Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai chính thức được tổ chức từ ngày 30/11-2/12/2018 với nhiều hoạt động, lễ hội đặc sắc mang nét văn hóa bản địa hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng và thú vị.
Trong khuôn khổ của lễ hội có trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm của đồng bào Bahnar và Jrai trên địa bàn tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Quảng trường Đại Đoàn Kết. Các khối gỗ trở nên có hồn hơn dưới bàn tay tài hoa cùng trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân với nhiều hình tượng như: trẻ em, thiếu nữ, mẹ bồng con, bà ôm cháu, cha cõng con trên vai, đàn ông hút thuốc uống rượu cần, đàn bà múa xoang, mẹ con giã gạo, dũng sĩ, người đánh chiêng, đánh trống, tượng chim thú… vô cùng đa dạng về kiểu dáng, tư thế, biểu cảm độc đáo với đủ cung bậc cảm xúc vui buồn, hân hoan, hạnh phúc, âu lo, khổ đau, giận dữ, hài hước, mong ngóng, tiếc nuối, ngây ngô… Bên cạnh đó còn có các sản phẩm dệt tay, đan lát truyền thống của đồng bào như khăn choàng cổ, túi đeo tay, ví nam (nữ), trang phục váy, áo và các mô hình nhà rông, gùi, rổ rá… sẽ là những món quà có ý nghĩa cho du khách gần xa.
Nhân dịp này Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sẽ tổ chức triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các tranh, ảnh tư liệu về cuộc đời - sự nghiệp họa sĩ Xu Man tại khu vực đường Anh hùng Núp để mọi người cùng tham quan, chiêm ngưỡng. Chưa hết, một số hoạt động triển lãm và trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam cũng được Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức. Các gian hàng ẩm thực địa phương trưng bày rất đa dạng phục vụ thực khách tham quan như: cà phê Pleiku, phở khô Gia Lai, cơm lam gà nướng Tây Nguyên, Bồ câu thuốc bắc Thuận Châu, các món ăn vặt đường phố… Những hội chợ triển lãm thương mại Công, Nông nghiệp Gia Lai được tổ chức tại khu Hội chợ triển lãm Pleiku sẽ đáp ứng nhu cầu thưởng thức, mua sắm các loại đặc sản Gia Lai như tiêu, cà phê, mật ong, phấn hoa, măng khô, chuối hạt, cao mật nhân, các loại sâm đá, nấm Lim Xanh, Linh Chi và nhiều mặt hàng gia dụng khác.
Điểm nhấn tại Festival năm nay là Lễ hội đường phố do các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng biểu diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng, nghệ thuật dân gian trên một số tuyến đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lê Lợi về Quảng trường Đại Đoàn Kết. Cũng không thể không kể đến những hội thảo chuyên đề, việc phục dựng các nghi lễ truyền thống của đồng bào Bahnar, Jrai trên địa bàn như Lễ mừng nhà Rông mới (làng Ốp), Lễ mừng lúa mới…; các hoạt động văn nghệ dân gian như diễn xướng sử thi, hát dân ca dân vũ…
Nói tóm lại, một không gian văn hóa với chuỗi hoạt động đặc sắc mang nét đặc trưng vùng miền được thể hiện trong khuôn khổ Festival sẽ đem lại nhiều điều thú vị cho mọi người cùng thưởng thức./.
Nguồn: Tạp chí XDĐSVH (Nguyễn Mỹ Lệ)