Y Tý là xã vùng cao thuộc huyện Bát Xát, cũng là xã có người Hà Nhì sinh sống tập trung đông và lâu đời nhất ở Lào Cai. Người Hà Nhì nơi đây vẫn giữ được hệ thống tín rừng đặc sắc tạo nên bản sắc văn hóa riêng của người Hà Nhì nơi đây.
Với người Hà Nhì xã Y Tý, rừng không chỉ là chỗ dựa vững chắc về đời sống vật chất mà có sự gắn bó mật thiết về mặt tinh thần. Rừng được người Hà Nhì ví như máu thịt của mình, là nơi con người gửi gắm niềm tin, mọi mong ước trong cuộc sống, bởi vậy người Hà Nhì gọi rừng là cha, là mẹ. Ở mỗi bản của người Hà Nhì xã Ý Tý đều có bốn khu rừng thiêng là “Gạ ma gio”, “Mu thu gio”, “Thủ ty” và “A Gờ Là gio”. Trong đó, hai khu rừng quan trọng nhất là “Gạ ma gio” (rừng thờ thần cha) và “Mu thu gio” (rừng thờ thần mẹ). Họ cho rằng mùa màng có bội thu, cuộc sống của con người có đầy đủ, hạnh phúc; bản làng có yên bình đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của thần cha và thần mẹ. Chính vì vậy, thần cha, thần mẹ được người Hà Nhì thờ trong hai khu rừng thiêng. Được coi là chốn linh thiêng, nên mỗi khu rừng đều có những kiêng kỵ nhất định như: kiêng không được làm những điều thiếu sạch sẽ trong khu rừng, kiêng chặt cây, kiêng thả gia súc vào khu rừng cấm vì họ sợ ảnh hưởng đến các vị thần linh cai quản khu rừng.
Hàng năm, người Hà Nhì ở xã Y Tý sẽ tổ chức chọn ra hai người làm nhiệm vụ chủ trì các lễ cúng và quản lý các khu rừng thiêng, rừng cấm thay cho cộng đồng. Người chủ rừng phải là người khỏe mạnh, am hiểu phong tục tập quán dân tộc, gia đình không có người mất vì tai nạn trong vòng ba năm liền. Chủ rừng sẽ do dân làng bầu ra bằng cách bốc thăm. Mỗi thôn chọn từ 7 đến 9 người. Chủ rừng cũ sẽ vào khu rừng thiêng bẻ một cành lá mang về, sau đó nặn thành 7 hoặc 9 viên đất, trong đó 1 viên có nhân là lá cây và 1 viên nhân bên trong là cuống. Mỗi người sẽ bốc một viên đất, ai bốc phải viên bên trong có lá, người đó sẽ làm chủ cúng, còn ai bốc được viên đất bên trong có cuống sẽ làm thầy cúng phụ. Thầy cúng chính “Gạ ma à guy” đóng vai người nam, thầy cúng phụ “Gạ ma à mư” đóng vai người nữ giúp việc. Theo quan niệm của người Hà Nhì, thầy cúng được các vị thần linh lựa chọn, là người đại diện cho dân làng để giao tiếp với các vị thần linh. Đồng thời, hai thầy cúng cũng là chủ các khu rừng thiêng của làng.
Trong năm, người Hà Nhì ở các bản thuộc xã Y Tý tổ chức nhiều lễ cúng khác nhau liên quan đến rừng như: Lễ cấm bản “gà tu tu” , lễ cúng “gạ ma gio”, lễ cúng “thu tỷ”, lễ cúng “mu thu gio”. Gạ tu tu là nghi lễ cúng đầu tiên của năm được tổ chức vào ngày Dần “khà là no” tại khu rừng công viên của làng với ý nghĩa để xua đuổi mọi tà ma, dịch bệnh, những gì không may mắn ra khỏi làng và cầu xin các vị thần phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, cây trồng phát triển. Còn lễ cúng “Gạ ma gio”, hay còn được gọi là lễ cúng rừng cha “Gạ ma à gư”, được tổ chức vào ngày Thìn “lò no” tháng giêng âm lịch hàng năm. Lễ vật dâng cúng các vị thần gồm: 02 chiếc ghế nhỏ “No tho”, ba đôi đũa “Duy đa”, chín chiếc bát nhỏ “Hò mà” , hai chiếc thớt “Ba ma”, một con dao, một chiếc thìa làm bằng vầu để múc rượu “Dứ pe”, một ống mai đựng nước “Hà bú bù hu”, xôi màu “hồ nhù”, một con lợn, một con gà trống được thầy cúng dâng lên các vị thần linh để cầu cho mùa màng bội thu, dân bản bình yên. Ngoài ra, lễ cúng còn mang ý nghĩa nhắc nhở cho người dân tính đoàn kết và nhắc nhở người dân nhớ về công lao của tổ tiên, cội nguồn. Lễ cúng rừng “thu tỷ” được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng giêng âm lịch nhằm cầu mong thần Thu Tỷ sẽ bảo vệ cho đàn gia súc gia cầm không bị dịch bệnh, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh. Lễ cúng rừng “mu thu gio”, còn được gọi là lễ cúng rừng mẹ được người Hà Nhì coi là biểu tượng của sự sinh sôi phát triển và được tiến hành vào ngày Ngọ (Mò no) tháng ba âm lịch hàng năm.
Ngoài các lễ cúng trên, lễ hội “khu già già” là lễ hội lớn nhất trong năm của người Hà nhì được tổ chức vào tháng sáu âm lịch hàng năm. Theo nghệ nhân dân gian Ly Seo Chơ cho biết: Lễ hội “khu già già” thực chất là một nghi lễ cầu mùa nhiều hơn là các ý nghĩa khác, bởi tháng 6 là thời gian mà mọi việc gieo trồng hầu như đã thực hiện xong, hiện tại mọi người chỉ quay vào việc chăm sóc, làm cỏ cho các ruộng lúa, nương ngô. Đây là thời điểm cây lúa phát triển tốt nhất, rất cần thời tiết ổn định, mưa thuận gió hòa. Do đó, thông qua lễ cúng này các gia đình tham gia lễ cúng sẽ mang theo những sản vật của mình đến dâng cúng thần, cầu mong thần linh bảo vệ cho mùa màng, cây lúa không bị con sâu phá hoại, cây ngô không bị khô hạn mà chết... cầu mong cho năm nay sẽ có một mùa vụ bội thu, cầu mong cho những sản phẩm mà họ thu được năm nay sẽ nhiều hơn và tốt hơn năm trước.
Vì đây là lễ hội lớn nhất trong năm nên các làng có điều kiện đều mổ trâu dâng lên các vị thần linh. Đối với mỗi gia đình, sẽ chuẩn bị một mâm lễ vật gồm 12 món ăn mang ra khu rừng công viên để dâng cúng các vị thần, cầu cho cây trồng của gia đình phát triển tốt tươi, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Sau phần nghi lễ, làng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ như chơi đu dây, đu quay, hát dân ca truyền thống, múa sư tử...mừng cho mưa thuận gió hòa, cây trồng phát triển, bản làng bình yên.
Có thể nhận thấy, tín ngưỡng liên quan đến rừng của người Hà Nhì không chỉ mang đậm giá trị văn hóa dân gian đặc sắc mà còn góp phần quan trọng trong việc phát huy tinh thần, đoàn kết tập thể trong việc khai thác và bảo vệ rừng./.
Duy Chiến