5 năm thực hiện Chương trình phối hợp 08/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng giai đoạn 2014-2018 (Chương trình 2645), đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
1. Những thành quả đạt được
Xuất phát từ thực tiễn nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục các loại đối tượng, phù hợp với quy định pháp luật, Tổng cục VIII (nay là Cục C10), Bộ Công an đã phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Thư viện, Vụ Thể thao quần chúng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an ký ban hành Chương trình 2645 nhằm tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo thư viện, vui chơi giải trí và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về tổ chức các hoạt động văn hóa, tinh thần. Đây là Chương trình phối hợp có giá trị thực tiễn, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nhân văn, từng bước hướng đến giáo dục cải tạo theo các giá trị “Chân - Thiện - Mĩ”.
Trong 5 năm (2014-2018) thực hiện Chương trình 2645, các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình đã được các cơ sở quản lý, giam giữ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả theo các mục tiêu, yêu cầu và nội dung đã đề ra. Từ đó, nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực được tổ chức, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, xóa bớt mặc cảm về tội lỗi đã gây ra, thúc đẩy ý thức quyết tâm cải tạo tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục cải tạo.
Hoạt động tiêu biểu đầu tiên phải nhắc đến từ Chương trình 2645 là đã tổ chức thành công Ngày Hội văn hóa - thể thao năm 2015 - 2016 cho phạm nhân. Tất cả các trại giam đều tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công sự kiện, thu hút sự tham gia nhiệt tình của các phạm nhân và được dư luận xã hội đánh giá cao về tính nhân văn. Các trại giam tổ chức cho phạm nhân viết báo tường, vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương”, viết tự truyện “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, viết thư “Gửi lời xin lỗi”; tham gia tập luyện, thi đấu các môn thể thao (bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, đá cầu, bóng bàn, kéo co…
Để phát huy tốt hiệu quả Chương trình 2645, các trại giam đã gắn kết chặt chẽ các nội dung chương trình với các hoạt động thường xuyên của công tác giáo dục phạm nhân. Năm 2016, đã phối hợp tổ chức thành công Hội diễn “Tiếng hát tình đời” phạm nhân lần thứ III với sự tham gia của hơn 1.500 phạm nhân. Các đội văn nghệ phạm nhân đã tích cực luyện tập, chuẩn bị điều kiện để tham gia Hội diễn “Tiếng hát tình đời” trong từng trại giam và từng cụm. Hầu hết các tiết mục tham gia hội diễn có nội dung phong phú, nhiều tiết mục có tác dụng giáo dục tốt, để lại ấn tượng rất tốt đẹp, góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, biết ăn năn, hối hận, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, học tập, cải tạo tiến bộ. Kết quả Hội diễn các Cụm trại giam, Giải toàn đoàn: Có 8 trại giam đạt giải Nhất; 11 trại giam giải Nhì; 13 trại giam giải Ba và 13 trại giam đạt giải Khuyến khích; Ban Tổ chức Cụm tặng 98 giải cá nhân cho các tiết mục xuất sắc, giọng hát hay của Hội diễn.
Bên cạnh đó, phong trào thể dục, thể thao trong các cơ sở quản lý, giam giữ cũng được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả. Trong giai đoạn 2014-2018, Tổng cục Thể dục thể thao đã phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Báo Công an TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Tôn Hoa Sen lồng ghép triển khai tổ chức giải bóng đá Futsal cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cho học sinh trong các trường giáo dưỡng, xây dựng phong trào bóng đá rộng rãi và đạt kết quả cao.
Hoạt động thư viện của Chương trình 2645 là một trong những nội dung đạt được kết quả nổi trội, từng bước phát triển phong trào đọc sách, báo trong các đối tượng giáo dục. Hiện nay có 173 thư viện phạm nhân, trại viên và học sinh (PN,TV,HS) với tổng số sách hiện có là 268.040 cuốn. Trong 5 năm qua, các thư viện tỉnh, tổ chức, cá nhân tặng 138.999 cuốn, có 3.020.185 lượt PN, TV, HS đến mượn và đọc sách thư viện. Đặc biệt, nhiều cơ sở quản lý, giam giữ đã quan tâm đầu tư, nâng cấp thư viện xây dựng không gian đọc sách rộng rãi, đồng thời tăng cường bổ sung sách, báo, tài liệu cho thư viện, thu hút nhiều bạn đọc tìm đến, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong đối tượng giáo dục.
2. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Những thành quả đạt được từ Chương trình 2645 đã mang lại ý nghĩa giáo dục to lớn, được dư luận đánh giá cao. Ghi nhận những thành tích đạt được của các cá nhân, tập thể trong thực hiện Chương trình giai đoạn 2014-2018, có 422 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 15 cá nhân; Cục Văn hóa cơ sở tặng Giấy khen cho 09 tập thể, 29 cá nhân; Tổng cục Thể dục, Thể Thao tặng Giấy khen cho 05 tập thể, 10 cá nhân; Bộ Công an tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 19 cá nhân; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng tặng Giấy khen cho 78 tập thể, 223 cá nhân.
Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các đối tượng giáo dục trong các cơ sở quản lý, giam giữ là vấn đề quan trọng, được Nhà nước và xã hội quan tâm. Cùng với xu thế mở rộng hội nhập quốc tế, công tác giáo dục cải tạo các loại đối tượng đòi hỏi ngày một nâng cao toàn diện hơn nữa cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Đây là bước chuyển đổi quan trọng, sẽ có tác động mạnh tới các mặt của công tác giáo dục cải tạo các loại đối tượng. Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an thống nhất phối hợp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục cải tạo, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2019, thiết lập các cơ chế, điều kiện nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các đối tượng giáo dục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn công tác này. Nhất là các cơ chế, chính sách từng bước vận dụng và sáng tạo các hình thức, biện pháp mở rộng “xã hội hóa” công tác này cho phù hợp với tình hình, điều kiện của các đơn vị, địa phương, huy động các nguồn lực, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Thứ hai, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và các đối tượng giáo dục nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thư viện, đọc sách báo, vui chơi giải trí, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo bước chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn nữa, giúp các đối tượng yên tâm học tập, lao động, cải tạo tiến bộ.
Thứ ba, các cơ sở quản lý, giam giữ phát huy nội lực, tiềm năng để tăng cường tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho PN, TV, HS; phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả các kế hoạch phối hợp đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần cho đối tượng giáo dục. Bố trí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ phối hợp thực hiện ngày một tốt hơn nhiệm vụ công tác này./.
Mai Tuyết