Liên hoan Đờn ca Tài tử tỉnh Bình Phước lần thứ IV năm 2018, được diễn ra từ ngày 7/8 đến ngày 9/8, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Phước với chủ đề “Cung bậc tơ lòng”.
Liên hoan diễn ra nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có loại hình Đờn ca tài tử Nam bộ; góp phần vào việc tôn vinh, giữ gìn và phát triển những tinh hoa của âm nhạc dân tộc độc đáo, có sức sống mãnh liệt tồn tại trong lòng xã hội Việt Nam. Khẳng định giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trong nhân dân để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Bên cạnh đó là cuộc hội ngộ, giao lưu giữa các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đờn, tài tử ca của tỉnh, qua đó tạo cơ hội cho các câu lạc bộ, các ban Đờn ca tài tử trong tỉnh giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Tham gia Liên hoan có các đoàn đến từ 11 huyện, thị xã và các câu lạc bộ, đội nhóm, cá nhân trên địa bàn tỉnh, có 78 tiết mục, gồm các thể loại đơn ca, song - tam ca, nhạc cụ, hòa tấu, độc tấu…Nội dung các tiết mục là ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng, công ơn của Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, bản sắc riêng của từng địa phương, ca ngợi tấm gương người tốt, việc tốt.
Là người dân tộc S’tiêng, anh Điểu Len (40 tuổi) của đoàn Đờn ca Tài tử huyện Hớn Quản từ nhỏ đã đam mê loại hình nghệ thuật này, anh cho biết: “Rất nhiều người bất ngờ, khi tôi là người S’tiêng nhưng lại thích hát Đờn ca Tài tử. Khoảng 7,8 tuổi tôi đã bắt đầu nghe và học thuộc lời các bài ca của các tài tử ca, các bậc tiền nhân đi trước qua đài cát sét cũ. Giờ đây, khi trưởng thành mỗi ngày đi nương, rẫy về, đến tối tôi chỉ muốn thật nhanh chóng gặp các thành viên trong CLB để được hát những câu nam ai, giang nam,... Đến với Liên hoan lần này, tôi rất vui, vì được đêm lời ca, tiếng hát của mình đến với đông đảo mọi người”.
Trong niềm phấn khởi khi tham gia Liên hoan, ông Hoàng Quân, tài tử ca của đoàn Đờn ca Tài tử huyện Chơn Thành chia sẻ: “Liên hoan lần này Đoàn ĐCTT huyện Chơn Thành tham gia với chủ đề “Tình người tài tử phương Nam”, nội dung chủ yếu xoay quanh về tình yêu vùng đất Bình Phước và sự phát triển của khu công nghiệp đô thị. Các thành viên trong đoàn đã chăm chỉ, nghiêm túc tập luyện để mang đến Liên hoan những tiết mục hay nhất, hoàn chỉnh nhất. Lâu rồi chúng tôi mới được tham gia một chương trình quy mô, sân khấu lớn như vậy. Thường thì chúng tôi chỉ tập trung lại một nhóm và hát cùng nhau. Đây không chỉ là dịp các Đoàn tranh tài với nhau mà còn là dịp các Đoàn giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để góp phần bảo tồn và tôn vinh loại hình âm nhạc này”.
Sau ba ngày diễn ra Liên hoan, theo đánh giá của Ban tổ chức và Ban giám khảo, chất lượng các phần dự thi của liên hoan năm nay được nâng lên đáng kể, không chỉ ở nội dung mà còn bởi nghệ thuật dàn dựng. Các tác phẩm mang đến liên hoan đều được đầu tư công phu, xây dựng theo chủ đề xuyên suốt của liên hoan. Liên hoan cũng đã hội tụ được những ngón đờn điêu luyện, những tiết mục biểu diễn gắn liền với đời sống văn hóa đương đại. Đặc biệt, các chương trình dự thi đã chọn những bài ca mang tính nghệ thuật, đậm đà tính nhân văn, vừa có tính thời sự. Điều này thể hiện trách nhiệm cao của các đoàn dự thi cũng như sự đam mê loại hình nghệ thuật đơn ca của các tài tử đờn, tài tử ca.
Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 25 giải thể loại đơn ca; 13 giải thể loại song - tam ca; 11 giải nhạc cụ; 12 giải chương trình. Đoàn Đờn ca tài tử huyện Chơn Thành xuất sắc đạt giải nhất toàn đoàn, giải ba toàn đoàn thuộc về đơn vị thị xã Đồng Xoài (không có giải nhì toàn đoàn). Tại Liên hoan, Ban Tổ chức trao các giải phụ như giải tài tử đờn lớn tuổi xuất sắc nhất, tài tử ca nhỏ tuổi nhất, soạn giải có nhiều tác phẩm tham gia Liên hoan đạt chất lượng cao, tiết mục ca vọng cổ nhịp 16 hay nhất, tiết mục ca ra bộ hay nhất.
Những năm qua, không chỉ tạo dấu ấn trong chương trình biểu diễn qua các kỳ Liên hoan, phong trào ĐCTT ở Bình Phước còn có nhiều nét riêng rất thú vị. Đó là mô hình lớp học tài tử, được thầy cô là những cán bộ thuộc TTVH Thành phố Hồ Chí Minh đến chỉ dạy. Lớp học khá đa dạng thành phần dân tộc, độ tuổi và hội tụ nhiều xã ở khắp 10 huyện, thị xã trong tỉnh. Ngành nghề cũng phong phú từ bác sĩ, kỹ sư đến học sinh, công an, bộ đội, giáo viên, cán bộ, công nhân, nông dân... Họ chủ động khắc phục thời tiết, địa hình, đường sá... để đến học.
Bà Dương Thị Thanh Vị, Phó Trưởng Ban tổ chức Liên hoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 22 CLB ĐCTT với 750 hội viên. Trong đó, ở TX.Đồng Xoài, huyện Bù Đốp, huyện Hớn Quản có nhiều CLB tự phát sinh hoạt rất sôi nổi. Bên cạnh sân chơi được tổ chức 2 năm một lần như Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh, Bình Phước còn tổ chức nhiều lớp tập huấn ĐCTT từ cơ bản đến nâng cao cho các nghệ nhân, tài tử và người mộ điệu. Qua đó, dần dần nâng cao chất lượng trong các ngón đờn và giọng ca, phát triển thêm nhiều CLB, nhiều nghệ nhân”.
Nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật di sản này, ngày 29-5-2015, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong đã ký Quyết định số 1073/ QĐ-UBND về ban hành Đề án Bảo tồn và phát triển ĐCTT trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2015-2020. Theo đó, đề án có 8 giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện ứng dụng, nâng cao chất lượng ĐCTT; huy động nguồn lực, phối hợp với các đơn vị chức năng và cơ quan truyền thông đưa ĐCTT đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ sâu rộng hơn; tạo điều kiện để nghệ nhân trong tỉnh giao lưu với các tỉnh, thành khác.
Ông Trần Văn Chung, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước chia sẻ: “Đờn ca tài tử đã trở thành phong trào văn nghệ đậm nét văn hóa dân gian, là món ăn tinh thần không thể thiếu, là niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, góp phần vào việc tôn vinh, giữ gìn và phát triển những tinh hoa của âm nhạc dân tộc độc đáo, có sức sống mãnh liệt tồn tại trong lòng xã hội Việt Nam. Tại Bình Phước, chỉ là vùng lan tỏa của loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, Bình Phước vinh dự là một trong 21 tỉnh, thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử được duy trì phát triển và ngày càng thẩm thấu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Vì vậy, định kỳ 2 năm 1 lần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử, đây là dịp để các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca trong tỉnh có dịp hội ngộ, giao lưu, qua đó tạo cơ hội cho các Đoàn, câu lạc bộ, các cá nhân, các ban Đờn ca tài tử có dịp gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết chung tay bảo vệ nghệ thuật Đờn ca tài tử vì mục tiêu phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thật hiệu quả chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”./.
Nguồn: Tạp chí XDĐSVH (Trang Hương)