Tin tức

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương trả lời phỏng vấn về Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội

30 Tháng Tám 2018

Thưa bà, Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về Quản lý và tổ chức lễ hội. Đây là Nghị định đầu tiên của Chính phủ về lĩnh vực này. Bà có thể cho biết những điểm mới của Nghị định quy định về công tác quản lý và tổ chức lễ hội?

Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành có hiệu lực ngày 15 tháng 10 năm 2018 là hành lang pháp lý quan trọng, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian qua. Nghị định đưa ra các biện pháp quản lý: phân cấp quản lý ở các địa phương, đặc biệt đối với những lễ hội truyền thống, tùy theo quy mô và tính chất ở từng lễ hội. Nguyên tắc tổ chức lễ hội đưa ra 7 quy định chặt chẽ đây là những quy định nền tảng để nâng cao hiệu lực quản lý lễ hội. Theo đó, việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh các bậc tiền nhân. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa. Đặc biệt, giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Nghi lễ trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Khắc phục những biến tướng thương mại hóa lễ hội, Nghị định nhấn mạnh, không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đáng lưu ý là quy định “Tạm ngừng tổ chức lễ hội”. Đây là quy định mới và là biện pháp mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi biến tướng, lộn xộn khi triển khai quản lý lễ hội trong thực tế. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp: Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, gây cháy nổ, làm chết người; xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội, gây hoang mang trong nhân dân.

Nghị định đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó, đáng lưu ý là quy định về việc cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu tạm ngừng tổ chức lễ hội trong một số trường hợp. Nhiều chuyên gia cho rằng, như vậy, những lễ hội sai lệch sẽ không còn “đất sống”. Bà nhận định thế nào về điều này?

Như tôi đã nói ở trên, các lễ hội tổ chức sai lệch nội dung, giá trị truyền thống; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, gây cháy nổ, chết người; có hoạt động phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội, gây hoang mang trong nhân dân… theo quy định tại Nghị định sẽ bị tạm ngừng tổ chức. Nếu như trước đây, chúng ta còn thiếu những biện pháp ngăn chặn kịp thời, thiếu các quy định mang tính pháp lý cũng như các biện pháp mạnh thì đến nay, sau khi Nghị định ban hành, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp, các BTC lễ hội đã có đầy đủ một hệ thống hành lang pháp lý hỗ trợ. Đương nhiên, song hành thuận lợi còn là những yêu cầu khắt khe nhằm đảm bảo tính khả thi của Nghị định. Sẽ không có khó khăn nếu các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định tại Nghị định. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và đi vào nề nếp. Các lễ hội được diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nghị định đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ trong đó có quy định rõ về quyền, trách nhiệm của người dân tham gia lễ hội, của BTC lễ hội, của địa phương, các Bộ ngành…Cụ thể tại Điều 19 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của các bộ, ngành liên quan. Như vậy, chắc chắn trong thời gian tới, công tác phối hợp trong quản lý tổ chức lễ hội cần phải được nâng cao. Theo bà, ở địa phương, ở Trung ương, công tác phối hợp trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội cần thực hiện tốt những điểm gì?

          Trước tiên các Bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội mà Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Nghị định như:  Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trong công tác tuyên truyền về lễ hội, định hướng dư luận xã hội trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của lễ hội; Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác bảo đảm y tế trong hoạt động lễ hội; Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội cho hoạt động lễ hội… Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn theo thẩm quyền.

Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác chỉ đạo tuyên truyền hướng dẫn và tổ chức thực hiện; thanh tra, kiểm tra và xử lý những vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo Bà, để Nghị định 110/2018/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống cần triển khai các giải pháp gì?

Để Nghị định đi vào cuộc sống, trước hết cần đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt Nghị định 110/2018/NĐ-CP tới cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như những quy định công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về quyền và trách nhiệm khi tham gia lễ hội, quyền người tham gia lễ hội là được thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng; thể hiện mong muốn Điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước; được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần. Đồng thời, người tham gia lễ hội có các trách nhiệm: chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường...

Thứ ba, thực hiện phân cấp trong quản lý và tổ chức lễ hội, nêu cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành; trách nhiệm của Ban tổ chức Lễ hội, cộng đồng địa phương; xây dựng và triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ. Quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai minh bạch, đúng mục đích.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý ví phạm. Phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội; tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của lễ hội. 

Các cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP cần thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định của nghị định, tổ chức cho cán bộ, công chức nghiên cứu kỹ các quy định có liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo thực hiện đúng quy định, tránh sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm những vấn đề nêu trên, Nghị định 110 của Chính phủ sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn Bà.

Toàn văn Nghị định số 110/NĐ-CP download tại đây./.

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch