“Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới” là chủ đề Hội thảo diễn ra ngày 23/8 tại thành phố Hải Phòng do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức.
Đồng chí Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện một số Cục, Vụ trực thuộc Bộ, đại diện các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hải Phòng tới dự và tuyên truyền cho hội thảo.
Hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề then chốt trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới như: Xác định vị trí, vai trò quan trọng của việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; Đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, phân tích nguyên nhân của những kết quả đạt được và hạn chế, bài học kinh nghiệm và những mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với xây dựng nông thôn mới; Đề xuất các giải pháp thực hiện thí điểm xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt về phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn hiện nay.
Hội thảo đã nhận được hàng chục ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới ở Trung ương và địa phương. Trên cơ sở thực trạng và những vấn đề đặt ra, hội thảo đã tập trung thảo luận và đề xuất một số giải pháp cần giải quyết trong thời gian tới như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp với tính đặc thù văn hóa của dân tộc ở địa phương, tăng cường các nguồn lực cho giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp chính quyền và đồng bào các dân tộc về phát triển kinh tế đồng hành với vấn đề bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; công tác khảo sát điều tra, sưu tầm các giá trị văn hóa về sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian như dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, hoa văn, nhạc cụ dân tộc; Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đánh giá các yếu tố khách quan, chủ quan và những tác động tiêu cực tiềm tàng của quá trình đô thị hóa, tái định cư đến với đồng bào các dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nhằm đáp ứng được yêu cầu công tác trong tình hình mới; có chính sách, cơ chế phát huy những người có uy tín, nghệ nhân, thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống và ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ là con em người dân tộc thiểu số làm công tác văn hoá. Xây dựng đời sống văn hoá và môi trường văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hoá với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc. Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cộng đồng, thực sự phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức các hoạt động văn hóa. Tích cực đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao nhất là việc xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở. Động viên mọi tầng lớp nhân dân, mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội tham gia xây dựng và phát triển các hoạt động văn hoá, thể thao…
Kết luận Hội thảo, đồng chí Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả của các bài tham luận, ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, nhà quản lý với hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để Cục Văn hóa cơ sở tổng hợp, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.
Thu Trang