Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, các đơn vị liên quan thuộc Bộ VHTTDL, lãnh đạo sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành và đại diện lãnh đạo một số địa phương …
Đồng chí Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở trình bày tóm tắt báo cáo công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân 2018, theo đó, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và quán triệt sở VHTTDL, sở VHTT các tỉnh, thành phố thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng và nhà nước về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản đã đáp ứng kịp thời công tác quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản đã tập trung vào việc điều chỉnh các hạn chế từ mùa lễ hội năm 2017; cùng với đó việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được Bộ quan tâm.
Công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL với các Ban, Bộ, Ngành Trung ương được triển khai và có hiệu quả trong công tác tham mưu xây dựng văn bản chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội và định hướng truyền thông tuyên truyền những nét đẹp văn hóa trong lễ hội truyền thống
Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho UBND ban hành các các văn bản chỉ đạo, tổ chức lễ hội, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của di tích, của lễ hội; đề xuất các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi những tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với đời sống xã hội hiện nay.
Công tác tổ chức lễ hội trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương và địa phương. Các hoạt động lễ hội diễn rat rang trọng, an toàn, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực không còn phù hợp đã chuyển đổi hình thức thực hành như: Lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không chém lợn giữa sân đình, Hội phết xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc), Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức; Lễ hội Đền Sóc (Hà Nội) thay đổi hình thức và địa điểm cướp lộc bằng tán lộc đã không còn cảnh tranh giành phản cảm.
Lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và Phù Ninh (Phú Thọ) có nhiều động thái tích cực khi có sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, lên phương án đảm bảo an toàn, an ninh cho người tham gia lễ hội, quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với Ban tổ chức, ngăn chặn và có biện pháp xử lý các hành vi cá cược…
Nhiều lễ hội truyền thống quy mô lớn như Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang), Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)… được tổ chức công phu, hài hòa giữa yếu tố thiêng của lễ, tưng bừng của hội cùng các trò chơi dân gian và hiện đại; nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm phục dựng như: Lễ hội Lồng tồng (dân tộc Tày, Nùng), Lễ hội Cầu mùa (dân tộc Khơ Mú), Lễ hội Gầu tào (dân tộc Mông)…
Tuy nhiên cũng còn một số hạn chế vấn còn tồn tại ở một số lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018 được nêu ra như:
Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính
Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Sóc, Chùa Hương (thành phố Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)...
Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời...
Diễn ra trong không khí thẳng thắn, dân chủ và cởi mở, Hội nghị đã nhận được 14 ý kiến của các đại biểu đại diện cho các địa phương là điểm nóng về tổ chức lễ hội trong các năm trước đây như: Lễ hội đền Trần, Lễ hội đền Bà Chúa kho, Lễ hội Cướp phết, Lễ hội chọi trâu…
Các ý kiến đều nhất trí cao với báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở và phân tích thêm nguyên nhân, giải pháp dẫn đến thành công trong việc quản lý, tổ chức thành công tại địa phương Xuân 2018 tại địa phương. Đó là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Đảng và nhà nước, của Bộ VHTTDL về tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội; công tác thanh tra, kiểm tra trước và trong lễ hội được quan tâm chú trọng, công tác tuyên truyền vận động thực hiện nếp sống văn minh tại các điểm di tích, lễ hội đã phát huy tác dụng. Đối với các lễ hội có hành vi bạo lực, phản cảm, có tập tục lạc hậu đều được cơ quan quản lý nhà nước các cấp quan tâm tập trung chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý di tích lên phương án tổ chức đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân, du khách mà vẫn giữ được nguyên gốc giá trị truyền thống của di tích….
Kết luận Hội nghị, Thứ Trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định Bộ VHTTDL coi công tác quản lý tổ chức lễ hội Xuân là nhiệm vụ quan trọng và phân công cụ thể trách nhiệm trong lãnh đạo Bộ, các đơn vị liên quan thuộc Bộ và đánh giá cao công tác tham mưu văn bản chỉ đạo quản lý nhà nước kịp thời, đáp ứng được yêu cầu; Các địa phương đã nhận thức được tầm quan của công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW của BCH Trung ương nên huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc một cách quyết liệt; các cơ quan truyền thông đã tuyên truyền đưa tin kịp thời, khách quan; Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế ở một số nơi còn lệch lạc trong việc khai thác hoạt động lễ hội, nâng cấp quy mô của lễ hội, phát ấn, phát lộc, sóc thẻ sai với hồ sơ di sản. chúng ta tôn trọng các giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân nhưng phải nhận diện đúng bản chất của từng lễ hội để ứng xử, kiên quyết loại bỏ các biểu hiện trục lợi, thương mại hóa lễ hội, các hành vi gây mất an ninh, an toàn cho nhân dân, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, tăng cường và duy trì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động lễ hội, tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác tổ chức lễ hội ở địa phương, đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền vận động người dân thực hiện nếp sống,văn minh trong lễ hội, hạn chế tối đa tiến tới loại bỏ việc đốt vàng mã ở các cơ sở tôn giáo, lễ hội./.
Thành Nam - Tạp chí XDĐSVH