Từ xa xưa người Việt Nam đã có tục thờ cúng Tổ tiên, Ông bà, cha mẹ đó là sự thể hiện tấm lòng tri ân người sinh thành ra mình và nuôi dưỡng dậy dỗ mình khôn lớn, nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Việc thờ cúng này được thể hiện trong các gia đình người Việt, và được thực hiện vào các ngày giỗ, tết hàng năm trong mỗi gia đình.
Từ khi Đạo Phật truyền vào Việt Nam, triết lý, Luật lệ, Lễ nghi của Phật giáo được người Việt tiếp nhận, và ngược lại Phật giáo cũng dần được dân gian hóa, trở thành Phật giáo Việt Nam. Văn hóa Phật giáo đã đi vào tiềm thức tư tưởng của người dân Việt Nam. Một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo trong mỗi năm là ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch), với ý nghĩa là ngày lễ “Vu lan Báo hiếu”. Kinh Vu Lan Bồn kể rằng, Mục Liên là một trong mười đệ tử tiêu biểu của Đức Phật. Ngài được coi là thần thông số một. Tuy nhiên, mẹ ngài là bà Thanh Đề, khi còn sống đã làm nhiều điều bạc ác. Sau khi bà Thanh Đề chết, Mục Liên dùng "thiên nhãn thông" để quan sát khắp mọi cõi mới nhìn thấy mẹ mình bị đầy đoạ nơi địa ngục. Nơi đó đầy rẫy quỷ đói, còn bà Thanh Đề thì gày còm ốm yếu, chỉ còn da bọc xương, ngày đêm đau khổ. Với khả năng thần thông quảng đại của mình, ngài Mục Liên đã dùng bình bát đựng cơm đưa đến dâng mẹ nhưng do "ác nghiệp" quá nặng nên cơm, đồ ăn đều biến thành lửa đỏ than hồng. Bất lực trước sự đau khổ của mẹ, ngài Mục Liên cầu xin Đức Phật chỉ dạy phương pháp để cứu mẹ khỏi chốn lưu đày. Đức Phật bày cho cách, vào ngày Rằm tháng Bảy, hãy đem đồ ăn thức uống ngon quý, hoa quả cúng Phật và Chư tăng trong mười phương, thì mẹ ông thoát khỏi khổ nạn. Mục Liên vâng theo lời Phật hồi hướng công đức về cho mẹ mình ở dưới địa ngục, khiến bà Thanh Đề đã được thoát thân ngạ quỷ, vãng sinh tịnh độ...
Dựa theo kinh Vu lan với sự tích Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ, nhân ngày chúng Tăng mãn hạ Tự tứ, các Phật tử phát tâm cúng dường mười phương Tăng, hồi hướng công đức phước báo nguyện cầu âm siêu dương thái. Nhân dịp này, các Phật tử còn thiết lễ cúng kiếng ông bà cha mẹ quá vãng, đồng thời trải lòng bi mẫn sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn.
Theo quan điểm của đạo Phật, lễ hội Vu lan-Báo hiếu vào tháng Bảy âm lịch là “tháng báo hiếu”, hoàn toàn không phải là “tháng cô hồn”. Với quan niệm đó, nhà Phật cho rằng tinh thần cốt lõi nhất trong ngày lễ Vu Lan dịp Rằm tháng Bảy là chữ "hiếu". Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo cũng là con đường của mọi Phật tử. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một Phật tử chân chính được.
Tuy nhiên hiện nay, tháng Bảy mùa hội Vu lan-Báo hiếu có ý nghĩa trọng tâm là giáo dục lòng hiếu thảo cho con người rất nhân văn và cao cả của đạo Phật đang có nguy cơ bị không ít người hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng cầu cúng ma quỷ, nhuốm màu tà kiến, mê tín. Lễ báo hiếu theo tháng năm và những cách suy diễn dân gian đã bị biến tướng quá nhiều. Người ta coi đây như một dịp để thể hiện sự báo hiếu sai cách, hoang phí, xa xỉ nhằm cầu mong những điều viển vông, khó có thật trong cuộc sống. Dịp này, nhà nhà lại sắm sửa lễ vật, vàng mã để cúng chúng sinh, nhà ít cũng đốt vài bộ quần áo, mấy xấp tiền vàng cho “người cõi âm” hết vài trăm ngàn, nhà nhiều, đốt cả ô tô, xe máy, nhà lầu, tốn đến tiền triệu. Mặc dù nhận thức được đốt vàng mã là tốn tiền của, là khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và ngay cả khi nhiều ngôi chùa đã đặt biển cấm đốt vàng mã trong chùa, song việc đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến.
Theo thống kê không chính thức, mỗi năm nhân dân đốt tới 5000 tỷ đồng vàng mã vào dịp Lễ Vu Lan. Thực hư về độ chính xác của con số này chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, xác thực. Tuy nhiên lượng vàng mã mà người dân đốt trong các dịp hành lễ đền, chùa hay các dịp lễ vu lan là vô cùng lớn. Đốt vàng mã không những vừa hao tài tốn của, không giải quyết được việc gì mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường; tiền vàng, quần áo đốt xong, than tro trở lại với người trần, người âm không được hưởng.
Đốt vàng mã – nếu chỉ đơn giản là một phần trong nghi thức thờ cúng thần linh, tiên tổ là việc làm bình thường. Đó là tín ngưỡng dân gian cần được trân trọng. Cái sai là ở chỗ con người ngày nay đã lượng hóa việc đốt vàng mã từ một nghi thức trong quá trình thực hành tín ngưỡng, thành thước đo của lòng thành kính, thành mức độ nặng nhẹ của lời cầu xin, để xin xỏ, đổi chác với thánh thần nhằm mang về cho mình chức tước, bổng lộc, hay một giá trị vật chất cụ thể nào đó. Đến nước này thì rõ ràng, đốt vàng mã đã trở thành hành vi bị biến tướng cần phải phê phán, loại bỏ. Tích đức tu nhân, làm việc thiện là cách báo hiếu, cách để "xá tội vong nhân" tốt nhất.
Để ngày Lễ Vu Lan là một ngày có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, là ngày báo hiếu, nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những thế hệ người đi trước, mang giá trị nhân văn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” ngàn đời của dân tộc ta, ngày 19 tháng 7 năm 2019, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã ban hành Thông tư số 223/TT-HĐTS về việc tổ chức Đại lễ Vu lan Báo hiếu PL.2563 - DL.2019 trang nghiêm và ý nghĩa, phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho đồng bào Phật tử và nhân dân. Theo đó, Lễ Vu Lan 2019 rơi vào thứ 5, ngày 15 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch). Thông tư do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN ký, gửi tới Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, gồm 4 điểm cần lưu ý: Đầu tiên về thời gian tổ chức, từ ngày mùng 1 đến ngày rằm tháng 7 âm lịch (có thể kéo dài trong tháng 7 âm lịch). Tiếp theo là về địa điểm tổ chức, tại các cơ sở thờ tự của GHPGVN, các nơi công cộng (khi được sự chấp thuận của các cấp chính quyền), tư gia... Thông tư cũng nhấn mạnh việc tổ chức Đại lễ không được làm ảnh hưởng tới giao thông, sinh hoạt chung của cộng đồng. Thứ ba, thông tư hướng dẫn các nội dung tổ chức Đại lễ, GHPGVN đề nghị không đốt, cúng vàng mã, thay vào đó nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành, báo hiếu tổ tiên và cha mẹ. Đáng lưu ý, GHPGVN yêu cầu các cơ sở thờ tự "không tổ chức cúng lễ thu tiền mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp chính pháp, với nghi lễ truyền thống". Thứ tư, về tổ chức thực hiện, vì sự trang nghiêm và ý nghĩa của Đại lễ Vu lan báo hiếu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố quán triệt nội dung thông tư đến các cơ sở Tự viện, toàn thể Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử thực hiện nghiêm túc.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tiếng nói uy tín của các Thượng tọa, các tăng ni Phật tử sẽ có tác dụng rất lớn để thay đổi nhận thức của nhân dân, người đi lễ. Cùng với các cơ sở thờ tự Phật giáo, việc vận động tuyên truyền hạn chế, loại bỏ tục đốt vàng mã, đồ mã tràn lan cũng cần được triển khai tại các cơ sở thờ tự, nơi công cộng, tư gia vào mùa Vu Lan Báo hiếu năm 2019./.
Thu Trang