Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành thành phố Hải Phòng, thường trực quận ủy, ban thường vụ quận ủy, lãnh đạo hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Đồ Sơn, các đồng chí lãnh đạo quận Đồ Sơn qua các thời kỳ, thành viên Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu quận Đồ Sơn, các nghệ nhân dân gian, các ông chủ trâu tham gia lễ hội năm 2019 và các cơ quan thông tấn báo chí của thành phố Hải Phòng tới dự và tuyên truyền cho Hội nghị.
Qua 30 năm khôi phục và phát triển, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được nâng cao về chất lượng, từng bước đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tế, cách thức tổ chức phần lễ và phần hội dần được hoàn thiện cả về quy mô, nội dung và hình thức. Phần lễ bao gồm nhiều nghi thức quan trọng: lễ thượng cờ, lễ rước nước, lễ lâm trận, lễ hiến sinh, lễ tống thần... Phần hội, giai đoạn 1990-2017, được tổ chức 2 vòng đấu: vòng loại và vòng chung kết. Số trâu tham dự phần hội cao nhất 32 “ông trâu”. Từ năm 2017 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố, hội chọi trâu chỉ còn vòng đấu duy nhất vào sáng 9-8 âm lịch, số trâu giảm xuống còn 16 “ông trâu”. Cơ sở vật chất phục vụ phần lễ và phần hội được quận Đồ Sơn quan tâm đầu tư, nâng cấp, dần hoàn thiện qua các kỳ lễ hội. Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2019 được tổ chức thành công, an toàn và đúng quy định. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách, quản lý giết mổ, mua bán thịt trâu trong khuôn khổ lễ hội có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, tổ chức cần được khắc phục như: công tác tuyên truyền về phần lễ còn hạn chế, chưa phát huy hết giá trị văn hóa của di sản; một số phường như phường Bằng La, phường Hợp Đức công tác tổ chức phần Lễ còn chưa bài bản theo đúng truyền thống lễ hội. Công tác tổ chức phần hội còn nhiều hạn chế: công tác bắt trâu, lực lượng bảo vệ được Ban Tổ chức ký hợp đồng trên sân vẫn chưa chuyên nghiệp; một số chủ trâu tuy đã được tuyên truyền về các quy định trong công tác tổ chức lễ hội nhưng vẫn còn vi phạm quy chế về số người dắt trâu vào sân thi đấu, rút mũi trâu thi đấu không đúng vị trí quy định; điều hành của Tổ trọng tài; công tác quản lý giết mổ bán thịt trâu chọi; công tác đón tiếp khách đã ảnh hưởng đến công tác tổ chức lễ hội; Công tác huy động kinh phí gặp nhiều khó khăn, việc ủng hộ đóng góp của một số phường chưa đầy đủ. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan báo, đài Trung ương, thành phố và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền cho lễ hội. Tiếp tục nghiên cứu xin ý kiến, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Quy chế tổ chức, Quy chế quản lý tài chính cho phù hợp với tình hình thực tế hàng năm; nghiên cứu thống nhất hoàn thiện các nghi lễ truyền thống để triển khai thực hiện tại các phường theo đúng truyền thống lễ hội. Nghiên cứu xây dựng phương án huy động kinh phí, phương án tổ chức để khắc phục tình trạng khó khăn về kinh phí hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Khắc Nam nhấn mạnh, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn mang tầm vóc quốc gia, mang nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân miền biển Hải Phòng. Đặc biệt, năm 2013, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản, đồng chí Lê Khắc Nam yêu cầu quận Đồ Sơn xây dựng kế hoạch tổ chức những kỳ lễ hội tới chu đáo, khoa học. Trong đó, bảo đảm phần lễ trang trọng theo truyền thống, an toàn tuyệt đối cho chủ trâu, người dân và du khách tham dự lễ hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng bằng khen 9 tập thể, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc qua 30 năm khôi phục và phát triển lễ hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn tặng giấy khen 24 tập thể và 30 cá nhân có đóng góp tích cực trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn./.
Thu Trang