Ngày 14-12-2018, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương đã có buổi làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân 2019.
Tham dự buổi làm việc có ông Dương Quang Ứng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc; lãnh đạo UBND các huyện: Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch và lãnh đạo UBND các xã có lễ hội trên địa bàn…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND các huyện đưa ra ý kiến: Nhiều lễ hội có nguồn gốc từ lâu đời gắn với nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân và truyền thống lịch sử của địa phương, do gián đoạn nhiều năm nay mới được khôi phục lại. Trong những năm qua, các cấp chính quyền luôn chấp hành các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh trong công tác tổ chức triển khai, có nhiều biện pháp để lễ hội diễn ra an toàn như: Không thu tiền bán vé; xây khu lò mổ riêng biệt; tăng cường lực lượng an ninh; gia cố hàng rào bảo vệ sân chọi, thay đổi nghi thức cướp phết bằng diễn phết... và đề xuất kiến nghị được thu vé dịch vụ xem chọi trâu để trang trải chi phí tổ chức, nâng cấp hạ tầng sân bãi, giảm tải lượng du khách; duy trì 16 cặp trâu chọi đáp ứng thời gian diễn ra lễ hội; đề nghị UBND tỉnh đầu tư kinh phí nâng cấp hạ tầng; đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu là Di sản văn hóa cấp quốc gia; đề nghị giữ nguyên nghi thức đắp Bụt và cướp phết theo nguyện vọng của bà con do yếu tố may mắn tâm linh…
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc Dương Quang Ứng đề nghị các địa phương, các cơ quan chuyên môn nên nghiêm túc thực hiện các văn bản của Nhà nước, của Bộ VHTTDL không nên chèo kéo và nhận trách nhiệm trước Bộ VHTTDL vì chưa kiên quyết, đôn đốc chỉ đạo các địa phương xây dựng đổi mới phương án tổ chức trình Bộ đúng thời gian theo chỉ đạo và phê bình lãnh đạo xã Bàn Giản (huyện Lập Thạch), xã Đồng Tĩnh (huyện Tam Dương) về việc này.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các huyện cùng cơ quan chuyên môn Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương ghi nhận sự phối hợp của Vĩnh Phúc trong thời gian qua và ở một số lễ hội đã chuyển biến thay đổi nghi thức phần hội nhằm đảm bảo an toàn, văn minh mà vẫn giữ được yếu tố gốc của lễ hội. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục VHCS không nhất trí với một số ý kiến sai lệch về tư duy trong tổ chức, quản lý lễ hội, ngụy biện bằng yếu tố truyền thống, tâm linh. Với chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về quản lý lễ hội, Cục văn hóa cơ sở - trực tiếp là cục trưởng đã nhiều lần xuống tận nơi kiểm tra, nắm bắt tình hình, gặp gỡ, trao đổi lắng nghe ý kiến người bà con và du khách, tiếp cận nghiên cứu hồ sơ của từng lễ hội..
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương đề nghị: Sở VHTTDL Vĩnh Phúc tham mưu UBND tỉnh triển khai tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, văn bản của Đảng - Nhà nước về công tác Quản lý, tổ chức lễ hội và các quy định của Nghị định 110/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2018;
Đề án đổi mới công tác tổ chức và quản lý hội chọi trâu phải phù hợp với nguồn gốc lịch sử văn hóa truyền thống của lễ hội; từ năm 2020, sẽ giảm số lượng trâu chọi xuống còn 10 cặp (19 thôn, mỗi thôn có một trâu tham gia chọi và thêm 01 trâu của đơn vị năm trước); không bán vé thu tiền vào lễ hội; có phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; gia cố hàng rào kiên cố khu vực chọi trâu và có phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý những tình huống phát sinh trong tổ chức lễ hội; kiểm soát và ngăn chặn tiêm chất kích thích cho trâu chọi; ngăn chặn các hiện tượng cá cược; quy định chặt chẽ trách nhiệm của Ban tổ chức, chủ trâu và người tham gia lễ hội… Mặc dù ban tổ chức đã xây khu giết mổ riêng biệt nhưng cần chú ý đảm bảo các yếu tố vệ sinh môi trường, trật tự hàng quán dịch vụ và việc niêm yết giá bán thịt trâu;
Tạm dừng tổ chức Lễ hội Đúc Bụt xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương và Lễ hội Cướp Phết, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch nếu chưa đưa ra phương án đổi mới hình thức, nghi thức tổ chức lễ hội phù hợp với cuộc sống hiện đại, có phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn tuyệt đối cho người tham gia, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội./.
Nguồn: Tạp chí XDĐSVH (Thành Nam)