Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao xứ Thanh Hóa

28 Tháng Hai 2018

Nhóm Dao Quần Chẹt ở vùng núi thấp có 10 làng (trong đó 9 làng toàn là người Dao, 1 làng xen ghép ở cùng người Mường, Thái và người Kinh). Huyện Cẩm Thuỷ có các làng: Phú Sơn; Thạch An; Làng Ơi... huyện Ngọc Lặc có các làng: Hạ Sơn; Tân Thành và Phùng Sơn... Nhóm Dao Đỏ ở vùng núi thuộc huyện Mường Lát có 3 chòm: Suối Tút; Con Dao; Pù Quăn. Người Dao Quần Chẹt ở Thanh Hoá chủ yếu từ Tuyên Quang, Hoà Bình, Vĩnh Phúc di cư vào hồi đầu thế kỷ XX. Người Dao Đỏ hiện đang sinh sống tại Mường Lát di cư từ Lào qua Việt Nam muộn hơn vào năm 1945.

Mặc dù số đồng bào dân tộc Dao ở Thanh Hóa không đông như đồng bào Mường và Thái nhưng vốn văn hóa truyền thống của người Dao kha phong phú và đa dạng, trong đó độc đáo hơn cả là trang phục phụ nữ, chữ viết và các làn điệu dân ca. Hiện nay, có nhiều nét văn hóa xưa vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, song cũng có những nét văn hóa đang dần bị mai một.

Trước hết là chữ viết chữ viết luôn thực hiện vai trò tích cực trong việc làm nên những thành tựu văn hóa cũng như bảo tồn và phát triển chúng, bằng cách ghi lại cho người khác và các thế hệ kế tiếp nhau cùng đọc. Chữ viết còn có vai trò như một phương tiện để tăng cường sự cố kết trong nội bộ một dân tộc và hướng về cội nguồn. Giống như các dân tộc khác, chữ viết của đồng bào dân tộc Dao Thanh Hóa là một loại hình di sản gắn liền với sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của người Dao.

Chữ Nôm Dao phát triển và tồn tại hàng ngàn năm. Các nhà khoa học hiện chưa xác định được, chỉ biết rằng từ bao đời nay, người Dao đã coi đây là chữ viết của dân tộc mình. Ở Thanh Hóa, người Dao còn lưu giữ được bộ kinh 9 quyển bằng chữ Nôm Dao, nội dung sách khá phong phú, gồm nhiều loại hình, bên cạnh giá trị hướng dẫn thực hành đạo giáo, còn có giá trị bảo tồn phong tục tập quán, nghi lễ thờ cúng, ma chay, tổ chức lễ hội, cấp sắc, rồi cả nội dung hướng dẫn làm nông nghiệp, nắm bắt quy luật thiên nhiên, địa lý, giáo dục nhân cách làm người, hướng dẫn về bài thuốc và cây thuốc gia truyền, rồi về lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Dao.... Nhờ có sách cổ, các tri thức dân gian được ghi chép, truyền lại cho thế hệ sau. Bộ sách cổ 9 quyển của người Dao còn là nguồn tư liệu phong phú trong việc nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của chữ Dao.  

Có thể nói, chữ Nôm Dao được coi là “năng lượng sống” của văn hóa dân tộc Dao xứ Thanh. Vì vậy, đứng trước thực trạng  chữ Nôm Dao có nguy cơ bị mai một, năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký xác nhận đưa vào truyền dạy cho đồng bào người Dao trên toàn tỉnh. Và để bảo tồn và truyền dạy chữ Nôm Dao cho cộng đồng người Dao Thanh Hóa, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh đã phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao, sưu tầm, biên soạn bộ chữ và chương trình giảng dạy chữ Nôm Dao. Đồng thời, phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị với các sở, ban, ngành liên quan để đóng góp phần hoàn thiện bộ chữ và chương trình dạy chữ Nôm Dao Thanh Hóa. Sở VHTTDL đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh, phòng VHTT, TTVH các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát xây dựng đề án, chính sách thiết thực, động viên nghệ nhân mở các lớp truyền dạy do tỉnh, huyện tổ chức. Trong quá trình truyền dạy chữ Dao đã xuất hiện những cá nhân điển hình tiên phong đi đầu trong việc gìn giữ vốn văn hóa truyền thống như ông Phùng Thanh Khương - Trưởng thôn Phú Sơn, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy). Cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất Phú Sơn, từ bé ông đã được bố mẹ động viên, tạo điều kiện cho học chữ Dao và các phong tục tập quán của người Dao. Với nỗ lực cá nhân, ông đã đưa ra nhiều hình thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, đặc biệt là việc mở lớp truyền dạy chữ Hán - Nôm Dao cho các thế hệ đồng bào người Dao trong huyện.

Trang phục của người Dao ở Thanh Hóa - điển hình là Dao quần chẹt khá đẹp và độc đáo vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng của những người ở rừng, chống chọi lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Trang phục của người Dao gồm các thành tố: Mũ, khăn, áo, yếm, váy, quần, xà cạp, dây lưng, với gam màu chàm và đen quen thuộc. Các họa tiết hoa văn trang trí đa dạng, phong phú như cỏ cây, hoa lá, muông thú… đã được tối giản, cách điệu với những gam màu cơ bản: Vàng, đỏ, trắng, xanh lá cây… Tất cả như khắc họa lên bức trang đầy màu sắc về thiên nhiên và con người nơi đây. Đồ trang sức cũng chỉ được dùng trong các ngày lễ hội, làm tăng thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để người phụ nữ thể hiện sự giàu có thông qua số lượng, trọng lượng của trang sức đeo trên người.

Ngày đầu đến Thanh Hóa, đàn ông Dao mặc quần áo không có gì đặc biệt, một áo dài, một áo cắt theo kiểu Mường (thường có màu trắng), vải khăn chít đầu (xanh lơ), tóc cài lược. Phụ nữ tự may trang phục bằng vải xanh mua ở chợ, ngực che một mảnh vải như yếm của phụ nữ Việt, thêu viền trắng... Họ cạo đầu trọc phía trước, tóc bôi sáp ong, mỡ, cuốn lại và chít khăn để giữ lấy. Cổ đeo nhiều vòng bạc, trên yếm có đeo 2 hình bán cầu rỗng bằng bạc. Nhu cầu làm đẹp của con người thông qua trang phục là một xu hướng tất yếu, đồng hành cùng lịch sử phát triển của nhân loại. Trang phục truyền thống của người Dao quần chẹt cũng vậy, trải qua những biến động của lịch sử, sự giao thoa, hội nhập các nền văn hóa khác nhau, nhưng kết cấu trang phục, hoa văn, màu sắc... vẫn đọng lại theo thời gian. Nó đã trở thành nét độc đáo rất riêng của người Dao ở Thanh Hóa. Hiện nay, tại các làng chỉ còn các Mù Củ (bà già) dệt các trang phục bằng tay và Hội phụ nữ các xã đang lồng ghép để truyền dạy cho chị em cách may trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Người Dao ở Thanh Hóa có đời sống văn hóa tâm linh phong phú và “Tết Nhảy”, “Tết năm cùng” hay “Múa Rùa” là nét văn hóa có từ rất lâu đời. Tết Nhảy thường được tổ chức trong tháng Chạp, thường là vào ngày rằm cuối cùng của năm âm lịch. Người Dao tổ chức Tết Nhảy là để tạ ơn trời đất, tổ tiên đồng thời là dịp để cầu mùa, cầu bình an và gửi gắm ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo chu kỳ cứ 10 đến 15, bà con năm mới tổ chức Tết Nhảy một lần theo lời hứa của từng họ người Dao. Có thể nói, Tết Nhảy được xem là nghi lễ quan trọng bậc nhất của người Dao, là như “sợi chỉ đỏ” kết nối tộc người, xóa nhòa sự ngăn cách về khoảng cách địa lý. Sự huyền bí của Tết Nhảy đến nay vẫn là thách thức với không ít nhà nghiên cứu trong việc giải mã cái Tết đặc trưng nhất của người Dao Thanh Hóa.

Múa Rùa là một trong những nghi lễ đội ơn thần linh, trời đất đã cứu giúp người Dao thoát chết và có cơ hội được mưu sinh, lạc nghiệp trên mảnh đất mới. Trước khi múa, người ta phải chuẩn bị các dụng cụ như: Dao, kiếm, chuông, khèn, sập xèng và trống. Trong đó, kiếm được coi là thứ vũ khí, khí tài để bảo vệ bản làng, dân tộc. Tất cả các dụng cụ, nhạc cụ khi được tấu lên sẽ tạo nên một bản âm hưởng vang dội trong điệu múa. Các điệu múa diễn tả nhiều động tác, như tìm rùa, bắt rùa, trói rùa khiêng về nhà để dâng cúng Bàn Vương và các vị thần thánh tổ tiên. Mong các thần về phù hộ độ trì cho gia chủ và bản làng được bình yên, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi. Múa rùa vừa mang đậm bản sắc văn hóa các tộc người, lại vừa thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy. Trong mỗi điệu múa còn chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của đồng bào dân tộc Dao ở miền núi xứ Thanh. Múa Rùa của đồng bào dân tộc Dao miền núi xứ Thanh không chỉ đơn thuần mang yếu tố nghệ thuật, tâm linh mà còn mang tính giáo dục, sự kế thừa văn hóa truyền thống, là sự tái diễn lại hoạt động trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống đời thường. Đây là những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng quý giá trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của người Dao, cần được bảo tồn và gìn giữ.

Trong các nét văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Hóa, những làn điệu dân ca dân vũ luôn thu hút đồng bào tham gia, nhất là giới trẻ. Nếu như Tết Nhảy cùng với Múa Rùa đại diện cho nét văn hóa tâm linh của đồng bào Dao thì điệu Múa Bát lại thu hút người xem bởi sự mới lạ và dân dã. Đây là điệu múa không thể thiếu trong các các lễ hội của người Dao Thanh Hóa. Để có thể thuần thục điệu múa này không hề đơn giản. Trước tiên, người múa phải cầm bát cầm đũa sao cho chắc chắn, gõ đũa vào bát sao cho đúng nhịp phách của bài hát, bát được chọn là bát nhựa hoặc bát sắt làm sao để âm thanh khi phát ra trong và đảm bảo độ vang. Điểm khó nhất trong điệu Múa Bát là phải kết hợp giữa sự di chuyển của cơ thể với tay cầm bát, làm sao để vừa gõ bát đúng nhịp vừa múa uyển chuyển. Trong các ngày lễ tết của người Dao, điệu Múa Bát luôn là phần hội được bà con mong chờ nhất.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa 8 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”,  UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở VHTTDL đã phục dựng thành công lễ Cấp Sắc tại các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc và được bảo tồn tốt trong cộng đồng người Dao. Năm 2016, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phục dựng đề án Tết Nhảy của người Dao huyện Ngọc Lặc”, dự kiến đề án sẽ được thực hiện và đi vào phát triển trong những năm tiếp theo. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn hướng về cơ sở, giúp các xã, các làng xây dựng mới và củng cố lại các loại hình câu lạc bộ, đặc biệt chú trọng đến các câu lạc bộ (CLB) đặc thù dân tộc như: CLBvăn nghệ dân gian: Múa Rùa, Múa Bát, Tết Nhảy của dân tộc Dao - nhằm giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà nghị quyết của Đảng đã đề ra. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng mai một về văn hóa truyền thống bản địa, ngành văn hóa cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan mở lớp truyền dạy như chữ viết, các làn điệu dân ca, nghề truyền thống... Và trong các kỳ hội diễn, liên hoan văn hóa dân tộc, các lễ hội truyền thống... những nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Dao luôn được tham gia nhằm lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa ấy trong sinh hoạt cộng đồng.

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Dao Thanh Hóa.

Cũng giống như các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông... đời sống văn hóa tinh thần dân tộc Dao ở Thanh Hóa mang những giá trị quý báu cần được bảo tồn và phát huy. Hiện nay, ngoài chữ viết của người Dao đang được lưu giữ và truyền dạy có hiệu quả, còn không ít giá trị khác do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập… bị  pha tạp, mai một dần và có nguy cơ mất vĩnh viễn như trang phục, nếp sống văn hóa, văn nghệ dân gian phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ…

Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Dao.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Dao có ý thức sâu sắc về nền văn hóa của dân tộc mình, biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong cuộc sống mới. Chừng nào đồng bào dân tộc Dao hiểu ra rằng cần phải giữ gìn và phát huy nền văn hóa của mình chừng ấy mới có kết quả.     

3. Coi trọng, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, xây dựng đề án bảo tồn, truyền dạy - giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đến thế hệ con cháu, dân cư trong xóm, làng và trong khu vực; áp dụng các biện pháp cần thiết của chính quyền các cấp để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Quảng bá và giới thiệu các di sản ra ngoài khu vực nó sinh ra để tạo sự giao lưu, qua đó tăng thêm sức sống cho di sản.

Có chính sách tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao. Khuyến khích hơn nữa việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh thông qua học chữ của đồng bào Dao trên toàn tỉnh, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống dân tộc cũng như các tri thức dân gian khác.

4. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xã hội hóa để đưa các giá trị văn hóa đó trở thành sản phẩm du lịch trong quá trình hội nhập hiện nay. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân nắm giữ và có công phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao như công nhận Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân...        

5. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cho đồng bào Dao; cân đối phân bổ ngân sách thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa và những đồng bào dân tộc có tâm huyết trong việc giữ gìn vốn văn hóa dân tộc mình; lồng ghép các chương trình đầu tư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho đồng bào Dao./.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa (Tác giả: Nguyễn Mai Hương)

 

 

 

 

 

 

 

 

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch