Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn cả nước

15 Tháng Bảy 2019

Trong sáu tháng đầu năm 2019, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tổ chức lễ hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 1 năm 1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3881/QĐ-BVHTTDL ngày 16 tháng 10 năm 2018 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện. Các địa phương đã tổ chức phổ biến, quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ; triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn bài bản, chặt chẽ hơn. Một số lễ hội còn xảy ra hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực, còn duy trì những tập tục không phù hợp với xu hướng của xã hội, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội đã có giải pháp khắp phục, phương án thay đổi hình thức tổ chức lễ hội phù hợp, đảm bảo các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân và du khách.

Nội dung tuyên truyền tập trung về lịch sử di tích, ý nghĩa của lễ hội, các quy định về bảo vệ di tích và việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và lễ hội; không tiếp nhận và đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích; bố trí hợp lý nơi thắp hương, hóa mã và các giải pháp phòng, chống cháy nổ; hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ thực hiện đặt lễ, đặt tiền giọt dầu, tiền công đức đúng nơi quy định.

Mùa lễ hội năm 2019 trên địa bàn cả nước đã được tổ chức an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thu hút được đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia. Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng diễn ra sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng, với các hoạt động phong phú như: trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực; tổ chức các hoạt động văn hóa, môn thể thao truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá, giáo dục đạo lý uống ước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu di tích và lễ hội được đảm bảo. Các Ban Quản lý di tích đầu tư xây dựng kế hoạch, lắp đặt camera theo dõi, giá cả hàng hóa dịch vụ được các cơ sở kinh doanh niêm yết, bán đúng giá theo quy định. Tại các lễ hội đều bố trí lực lượng công an thường trực, kiểm tra và giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, phân luồng giao thông trong thời gian tổ chức lễ hội; những địa phương có các lễ hội liên quan đến sông nước đều có phương án giám sát chặt chẽ, yêu cầu chủ phương tiện giao thông đường thủy trang bị đủ áo phao cho du khách, không chở quá số người theo quy định để đảm bảo tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia lễ hội. Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu, chi trong tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch; bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định, đồng thời bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời; sắp xếp các hàng quán dịch vụ hợp lý tại các khu vực tổ chức lễ hội, niêm yết bán đúng giá được Ban tổ chức quản lý chặt chẽ, công khai, giảm thiểu việc tăng giá, ép giá bán dịch vụ, hàng hóa, thương mại hóa lễ hội và di tích.

Tuy nhiên, một số di tích nơi tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra hiện tượng thắp hương, đốt vàng mã nhiều, không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, chưa quy hoạch được khu vực để bố trí các công trình phụ trợ phục vụ du khách, hàng quán dịch vụ chưa được sắp xếp khoa học. Công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích, lễ hội chưa được xử lý kịp thời; Ở một số lễ hội, nội dung tổ chức còn sơ sài, chưa chú trọng đến việc khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội; các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống chưa có sự đổi mới, hấp dẫn, thu hút được người xem. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở một số địa phương còn buông lỏng, thiếu quan tâm, thiếu các phương án bảo đảm an toàn giao thông, chưa xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về tổ chức lễ hội. Tại di tích, lễ hội ở một số địa phương công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Tại một số lễ hội vẫn còn những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc như: Hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội); Hội Phết Hiền Quan, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ), Lễ hội Đúc Bụt tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc)...

Để công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý và tổ chức lễ hôi và các văn bản pháp luật liên quan. Đẩy mạnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm.

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho chủ thể văn hóa và công chúng tham gia về việc bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống và việc thực hiện nếp sống văn minh khi thực hành và tham gia lễ hội.

- Xây dựng các giải pháp khắc phục hiện tượng lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm và thương mại hóa lễ hội.

- Các cấp chính quyền địa phương nơi có lễ hội diễn ra cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức và hoạt động lễ hội theo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật.

- Thực hiện công tác kiểm kê, lập Hồ sơ khoa học đối với lễ hội truyền thống để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phương Thúy

Sức sống trường tồn của những làn điệu dân ca qua Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/suc-song-truong-ton-cua-nhung-lan-dieu-dan-ca-qua-hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-20211227154359089.htm
Tác giả: Thu Mai - Việt Hùng
Dịch vụ công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch