Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc. Đây là hoạt động hướng đến 78 năm kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023) và Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2023). Hơn 1.000 cán bộ văn hóa tại 63 điểm cầu trên cả nước đã tham dự Hội nghị.
Đây là lần đầu tiên Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc nhằm thiết thực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đồng thời, là dịp để nhận diện, giới thiệu các mô hình xây dựng môi trường văn hóa tiêu biểu; trao đổi nghiệp vụ quản lý Nhà nước về văn hóa; đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa.
Đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác VHTT&DL và gia đình từ Trung ương đến địa phương ôn lại quá trình hình thành, phát triển, cống hiến của ngành văn hóa; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương mình trong giữ gìn, xây dựng và phát triển văn hóa tại địa bàn. Nhiều mô hình văn hóa kiểu mẫu như "Xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Giải pháp về đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn giá trị di sản Quan họ Bắc Ninh; Mô hình "Đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái"; Mô hình "Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội" ở Ninh Bình; Mô hình "Phát triển Câu lạc bộ bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh"; Mô hình "Đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn" trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã đánh giá: "10 báo cáo tham luận tại Hội nghị như 10 điểm sáng của ngành Văn hóa tại cơ sở. Đó chính là thực tiễn sinh động để các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm".
"Có thể thấy rằng, ngành Văn hóa đã có nhiều điểm mới. Thể hiện là chúng ta đã có cách tiếp cận mới hơn về mặt nhận thức. Bởi, Văn hóa là lĩnh vực rộng phải được tiến hành thường xuyên, xác định đây là nhiệm vụ chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp"- Bộ trưởng VHTTDL nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiếm có một Bộ nào có hệ thống các sở địa phương nhiều như Bộ VHTTDL với 73 sở quản lý trên tất cả 3 lĩnh vực Văn hóa-Thể thao- Du lịch.
"Số lượng lớn đòi hỏi tầm quản lý phải cao, cách tiếp cận linh hoạt, sự kết nối càng phải đa dạng. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, để tạo nên sức mạnh tổng hợp toàn ngành với tinh thần "Bộ mạnh sẽ giúp cho Sở mạnh", tinh thần này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các địa phương" - Bộ trưởng nói và cho rằng, chúng ta đã dần bỏ được tư duy "mạnh ai nấy làm", để cùng nhìn về cùng một hướng, tạo thành một "dòng chảy chung" nhằm thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả của toàn Ngành Văn hóa cả nước./.