Lối sống, nếp sống là một trong những yếu tố cơ bản để tạo nên đời sống xã hội. Lối sống nếp sống phản ánh các chuẩn mực xã hội, mang tính khuôn mẫu và đóng vai trò quyết định, chi phối các mối quan hệ trong xã hội.
Trong mỗi xã hội, việc hình thành một lối sống hay một nếp sống tất yếu phải có những quy luật, bởi vậy, để xây dựng lối sống, nếp sống đẹp luôn nằm trong quá trình kế thừa, mỗi cá nhân có trách nhiệm phải nhận thức cho rõ nội dung của sự kế thừa và phát triển, bản sắc của gia đình, cộng đồng dân cư, dòng họ, tộc người. Trong cuộc sống hiện tại, lối sống, nếp sống của cá nhân, gia đình gắn liền với các hành vi cụ thể. Trong đời sống có những hành vi sống thuộc về lĩnh vực thị hiếu, cá tính chúng ta không can thiệp sâu, có những phong tục riêng biệt của từng địa phương, hoặc từng dân tộc nhỏ mà nó không có hại thì ta không nên can thiệp và thậm chí cần khuyến khích để tạo cho sự phong phú, đa dạng trong văn hóa, tạo nên sự kết hợp hài hòa nhưng không tái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta mở cửa, hội nhập quốc tế, bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại thì cũng không ít những rủi ro, thách thức cần phải được điều chỉnh, gạn đục khơi trong. Vậy, để làm tốt công tác xây dựng nếp sống văn hóa trong bối cảnh xã hội hiện tại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước chúng ta cần xác định rõ phạm vi, nội dung và phương châm trong công tác xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa.
1/ Về phạm vi xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa
Nội dung của công tác xây dựng nếp sống văn hoá chúng ta tập trung vào ba nhóm vấn đề đó là: Nếp sống cá nhân; Nếp sống gia đình và Nếp sống xã hội. Ba nội dung này có quan hệ tương quan mật thiết với nhau và có sự ảnh hưởng tác động đến nhau.
Xây dựng nếp sống cá nhận, nếp sống gia đình và nếp sống xã hội chính là xây dựng con người mới bởi, non người mới là sản phẩm của xã hội, vừa là chủ thể có ý thức của xã hội. Nhưng con người mới không thể hình thành một cách tự phát, mà phải trải qua quá trình xây dựng một cách tích cực và chủ động. Con người mới cũng phải được tu dưỡng trong môi trường gia đình và môi trường xã hội.
Như chúng ta thấy, nếp sống văn hoá của mỗi con người, ngoài biểu hiện trong lao động sáng tạo, trong làm ăn sinh sống, trong học tập và rèn luyện, trong đạo đức và nhân cách, trong giao tiếp và ứng xử. Nếp sống, lối sống văn hóa còn được biểu hiện trong phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng, dòng họ hay mỗi cá nhân. Xây dựng nếp sống cho gia đình, thực chất là xây dựng cho mõi gia đình có nếp sống văn hoá, ở đó gia đình hòa thuận, yêu thương, ông bà, cha mẹ mẫu mực, cháu con thảo hiền, chăm ngoan, hiếu học. Có lối sống đẹp, đó là nếp sống tương thân tương ái, đoàn kết ở làng, thôn, bản, ấp; nếp sống ở cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện là nếp sống kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm. trong xây dựng nếp sống xã hội, đó là xây dựng cho mỗi cá nhân có hiểu biết và tôn trọng luật pháp, các quy tắc trật tự công cộng.
2/ Nội dung xây dựng lối sống, nếp sống
Nội dung xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa chúng ta phải xác định nội dung cư bản trong công tác xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa là gì, đó là: xây dựng lối sống, nếp sống cá nhân; xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, chợ văn hóa… từ đó hình thành giá trị, chuẩn mực xã hội trong thời kỳ mới.
Về Xây dựng nếp sống cá nhân, đó là thái độ, hành vi, cách ăn mặc, nói năng, phép ứng xử với mọi người; kỷ luật lao động, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và đối với các thành viên gia đình (chăm sóc giáo dục con cái, nuôi dưỡng cha mẹ, chăm sóc người cao tuổi), bạn bè hàng xóm. Xây dựng gia đình có nếp sống văn hóa là khai thác những yếu tố tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam, đề cao trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình, cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Xây dựng nếp sống xã hội lòa hình thành những chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử văn hóa, có lối sống, nếp sống văn minh, lành mạnh, tiến bộ.
Về xây dựng Gia đình văn hóa hiện nay, chúng ta thực hiện những nội dung cơ bản, đó là: Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua; hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tổ chức lao động, sản xuất kinh doanh, công tác học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Để thực hiện nội dung này, tùy điều kiện, nhu cầu, hoàn cảnh của từng địa phương để chúng ta vận dụng các tiêu chuẩn sao cho phù hợp hợp.
Về Xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa nơi công cộng như: đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa, chợ, di tích, danh thắng… cần xây dựng cho mỗi người có hiểu biết và tôn trọng luật pháp, các quy tắc trật tự, vệ sinh, an toàn giao thông... Tổ chức tốt các hoạt động vệ sinh môi trường ở những nơi công cộng như đường làng, ngõ xóm. Sử dụng những quy tắc, quy định, biển báo, bảng hướng dẫn… để hướng dẫn nếp sống nơi công cộng. Đặc biệt, hiện nay ở các khu dân cư việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được chính quyền và người dân vận dụng rất tốt trong quản lý xã hội cáp cơ sở. Cần phải chú ý đến cảnh quan chung, ngoài sạch sẽ còn phải chú ý đến thẩm mỹ từ khuôn viên gia đình đến đường làng, ngõ xóm nơi công cộng; thực hiện các hành vi ứng xử có văn hóa, giao tiếp, trang phục gọn gàng, thân thiện.
3/ Về phương châm chỉ đạo và phương pháp công tác
Xây dựng lối sống, nếp sống là công việc không chỉ có cá nhân mà liên quan đến nhiều người, nhiều gia đình, nhiều ngành ở nhiều cấp khác nhau. Vì vậy, cấp uỷ Đảng và các cấp phải trực tiếp chỉ đạo, chính quyền các cấp là người tổ chức thực hiện, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu tổ chức thực hiện và có sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể vận động, tuyên truyền và tranh thủ sự hưởng ứng thực hiện của các tầng lớp nhân dân. Công tác xây dựng lối sống văn hóa, nếp sống, xây dựng phong tục tập quán tốt đẹp phù hợp với truyền thống dân tộc là mối quan tâm của mọi người, mọi nhà, mọi ngành và ở các cấp. Việc xây dựng nếp sống, lối sống văn hóa phải đảm thực hiện với phương pháp: kiên trì, lâu dài, nhưng phải rất khẩn trương, đồng bộ, lấy biện pháp vận động giáo dục là chủ yếu, lấy xây là chính, xây kết hợp chống và phải luôn luôn được củng cố, hoàn thiện và phát triển.
Công tác xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa phải có những cán bộ văn hóa có trình độ, am hiểu về phong tục, tập quán. Cán bộ trực tiếp làm công tác này phải được trang bị những kiến thức cơ bản vững chắc các vấn đề về bản sắc văn hóa dân tộc, về lối sống, nếp sống, phong tục tập quán, các vấn đề tôn giáo, về tín ngưỡng, về văn hóa dân gian, về văn hóa nghệ thuật, về phương thức điều tra, khảo sát và phương pháp chỉ đạo, công tác quần chúng... để thực hiện.
Từng bước tìm hiểu, nghiên cứu, phân loại các vấn đề trong nếp sống và con người, đặc biệt là lý luận và thực tiễn của Việt Nam để có phương hướng, nội dung, biện pháp tổ chức và chỉ đạo cho sát hợp với từng lúc, từng nơi, từng vùng. Sử dụng các lực lượng tích cực và có uy tín trong xã hội làm nòng cốt, làm hạt nhân của cuộc vận động (lực lượng trí thức ở nông thôn, lực lượng cán bộ có uy tín, lực lượng hưu trí, hội Cựu chiến binh…).
Phát hy vai trò của truyền thông trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức và nội dung trên cơ sở kế hoạch tuyên truyền, động viên gây dư luận rộng rãi hỗ trợ cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Dùng dư luận xã hội để điều chỉnh hành vi cá nhân, phê phán cái xấu, cái ác, tuyên dương người tốt việc tốt và định hướng thông tin./.
Nguyễn Duy Kiên
Tài liệu tham khảo:
- Xây dựng môi trường văn hóa một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2004);
- Xây dựng Gia đình văn hóa trong sự nghiệp đổi mới, NXB Chính trị Quốc gia (1997);
- Hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Chí Bền, NXB VHDT (2016);
- Sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay, nguyên nhân và giải pháp, Hoàng Tuấn Anh (chủ biên), NXB VHDT (2016);
- Phát huy vai trò hương ước, quy ước đối với xây dựng đạo đức, lối sống trong giai đoạn hiện nay, Cục Văn hóa cơ sở (2018).