Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại tỉnh Nam Định nhằm nắm bắt tình hình quản lý và tổ chức lễ hội tại các điểm di tích Đền Trần, Đền Bảo Lộc, chùa Tháp, Phủ Dầy.
Tại thời điểm kiểm tra thực tế các điểm di tích, công tác tổ chức, quy hoạch di tích, đón tiếp du khách, vệ sinh môi trường, đặc biệt là việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ đã được thực hiện tốt. Hệ thống biển chỉ dẫn, pano tấm lớn quanh khu vực di tích, các nội quy trong khu di tích và các văn bản chỉ đạo liên quan được phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân cũng như du khách trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội. Các khu di tích, khu dịch vụ được quy hoạch gọn gàng, sạch đẹp, đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường, có điểm trông giữ xe khang trang, khoa học, người bán hành có ý thức về việc niêm yết giá dịch vụ; không có tình trạng người lang thang ăn xin, người khấn thuê trong khuôn viên di tích; các hòm công đức được đặt đúng quy định, không có tình trạng đổi tiền lẻ, giắt tiền lễ trên các bệ thờ, tượng Phật… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người hầu đồng sử dụng loa có âm lượng lớn, đồ mã nhiều…
Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn công tác đã có buổi làm việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định với đại diện Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các di tích và các phòng chức năng liên quan về kết quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2024; phương hướng thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2025 và kế hoạch tổ chức lễ hội Đền Trần, Đền Bảo Lộc năm 2025; lắng nghe kiến nghị, đề xuất của địa phương về công tác quản lý, tổ chức lễ hội... Theo báo cáo của địa phương, công tác tổ chức các lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, tiết kiệm. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, theo nghi thức truyền thống, phần hội được tổ chức phong phú thông qua các hoạt động văn hoá dân gian, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ như: hát chầu văn, hát chèo, ca trù, tổ chức các môn thể thao truyền thống như võ vật, cờ người, đu quay… gắn các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống, thể thao hiện đại với các hoạt động quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh Nam Định thân thiện và mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế… Năm 2024 cũng là năm đầu tiên thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hoá trong lễ hội truyền thống”, toàn tỉnh đã tăng cường công tác quản lý lễ hội truyền thống; từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, với những vấn đề hạn chế còn tồn tại ở một vài điểm di tích như Đền Bảo Lộc, tỉnh đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý trong thời gian tới.
Thay mặt đoàn công tác, ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban quản lý các khu di tích tỉnh Nam Định trong công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội năm 2024; đồng thời, đề nghị địa phương tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được năm 2024, thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, tổ chức lễ hội, Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống và các văn bản chỉ đạo liên quan để công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại tỉnh Nam Định năm 2025 đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân và du khách, trở thành điểm sáng trong công tác xây dựng môi trường văn hóa, góp phần kích cầu du lịch, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương./.
Lê Thị Hương Mai