Liên hoan là một hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh, quảng bá, góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, kế thừa, giới thiệu về những giá trị nghệ thuật của loại hình Hát Văn và Hát Chầu văn trong “Thực hành Tín ngưỡng và Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Liên hoan năm nay quy tụ hơn 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, thanh đồng, cung văn đến từ các câu lạc bộ, hội văn nghệ dân gian của 16 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Lào Cai, Tuyên Quang, Nhà hát Chèo Việt Nam và Đoàn nghệ thuật Chèo Phú Thọ.
Đây là lần thứ 2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức Liên hoan kể từ khi UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại vào tháng 12 năm 2016. Hát văn, hát Chầu văn thuộc hình tín ngưỡng bản địa, một nghi thức quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời nõ cũng là một bộ môn nghệ thuật dân tộc hội tụ các yếu tố Âm nhạc; Giá trị văn chương; Văn hóa học; Nhân học; Văn hóa tâm linh; Tín ngưỡng tôn giáo; Thần học; Nghệ thuật diễn xướng; Trang phục; Vũ đạo, Lễ hội… Sự sáng tạo phong phú của nhân dân đã làm nên cấu trúc giai điệu, nhịp điệu đạt đến độ hoàn chỉnh, làm say đắm lòng người. Nội dung những lời ca hết sức có ý nghĩa, gắn liền với truyền thống dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, phát triển mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Tổ chức Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc là một trong những chương trình hành động mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra nhằm gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đây cũng là giải pháp thiết thực để định hướng việc thực hành tín ngưỡng, tạo ra sự giao lưu, gặp gỡ của các nghệ nhân, nghệ sĩ trên toàn quốc.
Trên cơ sở cấu trúc, nghệ thuật của loại hình Hát văn và hát Chầu văn, các tiết mục tham dự liên hoan được chia thành hai nội dung: Hát văn cổ phổ lời mới với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, ca ngợi những thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hát Chầu văn là phần diễn xướng 36 giá đồng thường được các thanh đồng sử dụng hầu thánh tại các Đền, Miếu, Phủ.
Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc đã góp phần quan trọng cho sự thành công chung của Festival Huế 2018. Hiếm có khi nào cố đô Huế lại xuất hiện nhiều ông Hoàng, bà Chúa đến như vậy. Hình ảnh ấy với điểm tựa Hát Văn, hát Chầu văn giúp khán giả và du khách cảm nhận được sự hiện hữu về tinh thần thượng tôn dân tộc, ghi nhớ công ơn tiên tổ, các bậc tiền nhân có công dựng nước, lập ấp, lập làng, truyền dạy nghề nghiệp cho nhân dân thông qua các giá hầu và trích đoạn dự thi. Mặt khác, Liên hoan đã đem đến cho khán giả một cái nhìn tổng quan về sự phát triển, lan tỏa của hát văn, hát chầu văn đến các miền văn hóa trong cả nước. Nếu như Hát văn Lạng Sơn, Lào Cai thiên về chất giọng thô mộc, giản dị, mang đặc điểm của lối hát dân dã thì phong cách Hát văn Hà Nội, Hải Phòng lại sử dụng nhiều kỹ thuật nảy hạt, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm và tinh tế trong việc điều tiết âm lượng, câu chữ. Và cũng là hát lên đồng nhưng chầu văn Huế lại đem tới cho người nghe một cảm giác vừa chân chất, lại vừa rạo rực...
Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Trầm, Trưởng ban Giám khảo Liên hoan cho biết: Sau 4 ngày thi diễn ra sôi nổi, các đoàn đã mang đến nhiều giá chầu, trích đoạn đặc sắc tại sân khấu Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế - Một không gian đậm tính nghệ thuật đã góp phần thăng hoa, nâng bước cho sự sáng tạo, thỏa mãn yếu tố tâm linh, đem lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Với gần 50 giá chầu và các trích đoạn tham gia dự thi, Ban Giám khảo đã làm việc hết sức công tâm, trách nhiệm để lựa chọn các thanh đồng, cung văn, nghệ nhân và các tiết mục xuất sắc.
Anh Trần Quang Cường, Trưởng đoàn NTQC tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Đây là lần đầu tiên Thừa Thiên Huế tham gia và đăng cai Liên hoan Hát Văn, hát Chầu văn. Tuy Huế không phải là “cái nôi” hình thành nên hát Chầu văn, nhưng lại có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời. Dưới thời vua Đồng Khánh, Chầu văn đã được nâng tầm quốc lễ. Chính vì có những nét riêng trong việc hình thành và lan tỏa Hầu văn ở Huế nên khi xây dựng chương trình tham dự liên hoan, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh chọn 4 tiết mục được diễn xướng ở các phong cách khác nhau: Hầu văn tại đền, miếu; Hầu văn tại gia; Hầu văn qua diễn xướng trong dân gian và hát Hầu văn ở phong cách sân khấu hóa chuyên nghiệp nhằm giới thiệu đến công chúng sự độc đáo của Chầu văn Huế nói riêng và miền Trung nói chung.
Tại Lễ tổng kết, Ban tổ chức đã trao giải cho 25 tiết mục đặc sắc mang giá trị nghệ thuật cao. Ngoài ra, Ban tổ chức trao giải Dàn nhạc dân tộc trình diễn xuất sắc nhất cho đoàn Thành phố Hồ Chí Minh; giải Cung văn trình diễn xuất sắc cho đoàn Thanh Hóa.
Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018 tại Huế đã kết thúc trong dư âm linh thiêng, ngọt ngào với những lời ca, tiếng đàn, điệu múa của những thanh đồng, cung văn và trên hết là sức sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời, những tình cảm lắng đọng về giá trị di sản quý giá mà cha ông ta đã để lại, giúp công chúng có thêm một góc nhìn, hiểu hơn về vốn cổ văn hóa dân tộc khá đa dạng và nhiều màu sắc./.
Nguyễn Thị Hằng - TTVHTT Thừa Thiên Huế
Nguồn: Tạp chí XD ĐSVH