ tổ chức), có lễ hội có thể thu hút hàng triệu lượt người. Mặc dù giao thông đã được cải thiện, song việc đi lại, nhất là vào chính hội lại gặp nhiều khó khăn, thường xảy ra ùn tắc giao thông, đòi hỏi mỗi người phải nêu cao ý thức văn hóa giao thông, thực hiện nghiêm Luật An toàn giao thông, không chen lấn xô đẩy, nhường nhịn nhau với thái độ văn minh lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ người già, phụ nữ, trẻ em, những người bị tai nạn. Ngoài ra, vấn đề nổi cộm trong các lễ hội là giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan. Sau một ngày lễ hội, người ta phải thu gom hàng tấn rác, trong khi có những người cặm cụi đi nhặt rác lại không ít người lại mặc sức xả rác khắp mọi nơi, với đủ thứ vỏ hộp bia, lá bánh, túi ni-lông, giấy lộn... Nhiều nơi rác đã chất thành đống ngay bên cạnh di tích lịch sử, văn hóa, rất phản cảm. Nạn đốt hương, đốt vàng mã vô tội vạ cũng gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan của lễ hội. Chính vì nếp sống tùy tiện, mạnh ai nấy làm đã gây nên sự xô bồ, nhếch nhác, mất an ninh trật tự, vệ sinh ở nhiều lễ hội, từ đó đã xảy ra nạn ăn cắp, lừa đảo, móc túi.
Tâm lý đám đông khi đi lễ hội, a dua theo chiều tiêu cực một hiện tượng nào đó theo kiểu phong trào, nhiều người tranh thủ đi trong thời gian rất gấp gáp để đến được nhiều địa điểm nên tranh giành, xô đẩy nhau, phát ngôn thiếu văn hóa ngay tại những nơi linh thiêng nhất. Những hành vi đáng lên án nữa là: thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự, hay hở hang, phản cảm, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, … Nói về văn hoá ăn mặc của người trẻ khi tham dự lễ hội, thăm viếng đền chùa ngày nay, nhiều học giả, nhà nghiên cứu cũng như dư luận nhận định, phản ánh: “Thực trạng nhiều bạn trẻ ăn mặc lòe loẹt, hở hang vào chùa là không phù hợp, nhìn rất phản cảm. Dù trang phục có được họ coi là năng động, trẻ trung nhưng chỉ phù hợp nơi bãi biển, du ngoạn, không phù hợp với nơi thanh tịnh, linh thiêng. Ăn mặc phản cảm thể hiện sự kém ý thức, lỗ hổng về phông văn hóa”. Trào lưu chụp ảnh, “sống ảo” trên các mạng xã hội của nhiều người khi tham gia lễ hội đi cùng với ý thức kém cũng tạo ra những hành vi xấu xí như ngắt hoa, bẻ cành, độc chiếm vị trí đẹp để chụp ảnh, gây ồn ào, mất trật tự nơi công cộng, ăn mặc, cư xử, hành vi không phù hợp, không tôn trọng không gian của những người cùng tham gia lễ hội khác…
- Công đức và tiếp nhận công đức tại di tích, lễ hội còn thiếu sự thống nhất, có nơi chưa công khai, minh bạch
Công đức là hành động xuất phát từ “cái tâm” của người đến với di tích, đến với lễ hội, thể hiện sự tri ân thành kính đối với đối trượng thờ phụng. Nhờ có công đức, nhiều cơ sở tín ngưỡng được cải tạo, tu bổ khang trang; nhiều lễ hội được phục dựng, bào tồn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy tinh thần dân tộc, “uống nước nhớ nguồn”; qua đó giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân. Bên cạnh những yếu tố tích cực đó, công đức, tiếp nhận công đức vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Có nơi việc quản lý, thu chi công đức còn tùy tiện, sử dụng không đúng mục đích, ý nghĩa; có nơi chưa công khai, minh bạch; việc thu chi tiền công đức thiếu minh bạch dẫn đến mất lòng tin và tạo dự luận không tốt trong xã hội. Những lộn xộn trong quản lý, thu chi tiền công đức dẫn đến nhiều mâu thuẫn, thậm chí là tranh chấp ở các địa phương, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và tổ chức lễ hội.
3. Sự tác động mặt trái cơ chế thị trường lên đời sống lễ hội
- Thương mại hóa lễ hội, coi vật chất quan trọng hơn
Hiện tượng thương mại hóa lễ hội đang diễn ra trong các khâu tổ chức lễ hội, trong nghi lễ, lễ tiết như hiện tượng khoán, đấu thầu, tổ chức lễ hội; dịch vụ khấn thuê, lạy thuê, cầu xin thuê, thu phí dịch vụ các loại dịch vụ cao,… khiến người dự hội vừa lo sợ, vừa bất bình. Điều này đã làm vẩn đục môi trường lễ hội trong lành,mất đi vẻ đẹp tín ngưỡng tâm linh của các công trình văn hóa tín ngưỡng. Các cơ sở tôn giáo đặt các hòm công đức ở khắp nơi để nhận tiền công đức của khách du lịch và người hành hương. Tại các địa điểm du lịch nổi tiếng còn có tình trạng lập “sổ vàng” ghi danh những người hảo tâm công đức nhiều tiền hoặc cấp giấy chứng nhận công đức cho du khách, những người đi lễ số tiền ít hơn… với mong muốn móc túi của du khách, những người đi lễ càng nhiều càng tốt.Hiện tượng khấn thuê, đốt đồ mã, xả rác tuỳ tiện trên đường lên di tích, trong ngoài nơi thờ tự vẫn còn tồn tại dai dẳng. Hiện tượng nâng giá, ép giá, cờ bạc, mê tín dị đoan, lưu hành ấn phẩm không được phép xuất bản, hành khất, đeo bám khách du lịch chưa giảm ở một số lễ hội lớn. Do những tác động trái của nền kinh tế thị trường mà đang có sự chuyển đổi các hệ giá trị. Trong khi trước đây các gía trị tinh thần và các nếp sống văn hoá trong lễ hội được coi trọng thì hiện nay lại xuất hiện khá phổ biến tư tưởng trục lợi, thương mại hoá hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội, làm cho các giá trị vật chất lấn át giá trị văn hoá truyền thống và đạo đức, những giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội sẽ bị mai một.
- Sự bùng nổ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh
Lễ hội truyền thống là di sản văn hóa quý báu của dân tộc chứa đựng, lưu giữ nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá do các thế hệ tiền nhân để lại cho đời sau và trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Du khách đến với lễ hội không chỉ để thoả mãn ước nguyện và lòng tin về tâm linh mà còn tham gia vào hàng loạt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí khác như: hội chợ, triển lãm và các dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm... Để phục vụ nhu cầu của du khách, nhiều cá nhân và tập thể đã tham gia vào hoạt động phục vụ khách từ đó tạo nên công ăn việc làm cho các ngành nghề có liên quan (như thủ công mỹ nghệ, cung cấp thực phẩm, phương tiện vận chuyển, nhà hàng…), góp phần tăng ngân sách địa phương và sự cải thiện của cơ sở hạ tầng. Ở nhiều địa phương, việc tổ chức lễ hội truyền thống sẽ tạo một lợi thế cho địa phương trong việc gắn kết phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Qua các lễ hội, việc thu hút khách đã tạo ra nguồn thu cho người dân địa phương.
Về lợi ích, việc tổ chức lễ hội ở địa phương sẽ là điều kiện để cộng đồng nơi đó nhận thức tốt hơn về những giá trị di sản của mình, tạo dựng niềm tự hào trong cộng đồng, qua đó thúc đẩy sự phát triển cộng đồng và truyền thống văn hoá cũng như cung cấp các cơ hội giải trí cho cư dân địa phương. Tuy nhiên khi khai thác các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch hiện nay, để tạo sức hút đối với du khách đến với lễ hội và thoả mãn những nhu cầu của khách, phần lớn các lễ hội truyền thống đã biến đổi những giá trị gốc và bản chất vốn có của nó. Do chạy theo lợi nhuận, những hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống vốn có nhiều nơi bị lợi dụng, tự ý thay đổi, với mong muốn làm cho lễ hội hấp dẫn hơn, linh thiêng hơn, đôi khi thêm bớt làm sai lệch bản chất nguyên gốc. Ví dụ như: ấn đền, cướp chiếu, tranh phết, chém lợn, tranh lộc…tổ chức chỉ với mục đích tạo sự tò mò để thu hút du khách; đây là một thách thức lớn mà một số lễ hội truyền thống có chứa đựng tập tục, tập quán đang phải đối mặt.
Thương mại trong hoạt động dịch vụ tại lễ hội luôn có hai mặt, đối với lễ hội truyền thống, nếu các hoạt động thương mại được quản lý tốt có thể đem lại những hiệu quả cho cộng đồng về lợi ích kinh tế, tạo dựng niềm tự hào, thu hút khách du lịch, xây dựng vị thế cho địa phương, tạo hình ảnh của điểm đến du lịch và quốc gia. Nhưng nếu không được quản lý tốt, buông lỏng thì giá trị chân thực, ý nghĩa tốt đẹp lễ hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực. Cũng từ đó sự hỗ trợ từ phía cộng đồng và những đóng góp tự nguyện sẽ không còn, lễ hội truyền thống “dần trở thành lễ hội hiện đại”. Lễ hội sẽ như một chương trình chạy tự động, “đến hẹn lại lên” để phục vụ du khách, không còn là lễ hội của cộng đồng địa phương.
Do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, một số nơi tổ chức lễ hội với xu hướng coi nặng mục đích kinh tế và các giá trị về lợi ích kinh tế mà bỏ qua hoặc lợi dụng các giá trị văn hoá của lễ hội dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội. Coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hoá các loại hình hoạt động dịch vụ, mà xem nhẹ vấn đề môi trường văn hóa của lễ hội như hoạt động nghi lễ, văn hóa của lễ hội, cách thức con người ứng xử với lễ hội dẫn đến sự biến đổi của lễ hội, lệch chuẩn trong vấn đề ứng xử văn hóa trong lễ hội và cơ chế thị trường đã làm thay đổi một số bộ mặt của lễ hội,…đã làm giảm giá trị truyền thống văn hóa của lễ hội dẫn đến tình trạng chú trọng các hoạt động thương mại vốn sinh lời mà quên đi việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống đang có nguy cơ bị mai một.
Bùi Duy Chiến
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Chí Bền (2016), Lễ hội cổ truyền của người Việt: cấu trúc và thành tố, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
2. Phạm Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (2012), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Trần Hữu Sơn (2014), Các xu hướng biến đổi lễ hội hiện nay và giải pháp quản lý, In trong cuốn “Lễ hội cộng đồng: Truyền thống và biến đổi”s, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Từ Thị Loan (2012), “Một số mô hình quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.
5. Nguyễn Thanh Tuấn(2008), Văn hóa ứng xử Việt Nam hiện nay. Nxb Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội,