Ngày 15/6/2023, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Văn hóa cơ sở. Đây là một trong những hoạt động cụ thể của Bộ VHTTDL trong năm 2023, nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Các đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở; Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe đồng chí Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở trình bày báo cáo đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Báo cáo đã nêu rõ:
Ngày 19 tháng 6 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoeke, dịch vụ vũ trường. Sau khi Nghị định được ban hành, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện đã được tiến hành nghiêm túc, kịp thời từ trung ương đến địa phương. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã được các Bộ, ngành liên quan xây dựng. Việc quản lý hoạt động kinh doanh vũ trường, karaoke, sau gần 05 năm triển khai thực hiện Nghị định, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã dần đi vào nề nếp, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc thực hiện quy định về phòng, chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh loại hình dịch vụ này đang gặp khó khăn; một số cơ sở doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke, vũ trường chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật song vẫn cố tình hoạt động, xảy ra tệ nạn xã hội, vi phạm về an ninh trật tự, đã để lại hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản.
5 năm qua, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước được tổ chức an toàn, vui tươi, văn minh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần trong đời sống của nhân dân. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã dần đi vào nền nếp, đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hoá và lịch sử, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn của người Việt Nam; nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Một số lễ hội còn tồn tại hiện tượng đốt đồ mã; Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa được xử lý kịp thời... Công tác thanh tra, kiểm tra di tích có thời điểm chưa được thực hiện thường xuyên; sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội có lúc còn chưa chặt chẽ.
Phát biểu tại Hội nghị 13 ý kiến của đại diện các Bộ Công an, Bộ Xây dựng và đại diện Lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao đã tập trung trao đổi, đánh giá thực tiễn, đi sâu phân tích và thống nhất với những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện 02 Nghị định. Đồng thời, chỉ rõ những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: Hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa cơ sở đã được ban hành khá đầy đủ, kịp thời, bao quát hầu hết các vấn đề liên quan đến hoạt động văn hóa cơ sở, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Nghị định 54/2019/NĐ-CP ra đời đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh loại hình dịch vụ này; Nghị định 110/2018/NĐ-CP ra đời cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lễ hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, văn minh. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa bàn theo quy định. Ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường đó là việc thực hiện những quy định của pháp luật về phòng chống cháy nổ, và an ninh trật tự. Đây là quy định bắt buộc đối với loại hình kinh doanh có điều kiện cần có những giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh: Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và lễ hội là những lĩnh vực đòi hỏi công tác quản lý phải sát sao, chặt chẽ, đặc biệt phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và tăng cường trách nhiệm của các địa phương. Sau khi Nghị định Nghị định 54/2019/NĐ-CP và Nghị định 110/2018/NĐ-CP ra đời, công tác quản lý Nhà nước tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, đáp ứng cầu chính đáng của người dân ở cơ sở. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế, đòi hỏi công tác quản lý phải được tăng cường, siết chặt. Yếu tố quan trọng là phải nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân về những quy định pháp luật nói chung, phạm vi trách nhiệm quản lý Nhà nước của từng ngành, trong đó có ngành VH-TT&DL. Cần có nhận thức và đối xử công bằng đối với các loại hình dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh diễn ra chặt chẽ, an toàn, đúng các quy định pháp luật. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan. Trước những bất cập hiện nay, Bộ VH,TT&DL sẽ giao Cục Văn hoá cơ sở chủ trì, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các lớp tập huấn tại các địa phương./.
Tin: Mai Tuyết - Ảnh: Tuấn Linh