Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời (khoảng thế kỷ XV), từng là thú chơi tao nhã, cao sang phục vụ cho một bộ phận quý tộc, có tiền, có chức sắc. Ngày nay, từ loại hình âm nhạc chỉ dành cho chốn cung đình, giới thượng lưu... Ca trù đã trở nên phổ biến trong đời sống âm nhạc nước nhà và ngày càng lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần của nhiều tầng lớp nhân dân.
Ngày 1 tháng 10 năm 2009, Ca trù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn: 15 tỉnh, thành phố. 9 năm trôi qua, cộng đồng người Việt đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ di sản quý giá này. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.
Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 tại Hà Tĩnh là 1 trong những nội dung hành động nằm trong kế hoạch bảo vệ di sản mà Việt Nam đã cam kết thực hiện trình lên UNESCO. Đây cũng là Liên hoan Ca trù lần thứ 3 được tổ chức có phạm vi toàn quốc. Liên hoan được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 240 năm, 160 năm ngày mất Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ như là sự tri ân đối với người có nhiều công lao, đặc biệt là nghệ thuật Ca trù. Sáng tạo hơn 60 bài hát nói, ông đã trở thành người định hình và đưa hát nói - 1 thể đặc sắc trong ca trù thành loại hình nghệ thuật độc đáo của nền thi ca - âm nhạc Việt Nam.
Khác với các loại hình âm nhạc dân gian khác như Ví Giặm, hát Xoan, Đờn ca tài tử,…, Ca trù vừa mang tính dân gian lại đậm chất bác học nên rất “kén” người sáng tác, người hát cũng như người nghe. Tuy nhiên, nếu ai đã yêu Ca trù thì lại say mê với lời ca, tiếng đàn, điệu hát, nhịp phách, tiếng “tom, chát” của trống chầu... Đó là một trong những điều kiện để Ca trù dần trở lại trong đời sống cộng đồng.
Với sự đầu tư, chuẩn bị khá công phu, 15 đoàn đã đem đến Liên hoan những màn trình diễn thật đa dạng về màu sắc, trong đó không thể không nhắc đến sự hòa hợp giữa hát, đàn và cầm chầu. Sân khấu Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 đã có sự hội tụ đa dạng của nhiều không gian diễn xướng như: hát cửa đình, cửa quyền, hát nhà tơ, hát thi và hát ca quán… Mỗi không gian có một lối hát và cách thức trình diễn riêng. Ngoài những thể cách khó như tỳ bà hành, thét nhạc, bỏ bộ…, các tiết mục giáo hương, giáo trống, dâng hương của 15 đoàn nghệ thuật cũng làm cho liên hoan thêm phần phong phú. Nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng chương trình với rất nhiều thể cách, hình thức diễn xướng, không theo một chủ đề không gian nào. Qua đó, ngầm giới thiệu sự đa đạng, phong phú trong quá trình khôi phục các thể cách Ca trù ở địa phương mình. Nổi bật nhất là đoàn Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, CLB Đình làng Việt (Hải Phòng) với nhiều tiết mục độc đáo như: múa bỏ bộ, múa bài bông…
Dấu ấn in đậm tại Liên hoan Ca trù 2018 là sự trưởng thành của một lớp đào nương, kép đàn, quan viên mang trong mình trọng trách giữ lửa cho nghệ thuật ca trù. Bên cạnh những ca nương đầy kinh nghiệm là sự xuất hiện của lớp ca nương trẻ đầy triển vọng như Thu Hà (Hà Tĩnh), Lê Thị Minh (Hưng Yên)… Các ca nương không chỉ có giọng hát hay mà còn giỏi trong gõ nhịp phách. Khán giả đã được thưởng thức những kép đàn giỏi với tiếng đàn đáy lay động lòng người. Sự biến hóa nhiều màu sắc của các kép đàn đã làm cho các tiết mục có những nét riêng như: kép đàn Tô Tuyên (Hải Phòng), Trần Văn Đài (Hà Tĩnh), Ngọc Cuông (Hải Dương), Nguyễn Tiến Thành (Thanh Hóa)…
PGS-TS. Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh: Liên hoan đã tạo ra sân khấu lớn cho các nghệ nhân, diễn viên từ 9 – 91tuổi được biểu diễn và thể hiện vốn hiểu biết của mình về Ca trù. Ngoài ra, Liên hoan cũng khẳng định thái độ tích cực của các tỉnh, thành trong gìn giữ và bảo tồn Ca trù theo đúng cam kết của các cộng đồng trong hồ sơ quốc gia.
Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 kết thúc cũng đồng thời mở ra cánh cửa mới cho nghệ thuật Ca trù. Đây thực sự là môi trường thuận lợi để các CLB Ca trù trong cả nước cùng nhau trao đổi, tiếp tục nuôi dưỡng, trao truyền giá trị Ca trù, tạo tiền đề cho những thành công của các Liên hoan tiếp theo./.
Nguồn: Tạp chí XDĐSVH (Thanh Tình)