Trong các ngày từ 1-5/8/2018, tại TP Long Xuyên (An Giang) đã diễn ra Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” lần thứ XVI với chủ đề “Sắc màu Mekong” do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp với sở VHTT&DL tỉnh An Giang tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 73 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9; chào mừng 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tham dự có 14 Đoàn nghệ thuật quần chúng 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Trường Đại học Cần Thơ.
Phát biểu tại lễ khai mạc ông Nguyễn Công Trung – Phó Cục trưởng Cục VHCS nhấn mạnh: “ Hội diễn là hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại các tỉnh, thành trong khu vực, là nơi gặp gỡ, thăng hoa của nhiều nền văn hóa đặc trưng về tự nhiên, môi trường, sinh thái, lịch sử và xã hội, vùng đất định cư của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, nhằm góp phần bảo tồn, tôn vinh nét riêng biệt trong sự đa dạng sắc màu của đại gia đình 54 dân tộc anh em”.
Trước khi diễn ra Hội diễn, chiều ngày 1.8, các đoàn đã dâng hoa tại tượng đài Bác Tôn, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với người con ưu tú Nam Bộ luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và diễu hành xe tuyên truyền trên các tuyến đường chính của TP Long Xuyên. Đúng 20 giờ, chương trình khai mạc bắt đầu gồm 3 phần: “Khởi nguồn đất mẹ”; “Tự hào- Tôn Đức Thắng”; “Sắc màu Mekong”. Sau nghi thức khai mạc là phần thi diễn sôi nổi của tỉnh An Giang và Cà Mau. Các đơn vị còn lại tiếp tục thi diễn từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 8 năm 2018 và đi giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân, lực lượng vũ trang tại các điểm diễn: Lữ đoàn 962, Trung đoàn 3 - Vàm Cống, Tp Long Xuyên; Sư đoàn Bộ binh 330 huyện Tịnh Biên, Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn (An Giang).
Với chủ đề “Dáng đứng An Giang”, các nghệ sỹ, diễn viên đơn vị chủ nhà đã đem đến cho khán giả 1 chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp gồm 5 tiết mục. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc có nội dung ca ngợi Bác Tôn- Người cộng sản kiên trung đã làm rạng danh non sông Việt Nam; bên cạnh đó phản ảnh truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa và giới thiệu về những điểm du lịch xanh thân thiện ở vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Đáng chú ý là tiết mục múa “Sức sống Trà Sư” – một tác phẩm nghệ thuật khá hoàn chỉnh, có ý tưởng hay, ca ngợi vẻ đẹp đặc trưng của tỉnh An Giang, đó là tác phẩm múa công phu có giá trị về mặt nghệ thuật, là bức thông điệp trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường và khu du lịch sinh thái đặc biệt quý giá của quê hương An Giang.
Tiếp đến là phần thi của đơn vị Cà Mau – một tỉnh tận cùng của tổ quốc, quê hương của rừng Đước, rừng Tràm vẫn còn in dấu chân của những người con đi mở đất hôm nay cũng hội tụ về đây trên quê hương bác Tôn để mang những lời ca, tiếng hát ngọt ngào cho các tỉnh bạn trong khu vực và nhân dân địa phương. Đến với Hội diễn đoàn đã xây dựng chương trình gồm một tổ khúc hát ca ngợi Bác Tôn và một số ca khúc về ĐBSCL, đậm hương sắc Cà Mau. Một số tiết mục tiêu biểu như: Cà Mau nhớ mãi khi xa; Hương lúa miền Nam.
Không chỉ mang đến cho người xem những cảm nhận sâu sắc về đặc trưng văn hóa vùng miền, một số đoàn nghệ thuật đã có những đổi mới, sáng tạo trong công tác biên tập, dàn dựng nội dung chương trình phong phú, mang hiệu ứng tuyên truyền cao, tiêu biểu như đoàn nghệ thuật Tp Cần Thơ đã đem đến cho khán giả tiết mục múa Khởi nghiệp có nội dung xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Đây là tiết mục khá tốt về nội dung, chất lượng nghệ thuật cao, phản ánh hiện thực đang được nhà nước và nhân dân quan tâm về chủ trương làm giàu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, từng bước xây dựng quê hương giàu đẹp, đổi mới.
Dù thời gian không nhiều, nhưng với nhiệt huyết và niềm đam mê của mình, các nghệ sỹ, diễn viên đã khắc họa những nét văn hóa đặc trưng về mảnh đất và con người khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long qua các tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, cống hiến cho nhân dân tỉnh An Giang nói riêng và du khách thập phương nói chung được hòa cùng nhau trong âm hưởng các làn điệu dân ca, dân vũ dân gian độc đáo. Một số tiết mục tiêu biểu đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả như: Hoạt cảnh dân ca: Thưởng ngoạn điểm hẹn Cần Thơ; tiết mục ca múa: Vút bay đất Mẹ chín Rồng của đoàn NTQC thành phố Cần Thơ; Liên khúc tài tử: Tưng bừng sông nước Phương Nam của đoàn NTQC tỉnh Kiên Giang; tiết mục ca tài tử: Về thăm quê hương Bác Tôn của đoàn NTQC tỉnh Sóc Trăng; tiết mục hát múa: Chung dòng sông hò hẹn của đoàn NTQC tỉnh Vĩnh Long; tiết mục ca múa: Hậu Giang ngày mới của đoàn NTQC tỉnh Hậu Giang; tiết mục ca múa tổ khúc: Ánh sao soi đường của trường Đại học thành phố Cần Thơ....
Dù thể hiện bằng nhiều thể loại khác nhau nhưng tất cả lời ca, tiếng hát ấy đều là khúc “khải hoàn” trước những đổi thay của các địa phương nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, bảo vệ đất nước. Đó là một Hậu Giang trẻ trung đã gây dựng thế đứng vững vàng bên bờ Tây Sông Hậu trong tiết mục ca múa: Hậu Giang bay lên những ước mơ. Cùng với Hậu Giang, các sinh viên trường Đại học Tp Cần Thơ cũng thể hiện niềm tự hào quê hương bằng lời ca tiếng hát qua tiết mục ca múa: Bay lên vùng đất mẹ Chín Rồng. Đó còn là tiết mục: Rạng rỡ đất Chín Rồng của đoàn nghệ thuật tỉnh Long An...thông qua những lời ca, tiếng hát, điệu múa, chúng ta không chỉ cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu đời của các nghệ sỹ, diễn viên mà còn thấy được khát vọng và niềm tin của nhân dân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng về một tương lai tươi đẹp, đang vút cao trên bầu trời rộng mở.
Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trong 5 ngày qua thật sự là nơi hội tụ của sắc màu văn hóa với các làn điệu dân ca, dân vũ ngọt ngào, sâu lắng. Trên sân khấu Công trường Trưng Nữ Vương chúng ta luôn bắt gặp ánh mắt háo hức của các cụ già, em nhỏ, những người dân địa phương cùng tề tựu về đây để được thưởng thức các tiết mục thi diễn đặc sắc của đơn vị chủ nhà và các đội bạn.
Thông qua Hội diễn đã góp phần đem lại không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, khích lệ, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác, duy trì, phát triển các hoạt động nghệ thuật cho quần chúng nhân dân, tôn vinh, phổ biến những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của từng địa phương nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; Đây là cơ hội cho lực lượng văn nghệ sỹ, diễn viên quần chúng trong khu vực được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi nhau trong công tác biên tập, dàn dựng và biểu diễn. Qua đó thúc đẩy phong trào văn hóa – nghệ thuật khu vực ĐBSCL ngày càng khởi sắc.
Đáng chú ý tại Hội diễn lần này, bên cạnh những gương mặt các nghệ sỹ đã trưởng thành trong phong trào còn xuất hiện một số diễn viên nhí (tiết mục: ca tài tử: Về thăm quê hương Bác Tôn của đoàn NTQC tỉnh Sóc Trăng) đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện ý thức về tính kế thừa, tiếp nối truyền thống qua nhiều thế hệ.
NSND Đặng Hùng – Trưởng Ban Giám khảo nhận xét: Hội diễn lần này thu hút sự tham gia hưởng ứng của trên 600 nghệ sỹ, diễn viên với 79 tiết mục gồm các thể loại: ca – múa – nhạc, tiểu phẩm, đờn ca tài tử, ca cổ...mỗi tiết mục là một bông hoa rực rỡ sắc màu cùng hội tụ tại một điểm hẹn trên vùng đất Chín Rồng làm cho sân khấu trở nên lộng lẫy, lòng người vui như mở hội và cả đất trời cùng hòa chung niềm hạnh phúc trong sự kiện trọng đại này. Dù không là Hội diễn chuyên nghiệp nhưng các nghệ sỹ, diễn viên đã thể hiện tinh thần lao động nghệ thuật nhiệt tình, trách nhiệm. Chuyên môn nghệ thuật đã tiến bộ một bước đáng khích lệ về sáng tác, biên đạo, âm nhạc, biểu diễn, đạo diễn, trang trí, đạo cụ...Nhiều kỹ thuật đẳng cấp cao đã được thực hiện khá tốt như bê đỡ, nhảy lớn, quay nhiều vòng...nghệ thuật phối hợp sân khấu có tiến bộ nhiều, làm cho sân khấu trở nên hài hòa, liều lượng vừa phải, có đơn vị, có nghệ sỹ đã vượt khỏi ranh giới chuyên nghiệp và không chuyên.
Kết thúc Hội diễn, Ban tổ chức đã trao 29 Huy chương Vàng, 28 Huy chương Bạc cho các tiết mục thi diễn xuất sắc. Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang tặng Bằng khen cho 14 đoàn nghệ thuật quần chúng về tham dự Hội diễn.
Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVI đã khép lại song dư âm của nó vẫn còn lắng đọng mãi trong trái tim của những người yêu nghệ thuật, mang lại hiệu ứng tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Xin hẹn gặp lại ở Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVII – Bạc Liêu năm 2020./.
Bài: Hồng Hạnh - Ảnh: Tuấn Linh